3 sai lầm phổ biến khi bổ sung kẽm cho cơ thể

3 sai lầm phổ biến khi bổ sung kẽm cho cơ thể
Bổ sung kẽm cho cơ thể đúng cách là điều được không ít người quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường mắc phải các sai lầm cơ bản khi bổ sung khoáng chất này.

Kẽm là loại khoáng chất mà cơ thể không thể tự sản xuất và dự trữ. Do đó, nó phải được bổ sung thông qua các loại dược phẩm và chế độ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nắm được cách bổ sung kẽm cho cơ thể hiệu quả và an toàn. Cùng tìm hiểu về những sai lầm thường gặp nhất khi bổ sung kẽm cho cơ thể trong bài viết sau đây.

Những sai lầm khi bổ sung kẽm cho cơ thể

1. Không cần thiết phải bổ sung kẽm cho cơ thể

Đây là quan niệm khá phổ biến và góp phần dẫn đến việc cơ thể bị thiếu hụt kẽm. Nhiều người cho rằng lượng kẽm cần thiết sẽ được bổ sung thông qua chế độ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những người có thực đơn ăn uống đa dạng và đủ chất. Ngược lại, lượng kẽm từ thực phẩm sẽ không đủ đáp ứng cho người có chế độ ăn thất thường và nghèo dinh dưỡng.

Ngoài ra, khả năng hấp thụ kẽm của mỗi người cũng sẽ có sự khác biệt nhất định. Cùng một chế độ ăn uống nhưng có người sẽ không thể hấp thụ hết lượng kẽm từ thực phẩm. Trong trường hợp này, họ sẽ cần tới các loại dược phẩm cung cấp và bổ sung kẽm. Bởi những sản phẩm này thường được điều chế phù hợp khả năng hấp thu của nhiều đối tượng.

2. Bổ sung sai liều lượng cho phép

Sai lầm này thường tập trung ở những người bổ sung kẽm bằng các loại dược phẩm. Nhu cầu về kẽm sẽ có sự chênh lệch dựa vào độ tuổi và giới tính của người sử dụng. Điều này cũng đã được khuyến cáo và ghi rõ trên bao bì của các sản phẩm bổ sung kẽm. Tuy nhiên, không ít người vẫn bỏ qua các khuyến cáo này và bổ sung kẽm cho cơ thể sai cách. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng dư thừa kẽm rất nguy hiểm.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, liều lượng kẽm cần bổ sung cho các độ tuổi có khác biệt như sau:

- Đối với trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi: 2 mg/ ngày.

- Đối với trẻ sơ sinh từ 7 đến 11 tháng tuổi: 3 mg/ ngày.

- Đối với trẻ em từ 1 đến 3 tuổi: 3 mg/ ngày.

- Đối với trẻ em từ 4 đến 8 tuổi: 5 mg/ ngày.

- Đối với trẻ em từ 9 đến 13 tuổi: 8 mg/ ngày.

Dựa vào giới tính và tình trạng sức khoẻ, nhu cầu về kẽm sẽ có sự chênh lệch như sau:

- Đối với nam giới từ 14 tuổi trở lên: 11 mg/ ngày.

- Đối với nữ từ 14 đến 18 tuổi: 9 mg/ ngày.

- Đối với nữ từ 19 tuổi trở lên: 8 mg/ ngày.

- Đối với phụ nữ đang mang thai: từ 11 đến 12 mg/ ngày.

- Đối với phụ nữ đang cho con bú: từ 12 đến 13 mg/ ngày.

3. Bổ sung kẽm cùng lúc với sắt, đồng và canxi

Sắt, đồng và canxi là những khoáng chất không được khuyến khích bổ sung cùng thời điểm với kẽm. Bởi nếu được bổ sung cùng lúc, những khoáng chất này không chỉ gây ảnh hưởng đến chức năng của từng loại mà còn gây hại cho sức khỏe.

Cụ thể, canxi sẽ làm giảm khả năng hấp thu kẽm của cơ thể bằng cách tăng sự bài tiết. Tương tự, khi bổ sung quá 25mg sắt/ ngày, tỷ lệ kẽm được hấp thu sẽ có xu hướng giảm. Do đó, sắt và kẽm nên được bổ sung cách nhau một khoảng thời gian ít nhất là 2 tiếng. Đồng thời, các chuyên gia cũng khuyến cáo kẽm nên được sử dụng trước khi bổ sung sắt.

Cũng như sắt và canxi, kẽm cũng không nên được sử dụng cùng lúc với đồng. Bởi kẽm sẽ tạo tác động gây cản trở sự hấp thụ đồng của cơ thể. Ngoài ra, sử dụng kẽm liều cao trong thời gian dài cũng là nguyên nhân khiến cơ thể thiếu đồng. Trong khi đó, cơ thể thiếu hụt đồng lại chính là tác nhân gây ra các bệnh lý nguy hiểm.

Theo khuyến nghị, kẽm chỉ nên kết hợp với một số loại vitamin như C, A, B6 hoặc photpho. Bởi các khoáng chất này có tác dụng hiệu quả trong tăng cường khả năng hấp thu của cơ thể. Ngoài ra, sự kết hợp này còn giúp tăng sức đề kháng, chống gốc tự do và điều hoà các phản ứng trong cơ thể.

Bổ sung kẽm cho cơ thể sai cách là nguyên nhân gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khoẻ. Vì vậy, khi cần bổ sung kẽm cho cơ thể, hãy đọc kĩ các hướng dẫn bổ sung kẽm để tránh những sai lầm trên.


Tác giả: Thùy Dung