2 trẻ ngộ độc nặng do ăn cháo lá cây hoa thuỷ tiên: Loại cây này nguy hiểm như thế nào?

2 trẻ ngộ độc nặng do ăn cháo lá cây hoa thuỷ tiên: Loại cây này nguy hiểm như thế nào?
Tối ngày 3/12, hai cháu bé mới 2 tuổi được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu vì bị ngộ độc lá của cây hoa thủy tiên. Nguyên nhân do người lớn nhầm là lá hẹ cho vào nấu cháo chữa ho.

Theo thông tin, sau khi ăn cháo để giúp chữa ho, cả hai trẻ đều bị đau bụng, nôn liên tục. Ngay sau đó gia đình đã nhận ra sự nhầm lẫn và lập tức đưa các cháu đến bệnh viện.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc đã khẩn trương tiếp nhận và tiến hành các biện pháp thải trừ chất độc ra khỏi cơ thể bằng việc rửa dạ dày kết hợp sử dụng than hoạt tính để hấp thụ độc tố và nhuận tràng cho các bé, và theo dõi các chức năng sinh tồn. Các bé cũng được bồi phụ nước, điện giải và xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, thận, tim nhằm kịp thời phát hiện các biến chứng.

Nhờ sự can thiệp tích cực của đội ngũ y bác sĩ, chỉ sau hơn một ngày điều trị, sức khỏe của hai trẻ đã ổn định và được xuất viện.

Qua sự việc trên, mọi người nên cảnh giác với loại cây này. Dưới đây là những thông tin về cây hoa thuỷ tiên và cách nhận biết loại cây này.

1. Cây hoa thuỷ tiên có độc không? Cách nhận biết cây hoa thuỷ tiên

Hoa thuỷ tiên là một loại cây lâu năm, có nguồn gốc từ châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và gần đây được du nhập vào Việt Nam. Cây thuộc chi Narcissus gồm khoảng 40 loài thực vật thân củ, thuộc họ Amaryllidaceae. 

Hoa thuỷ tiên có hình dáng bên ngoài rất giống hoa ly hoặc hoa loa kèn. Loài này thường nở hoa vào mùa xuân và có màu sắc chủ yếu là trắng và vàng. Cây thuỷ tiên thường được trồng để làm cảnh vì bông hoa đẹp và có hương thơm nhẹ nhàng. Tuy nhiên, loại cây này có chứa độc tố mạnh, nếu tiếp xúc hoặc không may ăn phải có thể dẫn tới kích ứng da và ngộ độc.

2 trẻ ngộ độc nặng do ăn cháo lá cây hoa thuỷ tiên: Loại cây này nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 2.

Cây hoa thuỷ tiên (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

Tìm hiểu về ngộ độc thực phẩm do histamine: Nguyên nhân khiến 142 công nhân ở Hải Phòng bị ngộ độc

Cách nhận biết loại cây vông gây ngộ độc cho hàng chục trẻ em ở Điện Biên

Cách nhận diện cây hoa thuỷ tiên

Cây hoa thuỷ tiên có lá mỏng, dài và hình kiếm, màu xanh mướt. Hoa có hình loa kèn và có nhiều màu như màu vàng, trắng, hồng có sáu cánh trung tâm là nhụy hoa. Củ của cây thuỷ tiên khá giống với củ hành.

Đặc biệt lưu ý, cây hoa thuỷ tiên dễ gây nhầm lẫn với một số loại thực vật khác. Chẳng hạn:

+ Hoa thuỷ tiên khá giống với hoa loa kèn. Tuy nhiên, hoa thuỷ tiên thường có 6 cánh hoa xếp đều quanh nhuỵ hoa hình ống hoặc phễu, màu sắc chủ yếu là trắng và vàng. Trong khi đó, hoa loa kèn có bông hoa lớn hơn với các cánh hoa rộng, thường có màu sắc đa dạng như đỏ, hồng, trắng hoặc vân hỗn hợp.

Lá của hoa thuỷ tiên cũng tương đối giống lá hẹ hay tỏi. Tuy nhiên, lá hoa thuỷ tiên dài và mỏng, thường có hình kiếm với màu xanh mướt và có đường gân dọc theo chiều dài của lá. Lá hẹ thì mỏng, mềm và dễ gãy, hình dáng hơi ống và màu xanh lá nhạt hơn. Lá tỏi lại cứng và dày hơn, hình ống nhưng nhỏ và thẳng, thường mọc thành từng bó và cũng có màu xanh đậm, đặc biệt lá tỏi sẽ có mùi đặc trưng của tỏi.

2 trẻ ngộ độc nặng do ăn cháo lá cây hoa thuỷ tiên: Loại cây này nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 3.

Lá cây hoa thuỷ tiên dễ nhầm lẫn với lá hẹ (Ảnh: ST)

Hoa thuỷ tiên có độc không? Độc tính trong cây hoa thuỷ tiên là gì?

Khoảng 20 loại ancaloit độc hại khác nhau đã được xác định trong cây hoa thủy tiên, phổ biến nhất là lycorine. Lycorine có thể kích thích niêm mạc dạ dày và kích thích vùng kích hoạt thụ thể hóa học ở hành tủy và gây ra các triệu chứng ngộ độc. Lycorine được tìm thấy trong tất cả các bộ phận của cây, với nồng độ cao nhất ở củ.

