3 lưu ý khi điều trị cảm lạnh để bệnh không biến chứng nặng hơn

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
3 lưu ý khi điều trị cảm lạnh để bệnh không biến chứng nặng hơn
Bệnh cảm lạnh có thể được điều trị bởi rất nhiều phương pháp. Tuy nhiên, người bệnh cần phải lưu ý một số vấn đề để quá trình điều trị cảm lạnh hiệu quả hơn.

Bệnh cảm lạnh có thể được điều trị bởi rất nhiều phương pháp. Tuy nhiên, người bệnh cần phải lưu ý một số vấn đề để quá trình điều trị cảm lạnh hiệu quả hơn. 

Những lưu ý khi điều trị cảm lạnh để bệnh không tiến triển nặng thêm

1. Lưu ý khi dùng thuốc trong quá trình điều trị cảm lạnh

Trên thực tế, không có một loại thuốc đặc trị nào có thể chữa khỏi cảm lạnh hoàn toàn. Thậm chí, các loại thuốc kháng sinh cũng không có tác dụng loại bỏ vi rút gây bệnh. Dù vậy, một số loại thuốc vẫn được sử dụng nhằm giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Các loại thuốc điều trị cảm lạnh phổ biến nhất gồm có:

- Các loại thuốc giảm đau: Acetaminophen là một loại thuốc không kê đơn thường được sử dụng để điều trị sốt và đau đầu. Tuy nhiên, khi sử dụng ở liều cao, thuốc có thể gây ảnh hưởng và tổn thương gan. Một loại thuốc giảm đau thường gặp khác là aspirin. Theo nhiều chuyên gia, loại thuốc này không được khuyến khích sử dụng cho trẻ em. Bởi nó có thể là tác nhân gây ra hội chứng nhiễm trùng Reyed.

- Thuốc xịt mũi: Nghẹt mũi, sổ mũi là những triệu chứng phổ biến của bệnh cảm lạnh. Do đó, mọi người thường sử dụng các loại thuốc xịt mũi để kiểm soát tình trạng này. Tuy nhiên, thuốc xịt mũi lại không được khuyến khích cho việc sử dụng kéo dài. Bởi nó có thể gây ra tình trạng viêm niêm mạc mũi mãn tính.

- Xi-rô ho: Cũng như nghẹt mũi và sổ mũi, ho cũng là biểu hiện thường gặp của bệnh cảm lạnh. Tuy nhiên, các loại xi-rô ho thường không thể điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây ho. Do đó, khi có các cơn ho kéo dài, bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, các loại xi-rô ho cũng không được khuyến nghị cho trẻ nhỏ. Đặc biệt là đối với trẻ em dưới 2 tuổi.

2. Chăm sóc và nghỉ ngơi khi đang bị bệnh

Việc nghỉ ngơi và chăm sóc trong quá trình điều trị cảm lạnh là vô cùng quan trọng. Thậm chí, bạn hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian điều trị nếu biết cách chăm sóc cơ thể. Do đó, khi bị cảm lạnh, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

- Dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi và giấc ngủ.

- Uống nhiều nước để tránh tình trạng cơ thể mất nước. Bạn có thể sử dụng các loại nước như: nước lọc, trà thảo mộc, nước trái cây…

- Hạn chế các thức uống có cồn và caffein trong quá trình điều trị cảm lạnh.

- Vệ sinh và làm dịu cổ họng bằng việc súc miệng với dung dịch gồm nước ấm và muối.

- Xì mũi đúng cách và vệ sinh khoang mũi bằng nước muối sau khi xì mũi.

- Tạo độ ẩm cho không khí bằng máy phun sương hoặc điều hòa nhiệt độ.

- Giữ không gian sống luôn thoáng mát và sạch sẽ.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là trước khi ăn.

- Vứt bỏ khăn giấy sau khi sử dụng.

- Tránh sử dụng chung cốc, bát đũa và vật dụng cá nhân với người khác.

3. Chú ý theo dõi các dấu hiệu bất thường ở người bệnh

Cảm lạnh là căn bệnh không quá nghiêm trọng, bạn hoàn toàn có thể điều trị cảm lạnh tại nhà trong trường hợp nhẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn sẽ cần đến sự can thiệp của các bác sĩ. Đặc biệt là khi cơ thể của bạn có các dấu hiệu bất thường như sau:

- Tình trạng tức ngực và khó thở: Bệnh cảm lạnh thông thường không gây ra các tình trạng khó thở hay tức ngực. Do đó, chúng có thể là biểu hiện của những căn bệnh nghiêm trọng hơn. Ví dụ như các căn bệnh liên quan đến tim mạch, viêm phổi hoặc hen suyễn.

- Sốt cao và kéo dài: Các cơn sốt cao và kéo dài là biểu hiện thường gặp của hiện tượng nhiễm trùng. Vì vậy, bạn nên theo dõi thân nhiệt và đến gặp bác sĩ ngay khi sốt cao trên 3 ngày. Điều trị cảm lạnh cần chú ý điều trị triệu chứng, giảm sốt, giảm ho...

- Nôn ói: Nôn cũng là một trong những dấu hiệu bất thường liên quan đến bệnh cảm lạnh. Đặc biệt là khi trong chất nôn có máu, mật xanh và các chất lạ khác.

- Đau khi nuốt thức ăn: Bệnh cảm lạnh có thể gây ra tình trạng đau rát ở cổ họng. Tuy nhiên, đây sẽ là điều không bình thường nếu nó khiến bạn không thể ăn uống bình thường. Bởi đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng và cần điều trị kịp thời.

- Các cơn ho dai dẳng: Ho kéo dài có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nghiêm trọng hơn về hô hấp. Do đó, nếu ho không thuyên giảm thì bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị.

- Tình trạng nghẹt mũi kéo dài: Nghẹt mũi không chỉ gây khó chịu mà nó còn là tác nhân dẫn đến nhiễm trùng xoang. Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài, bạn cần có hướng điều trị đúng đắn hơn. 

Việc tuân thủ những nguyên tắc trong điều trị cảm lạnh giúp người bệnh nhanh phục hồi, tránh bệnh tiến triển gây ra sự khó chịu và để lại biến chứng.


Tác giả: Thùy Dung