Hội chứng dị ứng miệng (oral allergy syndrome - OAS) là tình trạng dị ứng thực phẩm phổ biến ở người lớn với đặc trưng là ngứa nhẹ, sưng tấy ở miệng, môi lưỡi hoặc cổ họng. Triệu chứng xuất hiện sau vài phút khi ăn một số loại thực phẩm gây dị ứng hoặc có thể cần tới nửa giờ để dấu hiệu dị ứng miệng xuất hiện.
Thông thường, OAS xảy ra ở những người bị dị ứng với phấn hoa. Có những protein trong một số loại thực phẩm tương tự như protein trong phấn hoa khiến hệ miễn dịch hiểu nhầm và sinh ra phản ứng quá phát, giải phóng histamine và gây ra triệu chứng dị ứng. Hội chứng dị ứng miệng thường gặp ở người đang bị dị ứng phấn hoa, viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng theo mùa.
Những thực phẩm dưới đây có thể kích hoạt hội chứng dị ứng miệng gây ngứa vòm miệng nhưng có thể phổ biến ở người này mà không phổ biến ở nhóm khác. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có các yếu tố nguy cơ dị ứng và cảm thấy băn khoăn với chế độ dinh dưỡng phòng ngừa dị ứng miệng của mình để nhận được lời khuyên phù hợp.
Táo và phấn hoa bạch dương có protein tương tự nhau. Vì thế mà nếu bạn bị dị ứng với cây bạch dương thì bạn cũng có thể nhạy cảm hơn với táo và gây ngứa vòm miệng.
Proetin trong dưa và phấn hoa cỏ phấn hương tương tự nhau nên có thể gây ra phản ứng chéo. Trong đó dưa hấu có thể gây ngứa vòm miệng cho những người bị dị ứng theo mùa liên quan tới cỏ phấn hương.
Ngoài ra, dưa hấu cũng có thể gây ngứa vòm miệng với người bị dị ứng với cỏ như cỏ Timothy, cỏ nón cho mèo.
Đọc thêm:
- Mùa hè ăn dưa hấu đừng vôi bỏ hạt đi: Giữ lại để làm điều cực tốt cho sức khỏe này
- 5 loại trà thảo mộc giúp đánh bay viêm mũi dị ứng theo mùa
Phấn hoa cỏ phấn hương và bí ngòi có protein tương tự nhau, vì vậy nếu bạn bị dị ứng với cỏ phấn hương, bí ngòi cũng có thể khiến bạn bị dị ứng và gây ngứa vòm miệng. Nếu bạn chỉ bị dị ứng ở mức độ nhẹ thì bí ngòi nấu chín vẫn được coi là an toàn để ăn do quá trình nấu chín protein trong bí ngòi sẽ bị nhiệt phân hủy một phần.
Hoặc bạn cũng có thể gọt vỏ bí ngòi để giảm lượng protein tập trung phần lớn ở đây để tránh hoặc giảm nhẹ phản ứng dị ứng.
Ớt chuông với nhiều màu sắc rực rỡ được coi là một loại siêu thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng không may là trong ớt chuông có một loại protein tương tự phấn hoa cây ngải cứu. Và nếu bạn bị dị ứng ngải cứu bạn có thể bị sưng tấy và ngứa vòm miệng khi ăn ớt chuông.
Mặc dù việc gọt vỏ có thể giúp giảm phản ứng dị ứng nhưng việc gọt vỏ ớt chuông là khá khó. Vì thế mà nấu chín ớt chuông có thể giúp giảm nhẹ vấn đề này.
Cam có protein tương tự như phấn hoa cỏ và có thể gây ra các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Mặc dù OAS có thể xảy ra với bất kỳ loại thực phẩm thực vật nào, nhưng cam là loại trái cây có múi có nhiều khả năng gây ra các triệu chứng nhất.
Hầu hết protein đều nằm ở vỏ, vì thế bạn có thể loại bỏ vỏ cam thay vì sử dụng cho các mục đích khác như thêm vào nấu ăn, nước uống,...
Các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ trắng và bắp cải đang được nghiên cứu về các hợp chất chống ung thư trong đó. Nhưng thật không may, chúng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm với phấn hoa ngải cứu vì protein thực vật họ cải rất giống với protein phấn hoa ngải cứu.
Nếu bạn có thói quen ăn tái hoặc sống những thực phẩm họ cải thì hãy thay đổi bằng việc nấu chín chúng lên nếu các loại rau này khiến bạn bị ngứa vòm miệng.
Cả protein của cỏ phấn hương và phấn hoa cỏ đều tương tự như protein trong khoai tây trắng, vì vậy nếu bạn bị dị ứng với cỏ phấn hương và phấn hoa cỏ, ăn khoai tây trắng có thể khiến hệ thống miễn dịch của bạn sinh ra phản ứng.
Nhưng may mắn là khoai tây không thể ăn sống trực tiếp nên việc nấu ăn và gọt vỏ khoai tây có thể giúp giảm nguy cơ và triệu chứng dị ứng với khoai tây trắng và gây ngứa vòm miệng. Lưu ý, hãy đeo găng tay khi gọt vỏ khoai tây nếu bạn bị dị ứng và không muốn tay mình ngứa ngáy, sưng và tấy đỏ.