2. Triệu chứng ngộ độc cây hoa thuỷ tiên

Ngộ độc cây hoa thủy tiên có thể xảy ra theo nhiều cách. Con đường phổ biến nhất là thông qua việc ăn phải các bộ phận khác nhau của cây, bao gồm củ, lá và hoa.

Tiếp xúc da với nhựa cây hoặc bất kỳ bộ phận nào của cây cũng có thể dẫn đến kích ứng. Ngoài ra, hít phải khói từ việc đốt cây hoa thủy tiên có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.

- Triệu chứng ngộ độc khi ăn phải cây hoa thuỷ tiên

Ngộ độc cây hoa thủy tiên có thể dẫn đến một số triệu chứng khó chịu. Các phản ứng phổ biến nhất bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt và lú lẫn.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, tác động của cây hoa thuỷ tiên có thể tăng lên đáng kể, chẳng hạn như gây ra các vấn đề thần kinh và triệu chứng tim mạch (hạ huyết áp), thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

Các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng 60 phút và kéo dài khoảng 4 giờ hoặc có thể kéo dài tới 24 giờ khi nuốt phải một lượng lớn. Nuốt phải củ có thể gây cảm giác nóng rát hoặc kích ứng miệng và cổ họng. Nuốt phải nước cắm loại hoa này cũng có thể gây khó chịu ở bụng và nôn.

- Triệu chứng ở da khi tiếp xúc với cây hoa thuỷ tiên

Tiếp xúc với nhựa cây hoa thuỷ tiên có thể bị kích ứng tại chỗ hoặc phản ứng dị ứng như ngứa, đỏ, phát ban,... và trong một số trường hợp, kích ứng toàn thân cũng có thể xảy ra.

Ngoài hoa, củ của cây thuỷ tiên chứa canxi oxalat raphit, do đó khi tiếp xúc với củ cũng sẽ có khả năng bị viêm da tiếp xúc kích ứng.

2 trẻ ngộ độc nặng do ăn cháo lá cây hoa thuỷ tiên: Loại cây này nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 4.

Ăn nhầm cây hoa thuỷ tiền có thể gây nôn mửa, đau bụng, chóng mặt (Ảnh: ST)

3. Nên làm gì khi nuốt hoặc tiếp xúc với cây hoa thuỷ tiên?

Nếu bạn hoặc người khác đã tiếp xúc hay ăn nhầm cây hoa thuỷ tiên. Đầu tiên, không nên ăn thêm bất kỳ loại thực phẩm nào khác.

Tiếp theo, nếu tiếp xúc với da, hãy rửa sạch vùng bị ảnh hưởng bằng xà phòng và nước. Điều này giúp giảm thiểu kích ứng và khả năng hấp thụ độc tố.

Nếu ăn nhầm loại hoa, lá hay củ của loại cây này, không được gây nôn trừ khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ. Điều này rất quan trọng, vì nôn đôi khi có thể gây hại nhiều hơn lợi. Hãy đến bệnh viện ngay để được bác sĩ kiểm tra và có hướng can thiệp phù hợp.

4. Phòng ngừa ngộ độc cây hoa thuỷ tiên

Các biện pháp phòng ngừa ngộ độc cây hoa thuỷ tiên là rất quan trọng, đặc biệt nếu nhà bạn có trẻ em. Đôi khi vì tính hiếu kỳ, trẻ em có thể ăn hoặc sử dụng loại cây này để vui chơi, điều này rất nguy hiểm.

- Nhận dạng đúng cây hoa thuỷ tiên

Như đã đề cập, cây hoa thuỷ tiên có lá mỏng, dài và hình kiếm, màu xanh mướt. Hoa có nhiều màu và có hình loa kèn. Củ giống củ hành.

- Loại bỏ cây hoa thuỷ tiên

Vì có độc tính mạnh, bạn nên loại bỏ cây hoa thuỷ tiên khỏi ngôi nhà hoặc vườn của mình. Nếu bạn muốn trang trí làm cây cảnh, hãy để ở những vị trí an toàn và cẩn trọng khi chăm sóc.

Khi loại bỏ cây hoa thuỷ tiên, bạn nên đeo găng tay để bảo vệ da khỏi nguy cơ kích ứng và sử dụng xẻng để đào củ, đảm bảo bạn nhổ được toàn bộ hệ thống rễ của cây.

- Giáo dục về những rủi ro liên quan đến cây hoa thuỷ tiên

Việc giáo dục bản thân và những người khác về mối nguy hiểm của cây hoa thủy tiên là rất quan trọng. Chia sẻ thông tin với gia đình về độc tính của cây và các triệu chứng ngộ độc. Đặc biệt, nếu gia đình có trẻ em, bạn nên dặn trẻ hãy tránh xa loại cây này.

Nguồn tham khảo:

1. Narcissus Is Not Safe for Humans

2. Narcissus, daffodil, paper white

3. Daffodil


Tác giả: Vân Anh