Bệnh ung thư nói chung và ung thư thanh quản nói riêng hầu như không có những triệu chứng rõ ràng. Đến khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn, rất khó điều trị và tiên lượng xấu. Cách tốt nhất để phòng tránh ung thư thanh quản chính là tầm soát và khám sức khỏe định kỳ.
Mặc dù ít có những dấu hiệu ra bên ngoài cơ thể, tuy nhiên vẫn có một số triệu chứng điển hình mà người bệnh có thể cảm nhận được. Nếu nghi ngờ không phải là dấu hiệu bệnh lý, bạn cần đến bệnh viện để được chẩn đoán càng sớm càng tốt.
Với các thể viêm thanh quản mạn tính như tăng sản, bạch sản là thể dễ bị ung thư hóa, vì vậy các thể này còn được gọi là trạng thái tiền ung thư. Các u lành tính của thanh quản cũng dễ bị ung thư hóa nhất là loại u nhú thanh quản ở người lớn chiếm tỉ lệ khá cao.
Tùy theo vị trí của ung thư khác nhau mà các triệu chứng lâm sàng cũng khác nhau, kể cả thời gian xuất hiện. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng nhiều người mất tiếng, khàn tiếng kéo dài đi khám thì đã ở giai đoạn muộn.
Một trong những dấu hiệu đặc trưng nhất của ung thư thanh quản đó là khàn tiếng và khó thở. Nếu bệnh ở giai đoạn nặng hơn, các cơn đau sẽ dồn dập và gây cho người bệnh cảm giác mệt mỏi, sụt cân nghiêm trọng.
Khàn tiếng là sự thay đổi bất thường về cao độ, âm lượng của giọng nói. Người bệnh ung thư thanh quản thường bị khàn tiếng, đa số bệnh nhân nào cũng sẽ phải trải qua. Khàn tiếng thông thường có thể bị gây ra bởi các bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm dây thanh quản.... Tuy nhiên đây cũng là dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư thanh quản.
Khàn tiếng nếu trong vài ngày có thể là dấu hiệu của bệnh lý thông thường, bạn không nên quá suy sụp hay lo sợ về hiện tượng này. Tuy nhiên nếu khàn tiếng trên 2 tuần, hãy nghĩ ngay đến nguy cơ mắc các bệnh ác tính và đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.
Khàn tiếng cũng là dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư vòm họng, ung thư amidan.
Nhiều bệnh ung thư diễn biến âm thầm, bệnh nhân hầu như không cảm nhận được bất kỳ triệu chứng nào. Khi những cơn đau phát ra ngoài, là lúc khối u đã di chuyển và di căn ra các bộ phận bên ngoài.
Đối với bệnh ung thư thanh quản, cơn đau chỉ xuất hiện khi khối u lan đến bờ trên của thanh quản, cũng có thể do khối u bị loét. Cơn đau lan lên tai và đau nhói lúc bệnh nhân nhai, nuốt hoặc nuốt nước bọt. Đến giai đoạn muộn thì xuất hiện nuốt khó và sặc thức ăn, xuất tiết vào đường thở thì gây nên những cơn ho sặc sụa. Ở giai đoạn này, toàn trạng cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài 2 triệu chứng điển hình của ung thư thanh quản là đau và khàn tiếng, bệnh nhân còn cảm thấy khó thở, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân...Đây là những dấu hiệu rất đặc trưng của bệnh ung thư.
Ung thư thanh quản phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có tiên lượng tốt. Bệnh nhân không nên quá hoang mang mà bỏ qua giai đoạn điều trị tốt nhất.
Để chẩn đoán ung thư thanh quản, các bác sĩ sẽ tiến hành khám cổ và kiểm tra các vị trí: tuyến giáp, thanh quản, các hạch vùng để chắc chắn rằng có u cục hay không. Ngoài ra, để phát hiện ung thư vùng cổ họng, bệnh nhân có thể được chỉ định nội soi thanh quản để tìm kiếm những bất thường và kiếm tra 2 dây thanh âm có di động bình thường hay không.
Khám nghiệm này sẽ không gây đau. Chụp cắt lớp vi tính để chụp hàng loạt các hình ảnh chi tiết của vùng cổ. Có thể phải tiêm một chất nhuộm màu đặc biệt giúp cho thanh quản hiện rõ lên trên hình ảnh. Giải phẫu mảnh bệnh phẩm qua nội soi thanh quản soi dưới kính hiển vi điện tử để tìm các tế bào ác tính. Giải phẫu bệnh là cách duy nhất để khẳng định khối u là ác tính hay không.
Nếu bị ung thư thanh quản, các phương pháp điều trị cho mỗi giai đoạn cũng sẽ khác nhau. Bệnh nhân có thể được phẫu thuật bảo tồn hoặc cắt một phần thanh quản. Sau phẫu thuật cắt thanh quản, bệnh nhân có thể phát âm thở theo đường sinh lí tự nhiên.