Vì thế, khi gan bị tổn thương, các bộ phận khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng và dễ dàng nhiễm bệnh. Để bạn và gia đình phòng tránh và bảo vệ các tác nhân gây hại đến gan, cần từ bỏ những thói quen gây hại như lạm dụng rượu bia, ăn uống lành mạnh, thăm khám định kỳ...
Khi uống rượu, chất cồn được hấp thu nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Toàn bộ lượng máu ở đường tiêu hóa đều phải đi qua gan trước khi về tim.
Vì vậy, gan là nơi tập trung nồng độ cồn cao nhất. Tế bào gan có hệ thống men chuyển hóa, biến đổi cồn qua chuỗi phản ứng hóa học để tạo ra CO2 và nước. Song khả năng của gan chỉ có thể xử lý được lượng cồn nhất định.
Vì thế, những người nghiện rượu, bia có nguy cơ cao bị các bệnh về gan cao hơn bình thường. Để giảm thiểu những tác hại của rượu bia đến sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là chức năng gan, cần có những biện pháp như hạn chế thu nạp đồ có cồn hoặc không sử dụng.
Trên thực tế, một số quan niệm sai lầm cho rằng, chỉ có bia rượu mới gây nguy hại gan. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguyên nhân hàng đầu do các tác nhân bên ngoài như siêu vi trùng hay virus viêm gan A, B, C, D, E.
Trong đó, viêm gan B do virus HBV là một sát thủ thầm lặng. Đa số người bị nhiễm viêm gan B không biết mình bị nhiễm. Vì thế, họ có thể vô tình lây lan qua nhiều người bằng nhiều đường khác nhau.
Gan cũng bị tổn thương bởi các loại thuốc kháng sinh để điều trị những bệnh khác nhau như lao, viêm. Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm, nguồn gốc không rõ ràng, chứa nhiều hóa chất độc hại, thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh cũng là tác nhân gây tổn hại gan. Ăn uống lành mạnh kết hợp luyện tập sẽ giúp bạn tránh xa nguy cơ mắc ung thư gan.
Môi trường bị ô nhiễm cũng là kẻ thù của gan. Sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi khí thải độc hại, làm việc thường phải tiếp xúc với hóa chất, khói thuốc lá buộc gan phải gồng mình phân giải các chất.
Dưới tác động lâu dài của các yếu tố ấy, gan phải hoạt động liên tục dẫn đến quá tải, tế bào gan bị tổn thương, chức năng giải độc bị suy giảm.
Chính vì vậy, để lựa chọn thực phẩm sạch và chế biến an toàn, người sử dụng nên trang bị những kiến thức an toàn thực phẩm kịp thời, nhận biết thực phẩm nhiễm khuẩn, không ăn đồ thiu, đồ chưa qua chế biến, thức ăn nhanh... Đồng thời tăng cường chất xơ từ rau xanh, hoa quả, chất dinh dưỡng chống ung thư từ ngũ cốc.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM kể lại, cách đây 10 năm từng điều trị cho một bệnh nhân nam là giáo viên, 40 tuổi bị gan nhiễm mỡ. Anh này không hiểu mình nhiễm bệnh do đâu bởi anh sống rất điều độ, chưa từng uống bia rượu hay hút thuốc lá. Thậm chí, anh thực hiện chế độ ăn uống vệ sinh và chuẩn mực, tập thể dục đều đặn...
Sau nhiều lần trò chuyện, bác sĩ mới biết vào mùa hè, gia đình anh có thói quen dùng nước ngọt thay cho nước uống thông thường. Bác sĩ Phương đã cảnh báo bệnh nhân về thói quen nguy hại này. Sau lần đó, anh duy trì chế độ ăn uống khoa học, điều trị kịp thời nên lá gan được phục hồi và khỏe mạnh trở lại.
Cũng theo bác sĩ Phương, ở Việt Nam, viêm gan do virus chiếm tỷ lệ rất cao. Do vậy, chủng ngừa cho trẻ sơ sinh là việc đầu tiên mà bố mẹ cần thực hiện. Tối thiểu đến năm 18 tuổi, mỗi người cần có một lần xét nghiệm tổng quát, kiểm tra chức năng gan nhằm phát hiện sớm các triệu chứng để điều trị. Bên cạnh đó, bác sĩ Phương lưu ý những điều sau:
- Lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh.
- Sử dụng thêm các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp giải độc và tăng cường chức năng gan.
- Không sử dụng rượu bia, kể cả là rượu đắt tiền bởi có một số người cho rằng chỉ có các loại bia rượu giả mới gây hại. Đó là quan niệm sai lầm
- Việc sử dụng thuốc, dù là tây y hay đông y mà không theo chỉ định của bác sĩ cũng là một cách hại gan, nhất là các loại kháng sinh, kháng viêm.