Nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau, tuy nhiên có 3 kiểu người thuộc nhóm nguy cơ cao cần phải chú ý.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê trung bình trên các báo cáo y tế cho thấy, hàng năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ não trong đó thì có khoảng 5 triệu người bị thương tật dạng tàn phế vĩnh viễn và có khoảng 5 triệu người bị tử vong.
Cũng theo báo cáo của American Stroke Association (Trung tâm đột quỵ Hoa Kỳ) thì vào năm 2019, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ ở người trẻ đã tăng lên tới 44%. Trong đó khoảng 15% số ca đột quỵ trong độ tuổi từ 18 - 50.
Còn tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết hàng năm có khoảng 200.000 các ca đột quỵ xảy ra và tới 50% các ca bệnh đó bị tử vong. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nam giới bị đột quỵ cao gấp 4 lần so với nữ giới. Những người sống sót sau các cơn đột quỵ thường gặp các di chứng kéo dài dẫn tới mất khả năng lao động, khả năng ngôn ngữ và tạo thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Mặc dù đã có những nghiên cứu, phương pháp giúp Phục hồi khả năng ngôn ngữ và sinh hoạt cho bệnh nhân đột quỵ nhưng không phải ai cũng biết để thực hiện.
Hiện tại, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất bị đột quỵ não đang là 12 tuổi, nhập viện tại Trung tâm Đột quỵ não của Bệnh viện 108 vào năm 2020. Điều này cho thấy nguy cơ đáng báo động về Tỷ lệ đột quỵ gia tăng ở người trẻ.
Trong nhiều báo cáo cho thấy, khi nhiệt độ ngoài trời thay đổi đột ngột có thể dẫn tới khả năng hình thành các cục máu đông và gây tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình lưu thông và bơm máu tới não. Cứ khoảng 2,9oC nhiệt độ giảm bên ngoài trời trong vòng 24h thì nguy cơ đột quỵ cũng sẽ tăng lên. Về việc xuất hiện các cục máu đông gây đột quỵ là nguyên nhân của khoảng 85% các ca bệnh.
Hay nói cách khác, khi nhiệt độ lạnh, số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt trong máu cũng sẽ tăng. Lúc này lượng enzyme tiêu hủy sợi huyết bị giảm và lòng mạch cũng bị thu hẹp lại. Chính lúc này máu hay bị vón cục hơn và lưu lượng máu tới não bị giảm gây ra tai biến mạch máu não.
Ngoài ra, cơ thể bạn cũng sẽ dễ bị tăng tiết các catecholamine hơn khi nhiệt độ giảm. Đây là chất trung gian hỗ trợ cho quá trình hoạt động cũng như chuyển hóa của cơ thể. Một khi catecholamine tăng lên sẽ dẫn tới nguy cơ bị co mạch ngoại biên và giãn mạch thụ động tại những vùng ít bị ảnh hưởng chẳng hạn như mạch não hay mạch phổi. Do đó có thể gây ra hiện tượng đứt mạch máu não và dẫn tới đột quỵ.
Bên cạnh đó, khi trời lạnh, các mạch máu sẽ bị co lại dẫn tới huyết áp bị tăng vọt lên và gây ra tai biến do cơ thể không có thời gian điều chỉnh và thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Có thể lấy một vài ví dụ như đi từ chăn ra ngoài đi vệ sinh, đi ra ngoài trời đột ngột,..
TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP HCM, Thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới cho biết: “Chỉ sau vài giây mạch máu bị tắc nghẽn não không được tưới máu, các tế bào thần kinh sẽ bắt đầu tê liệt. Mỗi phút trôi qua, khoảng 2 triệu tế bào sẽ chết, càng trễ hơn sau 3 giờ tính mạng bệnh nhân bị đe dọa càng cao, nếu không được cứu chữa khẩn cấp và đúng cách sinh mạng bệnh nhân sẽ như ngàn cân treo trên sợi tóc”.
- Người đang mắc các bệnh mãn tính
Với những người đang mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, bị rối loạn mỡ máu, bị tăng cholesterom hay đang bị xơ vữa động mạch,...vốn đã có nguy cơ xảy ra đột quỵ cao hơn nhóm khác. Vì thế dưới sự thúc đẩy của yếu tố nhiệt độ thấp thì khả năng này cũng tăng lên.
- Người cao tuổi
Người cao tuổi vốn có sức đề kháng giảm cùng với sự lão hóa của chức năng các cơ quan trong cơ thể nên nếu gặp yếu tố nguy cơ thúc đẩy như nhiệt độ thấp và không có các biện pháp bảo vệ sức khỏe đúng cách thì có thể dẫn tới đột quỵ.
Như đã nói ở trên, nhiều người cao tuổi có thói quen tiểu đêm - khi đi tiểu cơ thể sẽ mất đi một lượng nhiệt khi gặp gió lạnh sẽ rất nguy hiểm.
- Người trẻ tuổi có lối sống không lành mạnh
Trước đây, quan niệm đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người cao tuổi. Tuy nhiên, đột quỵ có nguy cơ xảy ra ở bất kỳ ai. Chưa kể tới, hiện tại đã ghi nhận một số ca đột quỵ ở người trẻ khỏe mạnh chẳng hạn như vận động viên thể thao.
Theo PGS.TS. BS cao cấp Tạ Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, BV Bạch Mai cho biết: "Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ (liên quan tới các cục máu đông trong lòng mạch gây ra) và đột quỵ do xuất huyết não (chảy máu ). Người trẻ bị đột quỵ thường là do dị dạng mạch máu não (đây là căn bệnh bẩm sinh), gây xuất huyết não".
“Người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn sẽ ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn, dẫn tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch”, BS Cường cảnh báo.
Ngoài ra thói quen lười vận động, uống rượu bia thường xuyên cũng trở thành một trong rất nhiều Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đột quỵ phổ biến.
Đồng quan điểm với PGS.TS.BS Tạ Mạnh Cường thì ông Mai Duy Tôn, giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, sau 1 tháng đi vào hoạt động, trung tâm đột quỵ bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị cho 1.000 bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu, 1/10 trong đó là bệnh nhân trẻ tuổi và bệnh nhân trẻ nhất mới 14 tuổi.
"Bệnh nhân đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa, hiện nay có 10 bệnh nhân trẻ đang nằm điều trị tại Trung tâm đột quỵ. Hầu hết bệnh nhân trẻ bị đột quỵ có liên quan các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, tim mạch, lối sống không lành mạnh như hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu bia... Trong số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có một tỉ lệ do bất thường, dị dạng mạch máu não bẩm sinh, bệnh nhân 14 tuổi trong nhóm này".
Nhìn chung vào khi nhiệt độ giảm để phòng ngừa đột quỵ khi trời lạnh xảy ra, cần có các biện pháp bảo vệ cơ thể đúng cách, nhất là đối với những nhóm người có yếu tố nguy cơ cao. Cần thực hiện thăm khám sức khỏe định kì, đặc biệt là khi phát hiện ra những biểu hiện bất thường là Dấu hiệu cảnh báo sớm của cơn đột quỵ.
Nguồn tham khảo: WHO, stroke.org