Các nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thường gặp là do người bệnh bị thoái hóa, chấn thương hoặc có bệnh lý về cột sống. Bên cạnh đó, người thường xuyên làm các công việc nặng nhọc, ngồi sai tư thế lâu ngày hoặc mắc các bệnh lý đái tháo đường, viêm đa khớp dạng thấp, gout,… đều có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.
Bệnh thường khởi phát sau một thời gian dài đau lưng âm ỉ hoặc khởi phát đột ngột sau khi cúi người sai tư thế để làm việc nặng. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thường là đau lưng dữ dội, cơn đau giảm khi nằm nghỉ nhưng sẽ tái phát khi ngồi, đi lại hoặc thậm chí khi hắt hơi. Trường hợp nặng có thể khiến người bệnh yếu liệt, không kiểm soát được khả năng đi tiểu.
Việc điều trị thoát vị đĩa đệm thường khởi đầu bằng điều trị bảo tồn, người bệnh cần nghỉ ngơi, hạn chế làm việc, sử dụng các thuốc đặc trị kèm theo chế độ tập vật lý trị liệu thích hợp. Nếu đáp ứng tốt, người bệnh có thể giảm các triệu chứng trong vòng 1 - 2 tháng.
Rất nhiều trường hợp thoát vị đĩa đệm đã điều trị sai phương pháp, chẳng những gây tốn kém thời gian, chi phí điều trị mà còn khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Trong đó, cần phòng tránh một số sai lầm trong điều trị thoát vị đĩa đệm sau đây:
Một trong những sai lầm trong điều trị thoát vị đĩa đệm đầu tiên cần nói đến, đó là tự ý điều trị ở nhà. Có người thấy đau lưng tới mức phải nghỉ làm, tự ý mua thuốc giảm đau để uống, sử dụng thêm cao dán, nắn xương kèm bấm huyệt nhiều lần nhưng cơn đau chỉ giảm khi nghỉ ngơi, tái phát khi vận động. Khi cơn đau buốt ngày càng nặng hơn, lan xuống cả sau mông, đùi và bàn chân bên phải, người đó mới đi khám và được chẩn đoán bị đau thần kinh tọa phải do thoát vị đĩa đệm.
Bởi vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo khi có các triệu chứng nêu trên, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác, tránh việc tự ý chữa trị làm tình trạng bệnh nặng thêm.
Trong quá trình điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm người bệnh thấy tình trạng của mình đã đỡ hơn, những cơn đau thuyên giảm, vận động dễ dàng hơn thì nghĩ rằng bệnh đã khỏi và tự ý ngưng sử dụng thuốc. Điều này thực sự rất nguy hiểm khiến bệnh không được chữa trị dứt điểm, rất dễ tái phát, gây nên tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc. Lâu dần bệnh sẽ trở thành mạn tính, khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém hơn.
Bài thuốc dân gian chỉ mang tính hỗ trợ. Hiện tại trong dân gian còn tồn tại một số quan điểm sai lầm trong điều trị thoát vị đĩa đệm như đắp lá, đắp thuốc, nắn xương, bấm huyệt, đau đâu chích đó… Các phương thức này thường không có tác dụng điều trị hoặc chỉ giúp giảm triệu chứng của bệnh.
Nhiều người bệnh thoát vị đĩa đệm được khuyên đi bộ nhiều, khom cúi nhiều hay xoay bẻ cột sống, tuy vậy, những việc này có thể làm cho tình trạng thoát vị nặng thêm.
Để phòng tránh bệnh, mọi người cần phải tránh làm việc mang vác nặng, khom cúi không đúng tư thế, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn đủ chất bổ dưỡng, uống đủ nước, có chế độ tập luyện thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi, phù hợp tình trạng sức khỏe giúp nâng cao sức khỏe nói chung, tránh thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm nói riêng.