3 dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của trẻ kém

3 dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của trẻ kém
Hệ miễn dịch bảo vệ trẻ không bị nhiễm bệnh, nhất là các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu xuất hiện 3 dấu hiệu này, có thể trẻ đang có hệ miễn dịch kém.

Hệ thống miễn dịch là công cụ của cơ thể để ngăn ngừa hoặc hạn chế các bệnh nhiễm trùng. Nếu hệ miễn dịch yếu, cơ thể sẽ không thể chống lại sự tấn công từ vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng.

Đối với trẻ em, do hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện nên dễ bị tác động và gây bệnh từ những yếu tố bên ngoài. Nếu trẻ xuất hiện 3 dấu hiệu này, chứng tỏ hệ miễn dịch của trẻ còn yếu. Vì vậy, cha mẹ nên có những biện pháp để tăng cường đề kháng, giúp con chống lại bệnh tật.

1. Dấu hiệu cảnh báo hệ miễn dịch của trẻ kém

1.1. Thường xuyên bị ốm

So với người lớn, trẻ em thường có xu hướng ốm nhiều hơn, nhất là trong những năm đầu đời vì lúc này sức đề kháng của trẻ còn yếu. Những trẻ có miễn dịch tốt, khả năng hồi phục nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, nếu trẻ liên tục bị cảm lạnh, cảm cúm, lúc này cha mẹ nên chú ý đến miễn dịch của con, vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo có thể tình trạng dinh dưỡng, lối sống của con chưa được khoa học.

3 dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của trẻ kém - Ảnh 2.

Trẻ thường xuyên bị ốm là dấu hiệu cảnh báo hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Vitamin D3 và K2 có tác dụng gì đối với sức khoẻ và hệ miễn dịch

6 thói quen ăn uống góp phần làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn

1.2. Vết cắt khó lành

Trẻ thường xuyên đùa nghịch nên thường bị những vết cắt, vết xước trên da. Thông thường, những tổn thương này sẽ dễ lành chỉ sau 1 đến 2 ngày, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhưng nếu như khi con bạn có những vết xước nhưng khó lành, đây là dấu hiệu chứng tỏ hệ miễn dịch của con bạn đang gặp vấn đề. Vì khi miễn dịch khỏe sẽ giúp làm lành các vết thương trên da một cách nhanh chóng.

1.3. Kén ăn

Chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ sẽ giúp hệ miễn dịch khoẻ mạnh. Nhưng nếu trẻ biếng ăn, cơ thể sẽ thiếu dưỡng chất và vitamin, lúc này hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm, virus và vi khuẩn dễ tấn công, làm cho các thường xuyên mắc bệnh. 

2. Tăng cường miễn dịch cho trẻ

Khi hệ miễn dịch của trẻ được tăng cường, trẻ có thể chống lại được nhiều bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm trùng. Vì vậy, cha mẹ nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất và vitamin, tập cho con các thói quen lành mạnh, … để tăng sức đề kháng.

2.1. Khuyến khích con vận động thường xuyên và tập thể dục

Trẻ con thường có xu hướng nô đùa nhưng không có hiệu quả nhiều đối với sức khỏe, vì vậy cha mẹ nên dạy con các bộ môn thể thao tăng cường đề kháng tốt như đạp xe, bơi lội, đá bóng… Các bài tập này còn có thể giúp trẻ phát triển trí não, chiều cao, ngủ ngon và ăn ngon miệng hơn.

Đặc biệt, cha mẹ hạn chế không cho con nghịch các thiết bị điện tử vì sẽ làm trẻ lười vận động và thể dục hơn.

3 dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của trẻ kém - Ảnh 3.

Cha mẹ nên cùng con tập luyện thể dục để nâng cao sức khoẻ (Ảnh: Internet)

2.2. Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ đối với trẻ rất quan trọng, vừa giúp tăng cường sức khoẻ lại đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tổng thể của bé. Do đó, bố mẹ nên rèn luyện cho con ngủ đúng giờ và đủ giấc, trước khi ngủ không nên cho con nô đùa hoặc xem ti vi, điện thoại vì sẽ làm bé khó đi vào giấc ngủ hơn.

2.3. Bổ sung đầy đủ dưỡng chất và vitamin

Có nhiều loại vitamin và dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện và tăng cường miễn dịch cho trẻ như:

- Vitamin A: Thiếu hụt vitamin A là nguyên nhân dẫn tới tình trạng giảm khả năng bài tiết, giảm khả năng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh, suy yếu hệ miễn dịch.

Vitamin A có nhiều trong các loại thực phẩm như cà rốt, rau ngót, rau dền, gan gà…

- Vitamin E: Vitamin này có tác dụng tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các loại vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng.

Cha mẹ có thể bổ sung hạnh nhân, rau bina, bơ, bí, cá hồi, bông cải xanh, tôm vào chế độ ăn hàng ngày của con.

- Vitamin C: Đây là vitamin đã được chứng minh có tác dụng tăng đề kháng, ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng hiệu quả. Trẻ thiếu vitamin C dễ bị các bệnh lý nhiễm khuẩn, dễ bầm tím, vết thương khó lành…

Vitamin C có trong nhiều thực phẩm như hoa quả họ cam quýt, súp lơ, cà chua, khoai tây, đu đủ, dưa lưới vàng…

3 dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của trẻ kém - Ảnh 4.

Bổ sung đầy đủ vitamin và dưỡng chất giúp con tăng đề kháng hiệu quả (Ảnh: Internet)

- Vitamin D, B: 2 loại vitamin này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ phát triển tốt và ngăn ngừa nhiễm bệnh.

- Kẽm: Kẽm là nguyên tố vi lượng đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch, cơ quan sinh sản và não bộ. Ngoài ra, kẽm còn có chức năng chuyển hóa các enzyme trong cơ thể nên thiếu kẽm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng suy giảm.

Để bổ sung Kẽm cho bé, cha mẹ nên lựa chọn cá, tôm, cua, lòng đỏ trứng gà, thịt đỏ, thịt gà, các loại hạt…

Ngoài ra, bổ sung thêm Sắt và Selen cũng có tác dụng cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp trẻ phát triển toàn diện và ngăn ngừa nhiễm bệnh.

2.4. Tiêm phòng đầy đủ

Tiêm phòng có thể cung cấp đề kháng cho trẻ chống lại nhiều bệnh như cúm, Covid-19, sởi, lao… Vì vậy, cha mẹ nên tiêm phòng đầy đủ cho con theo đúng lịch để bảo vệ sức khỏe của con trẻ.

2.5. Giữ môi trường sống sạch sẽ

Nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng giúp trẻ phòng ngừa được nhiều bệnh tật, có sức khoẻ và đề kháng tốt. Nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên, mở cửa nhà khi có nắng, tránh để nhà trong tình trạng ẩm ướt vì vì khuẩn, nấm mốc dễ phát triển và gây bệnh. 

Có thể nói, hệ miễn dịch đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng bệnh đối với trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên tăng cường đề kháng qua chế độ ăn uống, lối sống để giúp con phát triển một cách toàn diện và khỏe mạnh. 


Tác giả: Vân Anh