2 yếu tố hữu hiệu để kiểm soát dịch

2 yếu tố hữu hiệu để kiểm soát dịch
Những kinh nghiệm trong quá trình chống dịch, khi người dân hiểu và tuân thủ sẽ đóng góp rất lớn vào công tác ngăn chặn nguồn lây.

 - Ảnh 1.

Bộ xét nghiệm của Anh sẽ phân tích máu từ ngón tay, cho kết quả trong 15 phút - Ảnh: Sky News

Mở rộng xét nghiệm

Ông Anthony Costello - bác sĩ nhi và nguyên là trưởng ban sức khỏe bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên của WHO - cho rằng ngay từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, WHO đã nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của xét nghiệm.

Tốc độ là điều quan trọng nhất, và có 3 điều thiết yếu là: theo dõi các ca bệnh có triệu chứng; xác minh ổ dịch trong gia đình họ và truy lại những người họ đã tiếp xúc; cách ly họ cho tới khi không còn lây bệnh nữa.

"Xét nghiệm là nền tảng của công tác phát hiện trong y tế cộng đồng nhằm chặn đứng một dịch bệnh", ông Anthony Costello khẳng định như vậy trong bài viết chia sẻ quan điểm trên báo Guardian (Anh) gần đây. Cũng theo ông, thực hiện giãn cách xã hội là một chiến lược khác, nhưng hiệu quả không hơn xét nghiệm.

Theo Reuters, nhờ triển khai xét nghiệm hàng loạt với 500.000 xét nghiệm/tuần mà Đức đã kiểm soát được tỉ lệ tử vong vì bệnh COVID-19 ở mức tương đối thấp. Tương tự, Hàn Quốc cũng làm chậm lại đà tăng của dịch bệnh nhờ mở rộng xét nghiệm. 

Nếu ngày 1-3, Hàn Quốc có 3.736 ca bệnh và 21 người chết thì 3 tuần sau đó, tổng số ca nhiễm chỉ tăng gấp đôi, lên 8.897 ca với 104 người chết. Cùng thời gian này, Ý tăng từ 1.701 ca và 41 người chết lên 59.138 ca bệnh và 5.476 người chết.

Mấu chốt cho thành công của Hàn Quốc chính là tốc độ. Việc sớm triển khai xét nghiệm hàng loạt, theo dõi chặt lịch sử tiếp xúc và thực hiện cách ly bắt buộc với bất cứ ai gần nguồn lây virus. Thời gian thực hiện sớm việc này rất quan trọng.

Ở nhà!

Ông Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, đồng thời là cố vấn y tế Nhà Trắng - nhấn mạnh nhiều về việc mọi người cần hiểu đúng vai trò của việc chủ động giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19. Mỹ đang trở thành tâm dịch cũng bởi vì còn những người trẻ chưa có nhận thức nghiêm túc về vấn đề này.

Một minh chứng lịch sử mà Đài BBC (Anh) chia sẻ từ đại dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra giai đoạn cuối Thế chiến 1 cho thấy chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc giãn cách xã hội.

Cụ thể, giữa đại dịch cúm Tây Ban Nha, tháng 9-1918, thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania), lúc đó đã có 600 người lính bị cúm, vẫn quyết định tổ chức duyệt binh trong khi thành phố Saint Louis, (bang Missouri) hủy bỏ, triển khai các biện pháp để giảm tụ tập đông người. Một tháng sau, hơn 10.000 người ở Philadelphia chết vì cúm Tây Ban Nha, trong khi số ca chết ở Saint Louis chưa tới 700 người.

Mặc dù duyệt binh không phải lý do duy nhất dẫn tới những khác biệt trong tỉ lệ tử vong vì cúm Tây Ban Nha, nhưng các số liệu thực tế cho thấy tầm quan trọng của các biện pháp mà như ngày nay được biết đến với tên gọi giãn cách xã hội (social distance), hay duy trì khoảng cách xã hội.

2 yếu tố hữu hiệu để kiểm soát dịch - Ảnh 3.

Cập nhật cẩm nang phòng chống Covid-19 tại Đây!


 

Tác giả: L.ANH - ĐỖ DƯƠNG