3 nguyên tắc cơ bản trong chăm sóc bệnh nhân ung thư máu dành cho người nhà

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
3 nguyên tắc cơ bản trong chăm sóc bệnh nhân ung thư máu dành cho người nhà
Chăm sóc bệnh nhân ung thư máu là công việc không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người chăm sóc và bệnh nhân phải nắm rõ các nguyên tắc chăm sóc.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư máu là công việc không hề đơn giản. Cùng tìm hiểu một số nguyên tắc quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân ung thư máu trong bài viết sau.

1. Theo dõi tái phát sau điều trị

Mục đích của việc theo dõi là phát hiện các dấu hiệu tái phát và biến chứng sau điều trị. Trong năm đầu tiên sau điều trị, bệnh nhân sẽ được yêu cầu kiểm tra định kỳ 2 tháng/ lần. Sau đó, khi bệnh nhân ổn định hơn, tần suất của việc kiểm tra sẽ ít dần đi. Những cuộc theo dõi này thực sự quan trọng, vì vậy người bệnh ung thư máu cần chú ý để tham gia đầy đủ.  

Khi kiểm tra, bệnh nhân có thể báo cáo các dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường cho bác sĩ. Bằng các biện pháp chuyên khoa, các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân của những triệu chứng này. Bởi ở một số bệnh nhân, triệu chứng bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư máu tái phát. 

Khi phát hiện ung thư máu tái phát, bệnh nhân sẽ được đề nghị các phương pháp điều trị. Các phương pháp điều trị tái phát có thể giống hoặc không giống với phương pháp điều trị trước đó. Điều này phụ thuộc vào mức độ tương thích của bệnh nhân với phương pháp điều trị đã sử dụng.

2. Thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng người bệnh

Buồn nôn hoặc giảm cảm giác thèm ăn là các vấn đề phổ biến trong quá trình điều trị ung thư máu. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư máu, những vấn đề này có thể được giải quyết bằng một chế độ ăn uống lành mạnh. Lợi ích của việc ăn uống khoa học bao gồm:

- Hạn chế các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy hoặc thay đổi vị giác.

- Giúp duy trì trọng lượng cơ thể.

- Cung cấp nguồn năng lượng tự nhiên.

- Tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị.

- Tăng mức độ tương thích với các phương pháp điều trị.

- Rút ngắn thời gian hồi phục sau điều trị.

Điều quan trọng nhất trong xây dựng chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân ung thư máu là cách xử lý thực phẩm. Vì miễn dịch yếu nên bệnh nhân sẽ dễ nhiễm trùng hơn, bao gồm cả nhiễm trùng từ thực phẩm. Để giữ an toàn cho thực phẩm của mình, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:

- Rửa tay trước khi chế biến thức ăn.

- Giữ sạch các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm.

- Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp.

- Tránh để các thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

- Rửa sạch trái cây và các loại rau sống trước khi ăn.

- Hạn chế sử dụng các món ăn sống hoặc chín tái.

Khi chăm sóc bệnh nhân ung thư máu, một số loại thực phẩm cần được bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày cho người bệnh. Bao gồm:

- Thực phẩm giàu Protein: Protein có tác dụng nâng cao sức đề kháng và bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Protein có thể được cung cấp qua các loại thực phẩm như: thịt nạc, cá, trứng, đậu phụ…

- Thực phẩm giàu sắt: Các loại thực phẩm giàu sắt rất tốt cho quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư máu, giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu ở người bệnh. Những loại thực phẩm giàu sắt gồm có: lòng đỏ trứng, các loại đậu, gan động vật…

- Thực phẩm chứa vitamin: Vitamin A, C, E, D và nhóm B có trong các loại hạt, trái cây, rau xanh là những loại vitamin được khuyến khích khi chăm sóc bệnh nhân ung thư máu. Những loại vitamin này có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Đồng thời, chúng còn giúp nâng cao sức đề kháng và rất tốt cho hệ miễn dịch của người bệnh.

3. Giúp bệnh nhân tập luyện nhẹ nhàng để hạn chế tác dụng phụ

Những tác dụng phụ thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư máu là mệt mỏi, mất ngủ, đau nhức cơ thể, trầm cảm... Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể cảm thấy chán ăn, đầy bụng và khó tiêu hoá. Do đó, để hạn chế các tác dụng phụ này, cần có chế độ tập luyện phù hợp khi chăm sóc bệnh nhân ung thư máu. Bởi việc tập luyện thường xuyên sẽ giúp khí huyết lưu thông và giảm cảm giác căng thẳng.

Người bệnh ung thư máu có thể lựa chọn những môn tập luyện nhẹ nhàng và vừa sức như yoga, đi bộ… Tuy nhiên, bệnh nhân nên luyện tập dưới sự giám sát của người thân hoặc các bác sĩ. Đồng thời, bệnh nhân cũng không nên tập luyện ở những nơi đông người để tránh tình trạng nhiễm khuẩn.

Người chăm sóc và chính bản thân người bệnh phải nắm được các nguyên tắc chăm sóc bệnh nhân ung thư máu. Bởi việc sơ suất trong quá trình chăm sóc có thể mang đến những hậu quả khôn lường. Hy vọng bài viết trên đã cũng cấp cho bạn những kiến thức để chăm sóc bệnh nhân ung thư máu đúng cách.


Tác giả: Thùy Dung