Cả tỏi và hành đều có protein tương tự như phấn hoa ngải cứu. Nếu bệnh viêm mũi do phấn hoa ngải cứu gây ra, bạn cũng có thể cảm thấy ngứa vòm miệng khi ăn tỏi và hành.
Nấu cả tỏi và hành tây có thể giúp ích vì nấu chín sẽ làm biến tính protein và khiến phản ứng dị ứng kém hơn. Nhưng nhìn chung, miễn là hội chứng dị ứng miệng của bạn ở mức độ nhẹ thì bạn có thể ăn hành và tỏi để nhận được nhiều lợi ích sức khỏe từ hành và tỏi. Bởi hai loại gia vị này chứa nhiều hợp chất thực vật chống ung thư, giảm viêm và cải thiện quá trình trao đổi chất hiệu quả.
Các loại trái cây thường được trồng ở môi trường nhiệt đới như chuối có thể gây ra các triệu chứng OAS. Protein được tìm thấy trong chuối tương tự như protein trong cỏ phấn hương, gây ra phản ứng của hệ miễn dịch ở những người bị dị ứng cỏ phấn hương theo mùa.
Mặc dù vỏ chuối cũng có thể ăn được nhưng tốt nhất là bạn nên bỏ đi nếu không muốn tình trạng dị ứng như ngứa vòm miệng nặng hơn.
Nếu bạn bị dị ứng theo mùa với bạch dương, cây bách, cây tuyết tùng hoặc cỏ, bạn có thể cảm thấy các triệu chứng dị ứng cũng xuất hiện khi ăn cà chua. Do tất cả những loại thực vật này đều có protein tương tự nhau và ăn cà chua sống có thể kích hoạt triệu chứng dị ứng miệng bao gồm ngứa miệng hoặc sổ mũi.
Tuy vậy, bạn có thể nấu chín cà chua để hưởng nhiều lợi ích sức khỏe từ cà chua và các loại rau, trái cây có màu đỏ khác mang lại như chống oxy hóa tế bào, giảm căng thẳng có liên quan tới stress oxy hóa và bệnh tiểu đường type 2 nhờ tác dụng của lycopene - một loại carotene nổi tiếng tốt cho sức khỏe.
Nếu bạn bị dị ứng theo mùa với phấn hoa của cây tần bì, cây sồi thì bạn cũng có thể bị dị ứng với dứa. Tương tự với các loại trái cây khác trong danh sách này thì dứa cũng có các protein giống nhau gây ra phản ứng của hệ miễn dịch. Theo Health, dứa là nguồn gây dị ứng miệng phổ biến ở trẻ em.
Ngoài ngứa vòm miệng thì dị ứng dứa cũng đặc trưng bởi cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran trên mặt lưỡi - nguyên nhân tới từ thành phần bromelain trong dứa gây ra.
Không chỉ trái cây và rau quả mới có thể kích hoạt OAS. Một số loại gia vị có chứa protein tương tự như phấn hoa ngải cứu và có thể gây ngứa vòm miệng, ngứa miệng và sưng tấy bao gồm hạt hồi, rau mùi, thì là, rau mùi tây và hạt tiêu đen.
Nếu bạn thích sử dụng những loại gia vị này, hãy cân nhắc tới việc sử dụng chế phẩm ở dạng khô thay vì tươi, sống.
Ngoài dị ứng thực phẩm hay dị ứng phấn hoa hoặc viêm mũi dị ứng theo mùa thì ngứa vòm miệng còn có thể là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe khác như:
- Mụn Herpes miệng
Bệnh thường kéo dài khoảng 2 tuần với các nốt mụn trên môi và miệng, ngứa môi và ngứa miệng kèm khô và khó chịu.
- Nấm miệng
Nấm miệng có thể khiến vòm miệng bị ngứa, chẳng hạn như một dạng nhiễm trùng nấm men Candida và có thể lây lan sang người khác. Triệu chứng của nấm miệng có thể là các mảng trắng trong miệng, miệng có mùi vị khó chịu, trong miệng có các nốt đỏ và ngứa, môi khô và nứt nẻ.
- Cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh thông thường rất dễ bị nhầm lẫn với viêm mũi dị ứng hay dị ứng theo mùa do các triệu chứng tương đồng như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa vòm miệng, đau họng và ho, sốt, đau nhức cơ thể,...
- Thuốc điều trị ung thư
Một số loại thuốc dùng trong điều trị ung thư có thể gây ngứa miệng do tác dụng phụ. Những loại thuốc này có thể gây khô miệng hoặc viêm màng nhầy miệng, dẫn đến ngứa bao gồm Afinitor, Gilotrif và Nexava.
Mặc dù ngứa nhẹ ở vòm miệng do hội chứng dị ứng miệng thường không phải là lý do đáng báo động nhưng những phản ứng dị ứng nghiêm trọng sẽ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức chẳng hạn như khó thở, phù nề ở mặt và môi hoặc mẩn ngứa sưng đỏ,... Hiện tại không có cách điều trị hội chứng dị ứng miệng. Bạn có thể dùng thuốc kháng histamine không kê đơn để giảm nhẹ theo chỉ định của bác sĩ.
Nguồn dịch:
1. 12 Foods That Can Cause An Itchy Roof of Mouth
2. What Causes Itchiness on the Roof of Your Mouth?