Do kiến ba khoang có chứa độc tố mạnh hơn nọc độc của rắn hổ tới 12 -15 lần nên biến chứng của kiến ba khoang đốt cũng cực nguy hiểm nếu như không được xử lý đúng. Mặc dù diện tích tiếp xúc độc tố của kiến ba khoang chỉ ở ngoài da nhưng nếu bạn chà xát hay lỡ tay làm trầy thêm vùng bị đốt cũng có thể khiến vết thương lan ra.
Nếu người bị kiến ba khoang đốt quan sát vùng da sẽ thấy có những mụn phồng rộp dạng bị bỏng. Các trường hợp nặng hơn bị biến chứng của kiến ba khoang đốt có thể là lở loét, mưng mủ, bị phù nề, người bị sốt và thậm chí có thể là bị hoại tử hay mù tạm thời!
Thống kê cho thấy vào mùa mưa từ tháng 7 - tháng 10 được gọi là mùa kiến ba khoang hoạt động nhiều nhất do môi trường ẩm ướt, thuận lợi để phát triển và sinh sôi. Những trường hợp bị kiến ba khoang đốt thì có khoảng 80% là bị tổn thương ở mặt và ở một nửa người.
Theo Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, các biến chứng của kiến ba khoang đốt ở mức độ nào sẽ phụ thuộc vào cả vị trí mà kiến đã đốt bạn. Bên cạnh đó vẫn là cách xử lý khi bị kiến đốt như thế nào.
Bác sĩ Thành chia sẻ cụ thể 3 biến chứng của kiến ba khoang đốt ở 3 vị trí phổ biến như sau:
- Trên cơ thể, vùng tay, chân: Có thể gây ra các vấn đề như loét, hình thành sẹo lõm, lồi hay sẹo thâm
- Nếu bị đốt ở bộ phận sinh dục: Có thể gây lở loét vùng sinh dục nếu không xử lý đúng cách
- Nếu bị đốt và độc tố của kiến dính vào mắt có thể gây các tổn thương về giác mạc và tác động xấu tới thị giác, một vài ca có thể bị mù tạm thời.
"Những biến chứng do độc tố của kiến ba khoang thường là do bệnh nhân không đi khám chuyên khoa da liễu. Phần lớn bệnh nhân tự ra hiệu thuốc mua về điều trị. Tới khi bị tổn thương nặng, bội nhiễm và nhiều biến chứng mới tới viện khám", bác sĩ Thành nói.
Bác sĩ Thành cũng cho biết, phần lớn người gặp biến chứng của kiến ba khoang đốt là do chỉ tới viện khi đã có các tổn thương nặng như lở loét, chảy mủ khiến cho việc chữa trị gặp khó khăn và tình trạng trở nên xấu hơn.
Để tránh những biến chứng của kiến ba khoang đốt bạn cần nhận biết rõ vết đốt của kiến ba khoang như thế nào.
Các bác sĩ cho biết, 100% người bị kiến đốt sẽ xuất hiện những vết đỏ và có nổi cộm theo những vệt dài khoảng 1 - 5 cm và rộng từ 3 - 10mm. Quan sát kĩ sẽ thấy có những mụn phồng rộp ở giữa. Đôi khi có thể là các vết lõm dạng tròn hay dạng bầu dục được áp vào. Một số khác thì lại có hình dáng giống như những tổn thương dạng đối xứng nếu bị đốt ở vùng bẹn hay khoeo tay.
Đầu tiên, sau khi tiếp xúc với chất pederin từ kiến ba khoang bạn có thể cảm thấy căng da, hơi ngứa và rát. Sau đó sẽ thấy các vùng đỏ xuất hiện trên da. Khoảng sau từ 6 - 12 giờ thì vùng da này sẽ bị hơi nề và có vết đỏ cộm hẳn lên thành từng vệt.
Trong khoảng 1 - 3 ngày sau thì mụn nước sẽ chuyển dần thành các vết phỏng nước và phỏng mủ. Người bệnh sẽ có cảm giác da bị đau và rát tăng lên. Trong trường hợp pederin dính ở gần bẹn, nách hay cổ thì có thể gây sốt hoặc nổi hạch ở vùng cổ, bẹn và nách tương ứng.
Còn nếu bị dính ở vùng mắt thì có thể bị sưng cả 2 mắt, sau khoảng 2 - 3 ngày mới đỡ sưng.
Những vết phỏng mủ phát triển ngoài 3 ngày thì sẽ đóng vảy lại và khô dần sau đó rụng hết để lại những vệt có màu thâm, sẫm hơn màu da. Thông thường toàn bộ đợt bị kiến ba khoang đốt sẽ kéo dài từ 4 - 20 ngày. Một số ca bệnh cũng có thể chỉ bị nổi vết đổ và lấm tấm trên đó là mụn nước, cảm giác hơi ngứa và sẽ biến mất sau 3 - 5 ngày mà không phát triển thành các phỏng nước hay phỏng mủ.
Nhưng nhìn chung, khi bị kiến ba khoang đốt, tốt nhất là bạn nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám sớm. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc bôi, nhất là khi có các vết loét mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài việc vệ sinh phòng ốc sạch sẽ để phòng tránh kiến ba khoang bạn cũng có thể tham khảo thêm các cách khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.