3 mục tiêu lớn khi công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc

3 mục tiêu lớn khi công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, việc công bố dịch trên phạm vi toàn quốc nhằm 3 mục tiêu lớn trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 1/4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay thực tế, Việt Nam đã bắt đầu bước vào chống dịch Covid-19 từ những ngày cuối tháng 1. Đó là ngày 23/1 - thời điểm ngay trước Tết Nguyên đán - khi có ca mắc đầu tiên ở TP.HCM.

Bước vào giai đoạn 3

“Ở thời điểm bây giờ, chúng ta đã bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch. Nhiều địa phương dù chưa có người mắc nhưng chính quyền và nhân dân đã tham gia vào chống dịch, với tinh thần là toàn dân chống dịch. Thực tế, hơn 2 tháng qua, cả nước đã cùng chống dịch”, Phó thủ tướng nói.

3 mục tiêu lớn khi công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc - Ảnh 1.

Cuộc họp diễn ra chiều 1/4. Ảnh: Tuấn Dũng.

Theo ông Đam, Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ký công bố dịch trên phạm vi toàn quốc nhằm 3 mục tiêu. Thứ nhất, tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.

Thứ hai, người dân nhận rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia các chỉ đạo của Đảng, nhà nước, ngành y tế. Mỗi người dân được xác định là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Cuối cùng, việc công bố dịch trong cả nước có nghĩa tất cả lực lượng tham gia phòng chống dịch như y tế, quốc phòng, công an,... sẽ được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.

“Ngày hôm qua, Thủ tướng mới ký quyết định, song tất cả lực lượng tham gia chống dịch được hưởng chế độ kể từ ngày 28/1. Đây là sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ và Đảng, Nhà nước đối với những người trực tiếp tham gia chống dịch”, Phó thủ tướng nói.

Chưa có ca tử vong

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay cả nước hiện có 196 bệnh nhân điều trị tại 23 cơ sở trên toàn quốc. Cho đến chiều 1/4, hàng chục bệnh nhân đã khỏi bệnh, trong đó 16 bệnh nhân mắc giai đoạn một đã xuất viện, số còn lại đang được theo dõi tiếp tại các cơ sở y tế trong 14 ngày tiếp theo.

Trong số những bệnh nhân đang điều trị, 54 người đã âm tính lần 1, 43 người lần 2. Ông Sơn thông tin theo quy định của ngành Y tế, sau khi âm tính lần 2, người bệnh Covid-19 được coi như khỏi bệnh, nhưng vẫn được giữ lại để cách ly, theo dõi.

“Tỷ lệ tử vong trên thế giới đang ngày càng tăng, nhưng Việt Nam chưa có ca tử vong, đây là thành tựu rất lớn của chúng ta”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết trong 4 bệnh nhân nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có 3 bệnh nhân đã cai máy thở, một bệnh nhân còn lại đang sử dụng ECMO song chuẩn bị cai để chuyển sang máy thở.

Về xét nghiệm, hiện nước ta sử dụng xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR với dịch phết họng và xét nghiệm nhanh. Trong đó, xét nghiệm sử dụng máy có độ chính xác cao, phát hiện gần như 100% trường hợp nhiễm.

Xét nghiệm nhanh bằng cách lấy máu được sử dụng trong trường hợp dịch lan rộng hoặc trong cộng đồng nhỏ cần phân loại ngay. Tuy nhiên, kết quả nếu dương tính phải xét nghiệm lại bằng máy để cho độ chính xác cao.

“Hiện, dịch bệnh chưa lan rộng nên chúng ta xét nghiệm máy theo kỹ thuật PCR, tại các cơ sở y tế sử dụng đại trà để xác định các ca dương tính”, Thứ trưởng Sơn cho hay.

Kiểm soát dịch tốt hơn Nhật Bản, Hàn Quốc

Trong sáng nay, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp phiên thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chưa có nước nào dự đoán được thời điểm kết thúc của dịch này.

Hầu hết nước đều áp dụng các biện pháp mạnh mẽ mà trước đây còn do dự như đóng cửa biên giới, cấm, hạn chế nhập cảnh, cách ly 14 ngày, phong tỏa cả thành phố hay phong tỏa cả quốc gia.

Tại Việt Nam, 5 tỉnh thành phố ghi nhận có số ca mắc cao nhất gồm: Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Ninh Bình. Tổng số người tiếp xúc gần, đi về từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, cách ly tới 66 nghìn người, trong đó hơn một nửa phải cách ly tại các khu cách ly tập trung, dịch đã lan ra 24/63 tỉnh thành phố. Báo cáo ban đầu cho thấy có 60,1% trường hợp không có triệu chứng, có thể do chúng ta phát hiện sớm ngay từ khi nhập cảnh.

Tình hình dịch bệnh của Việt Nam đã xuất hiện lây lan nhanh, lây lan trong cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện. Ngoài ra, những trường hợp nhập cảnh có mang virus nhưng chưa phát hiện lâm sàng. Có thể, trong những ngày tới, Việt Nam sẽ phát hiện thêm những ca nhiễm virus trong cộng đồng.

Thứ trưởng nhấn mạnh so sánh tình hình dịch trên thế giới và Việt Nam, từ khi có ca nhiễm số 100 vào ngày 20/3 so với các nước trên thế giới, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt hơn một số quốc gia như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Việt Nam đang tiếp tục rà soát các kịch bản ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh, kể cả tình huống xấu, tình huống có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp, để bảo đảm chủ động, kịp thời trong ứng phó.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục đẩy nhanh quá trình mua sắm, cung ứng phương tiện, dụng cụ phòng hộ, bảo đảm đủ thuốc men, vật tư cho công tác điều trị, tiếp tục đẩy mạnh phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Xử lý nghiêm việc thông tin thất thiệt gây hoang mang trong nhân dân, các hành vi cản trở, khai báo không trung thực làm lây lan dịch bệnh và bình tĩnh trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu các hình thức phòng chống dịch bệnh hiệu quả, cập nhật các phác đồ điều trị, nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán.

“Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành, các cấp, các địa phương, công tác phòng chống dịch đã thành công trong hai giai đoạn và đang kiểm soát được giai đoạn 3 trong 15 ngày tới là giai đoạn vô cùng quan trọng với mục đích là kiểm soát tốt nguồn lây, làm chậm lại quá trình lây nhiễm để ứng phó tốt hơn với nguồn bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

3 mục tiêu lớn khi công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc - Ảnh 2.

Cẩm nang phòng chống Covid-19 tại Đây!

Tác giả: Hà Quyên