3 cách kiểm tra cột sống tại nhà đơn giản, dễ thực hiện

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
3 cách kiểm tra cột sống tại nhà đơn giản, dễ thực hiện
Trong các hoạt động hàng ngày, từ việc ngồi sai tư thế hay cúi xuống bấm điện thoại, ta đều có thể vô tình gây ảnh hưởng không tốt tới cột sống của mình. Hãy thực hiện 3 cách kiểm tra cột sống tại nhà đơn giản, dễ thực hiện sau đây.

Cột sống là một bộ phận cực kì quan trọng của cơ thể mỗi người. Cột sống vững chắc giúp cơ thể chúng ta có thể hoạt động, đi lại bình thường. Không chỉ giúp nâng đỡ cho toàn cơ thể, cột sống còn là trung tâm của nhiều dây thần kinh. Chỉ cần một chấn thương nhỏ, cột sống tổn thương có thể dẫn đến nhiều vấn đề cho sức khoẻ cũng như ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của mọi người. Chính vì vậy, việc kiểm tra cột sống thường xuyên là một việc vô cùng cần thiết.

1. Các vấn đề thường gặp có thể gây gai, tổn thương cột sống

Tổn thương khớp do thoái hóa khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các bệnh về xương. Khi viêm xương khớp phá vỡ sụn đệm các đầu xương, cơ thể bạn sẽ cố gắng sửa chữa điều này bằng cách tạo ra các gai xương gần khu vực bị hư hỏng. Bên cạnh đó, các nguyên nhân sau cũng có thể gây gai và tổn thương cột sống.

- Viêm khớp cột sống mạn tính: Quá trình viêm ảnh hưởng đến phần sụn đốt sống, lâu ngày phần sụn này bị hao mòn dần, bề mặt trơn láng của sụn trở nên thô ráp và cuối cùng hai bề mặt xương tiếp xúc, cọ xát lên nhau, gây đau. Điều này thúc đẩy cơ thể kích hoạt một quá trình tự điều chỉnh để khắc phục hiện tượng trên. Thế nhưng, kết quả của quá trình chỉnh sửa này lại là sự hình thành gai xương.

- Sự tích tụ canxi ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống: Trường hợp này thường gặp trong thoái hóa cột sống ở người lớn tuổi, đó là sự tích tụ canxi dưới dạng calcipyrophosphat. Sự thoái hóa cột sống có thể xảy ra ở xương đốt sống, đĩa sụn, các dây chằng bám quanh khớp.

Quá trình thoái hóa làm mất nước (chiếm 80% thành phần tạo nên sụn) và biến đổi một số chất khiến sụn khớp dễ bị canxi hóa dẫn đến gai cột sống.

- Chấn thương cột sống: Chấn thương làm hư hại xương hoặc khớp ở cột sống và phản ứng của cơ thể trong quá trình sửa chữa nơi bị tổn thương sẽ dẫn đến sự hình thành gai cột sống. Trong trường hợp này, gai cũng có thể hình thành từ sự tích tụ canxi ở dây chằng đã dày lên do phản ứng viêm.

Chính vì những tình trạng trên, chúng ta cần phải biết cách tự kiểm tra cột sống tại nhà để kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời.

2.  Kiểm tra cột sống tại nhà

Trong các hoạt động hàng ngày, từ việc ngồi sai tư thế hay cúi xuống bấm điện thoại, ta đều có thể vô tình gây ảnh hưởng không tốt tới cột sống của mình. Hãy thực hiện ngay 3 cách tự kiểm tra cột sống tại nhà để có thể kịp thời chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp.

Cách 1:

Cách đầu tiên để kiểm tra cột sống của mình là:

Thả lỏng, duỗi thẳng tay và đứng thẳng theo dáng đứng hàng ngày của bạn.

- Nếu tư thế của bạn bị một trong 2 vấn đề dưới đây thì có khả năng xương sống của bạn đang bị cong bất hợp lý và có thể bạn đang bị gù lưng:

+ Từ mông đi lên sống lưng tạo thành một góc lớn hơn 45 độ.

+ Mông cong ra phía sau.

Cách 2:

Hoặc kiểm tra cột sống bằng cách sử dụng bút:

- Sử dụng 2 cây bút chì hay bút bi và cầm trong lòng bạn tay, cánh tay thả xuống dọc theo cơ thể.

- Các trường hợp có thể xảy ra:

+ Nếu 2 cây bút song song với nhau thì bạn có một tư thế tốt.

+ Nếu 2 cây bút chỉ vào nhau thì có khả năng bạn đang bị gù lưng.

Cách 3:

Bạn cũng có thể kiểm tra cột sống của mình bằng cách chụp ảnh:

- Hãy nhờ bạn chụp hộ một số bức ảnh.

- Bạn hãy sử dụng thước đo để tạo thành một đường từ xương tai đến xương trong vai.

- Các trường hợp có thể xảy ra:

+ Nếu đường đó thẳng thì tư thế của bạn hoàn toàn bình thường.

+ Nếu đường đó không thẳng hàng thì bạn có vấn đề với tư thế của mình.

Hãy nhớ rằng, nếu kiểm tra cột sống mà phát hiện tư thế của mình chưa được chuẩn, cần thăm khám tại các cơ sở y tế để được điều trị sớm và hiệu quả.


Tác giả: Thúy Nga