3 sai lầm thường gặp khi bổ sung vitamin bằng thuốc

3 sai lầm thường gặp khi bổ sung vitamin bằng thuốc
Bổ sung vitamin hợp lý sẽ giúp cơ thể tăng cường thể trạng, nâng cao miễn dịch, phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên, nếu bổ sung vitamin không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe.

1. Tự ý bổ sung vitamin

Phần lớn mọi người có quan niệm vitamin là thuốc bổ, nên có thể tự bổ sung mà không có tác dụng phụ gì. Rất nhiều người, khi thấy sức khỏe xuống cấp, cơ thể mệt mỏi đã tự ý mua vitamin về uống. Tuy nhiên, việc tùy tiện bổ sung vitamin bằng thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Trước khi sử dụng bất cứ loại vitamin nào qua đường thuốc uống mọi người cũng nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, xét nghiệm để tìm hiểu chính xách cơ thể mình đang thiếu loại vitamin nào, với liều lượng là bao nhiêu. Bổ sung vitamin đúng và đủ mới đem lại hiệu quả tăng cường sức khỏe, nâng cao miễn dịch.

Trên thực tế, việc thiếu vitamin thường có triệu chứng muộn. Và việc bổ sung "bù" thường không có tác dụng, khi cơ thể đã bị tổn thương, ảnh hưởng bởi việc thiếu vitamin trong thời gian dài trước đó. Vì vậy, mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để thay đổi chế độ ăn uống hoặc bổ sung vitamin kịp thời. 

2. Liều lượng không thích hợp

Mặc dù vitamin là thuốc bổ, nhưng nó cũng chỉ bổ khi được dùng với liều lượng thích hợp. Thiếu vitamin sẽ làm các hoạt động của cơ thể bị trì trệ, gặp trục trặc. Thừa vitamin có thể khiến cơ thể bị nhiễm độc.

Ví dụ cơ thể thừa vitamin A có nguy cơ bị viêm gan, viêm khớp, bong da toàn thân. Phụ nữ mang thai thừa vitamin A có nguy cơ bị dị tật thai nhi. Cơ thể thừa vitamin D gây ngộ độc, chán ăn. Thừa vitamin E gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, suy nhược cơ thể,.... 

Các vitamin tan trong nước không được lưu trữ trong cơ thể, nên bạn cũng cần bổ sung đủ lượng mỗi ngày. Bạn không thể "uống bù" theo cách nghĩ, nếu quên uống vitamin thì sẽ tăng gấp đôi liều lượng vào ngày hôm sau. Việc này hoàn toàn không có tác dụng.

Chính vì lý do trên mà việc bổ sung vitamin cần có sự chỉ định của bác sĩ. Chỉ có bác sĩ, qua xét nghiệm máu mới biết cơ thể bạn thiếu gì và thiếu bao nhiêu. Dù bổ sung vitamin thiếu hay thừa đều gây hại cho sức khỏe.

3. Không hiểu rõ đặc tính của từng loại vitamin

Mỗi loại vitamin có những đặc điểm riêng biệt, Nếu không nắm rõ được những đặc tính này, thì việc bổ sung vitamin sẽ kém hiệu quả đi rất nhiều, thậm chí gây hại.

Ví dụ, bạn không rõ môi trường hòa tan vitamin mà mình đang bổ sung thì sẽ gây khó khăn trong việc hấp thụ vitamin của cơ thể. Bạn cần nắm rõ vitamin mình uống là loại nào. Vitamin tan trong nước (như vitamin nhóm B, vitamin C) thì không nên uống khi đói bởi các vitamin này nhanh chóng thấm qua thành ruột và dạ dày, dễ bị đào thải ra ngoài khi cơ thể chưa kịp hấp thu. Vitamin tan trong dầu nên uống sau bữa ăn, bởi sau khi ăn, ruột và dạ dày đã có một lượng chất béo nhất định từ thức ăn, giúp hòa tan vitamin, cơ thể sẽ hấp thu dễ dàng hơn. 

Vitamin có thể tương tác với thuốc hoặc vitamin khác, làm giảm hiệu quả của thuốc và vitamin. Ví dụ, thuốc paraphin làm tăng đào thải các vitamin tan trong dầu. Thuốc kháng sinh ức chế tổng hợp vitamin K. Vitam B1 và C làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai...... Do vậy, khi bổ sung vitamin, bạn cũng nên xem xét lại loại thuốc mình đang sử dụng. Việc bổ sung đồng thời nhiều loại vitamin cũng cần được lưu ý.

Việc bổ sung vitamin là cần thiết, đặc biệt là đối với các trường hợp như trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người ăn chay,.... Tuy nhiên, mọi người cần tìm hiểu, tránh những sai lầm khi bổ sung vitamin để cơ thể hấp thu tốt nhất, và vitamin phát huy hiệu quả cao nhất. Tốt nhất, bạn nên xin chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại vitamin qua đường thuốc uống nào. 


Tác giả: Mai Nhung