12 câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư vú

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
12 câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư vú
Hiểu về bệnh ung thư vú qua những câu hỏi, giúp nhận biết và phòng tránh bệnh hiệu quả.

Được biết đến là loại ung thư thường gặp và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Hiểu về căn bệnh này sẽ giúp mọi người nhận biết và phòng tránh nó tốt hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp 12 đặc điểm cần biết về bệnh ung thư vú nhằm giúp bạn đọc không còn hoang mang về căn bệnh này!

1. Định nghĩa bệnh ung thư vú là gì?

Ung thư vú là một dạng bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ, mà các tế bào bất thường bắt nguồn từ vú. Các tế bào ung thư nhanh chóng phát triển và tạo thành khối u ác tính. Các khối u này tăng nhanh về số lượng và kích thước. Chúng xâm lấn sang các bộ phận cơ thể khác như xương, tim, phổi, não,... gọi là di căn. 

2. Bệnh ung thư vú được chia thành những loại nào?

Ung thư vú có rất nhiều loại, tùy thuộc vào vị trí và tính chất của khối u. Tuy nhiên có 2 loại phổ biến nhất là:

- Ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ:

Các tế bào ung thư bắt nguồn từ trong các ống dẫn sữa. Đây là dạng ung thư vú không xâm lấn, không lan ra khỏi ống dẫn sữa, vì thế không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh muộn, không có các biện pháp điều trị kịp thời, thì bệnh có thể phát triển và thay đổi thành dạng xâm lấn khác.

Ảnh 2.

Hình ảnh bệnh ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ

- Ung thư biểu mô tuyến vú xâm lấn:

Tế bào ung thư bắt nguồn từ trong ống dẫn sữa, có khả năng lây lan sác các cơ quan khác ngoài tuyến vú. Loại bệnh ung thư vú này chiếm khoảng 80% tổng số các trường hợp mắc ung thư vú.

3. Bệnh ung thư vú có nguy hiểm đến tính mạng hay không?

Nếu được phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh ung thư vú là 80 - 100%. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, bệnh đã di căn, thì ung thư vú là căn bệnh ác tính, nguy hiểm đến tính mạng. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân chỉ có 20% cơ hội sống sót. Mặt khác, việc điều trị ung thư vú sẽ gây nhiều đau đớn và mệt mỏi cho bệnh nhân. 

4. Phụ nữ bị ung thư vú có thể sinh con không?

Phụ nữ bị ung thư vú có thể sinh con bình thường, sau khi đã điều trị bệnh thành công. Thậm chí bệnh nhân được khuyến khích sinh con bởi đây là cách hiệu quả để giảm nguy cơ tái phát bệnh. Thông thường, bệnh ung thư vú có thể tái phát sau 2 - 3 năm điều trị. Vì vậy, phụ nữ nên có kế hoạch sinh con từ năm thứ 3 trở đi. Chú ý thường xuyên thăm khám bệnh.

5. Bao nhiêu tuổi dễ mắc ung thư vú?

Giống như các bệnh ung thư khác, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Với ung thư vú, dưới 35 tuổi được coi là nguy cơ thấp, trên 40 tuổi là nguy cơ cao, trên 70 tuổi là nguy cơ rất cao.

6. Nam giới có bị mắc ung thư vú không?

Nam giới vẫn có thể mắc ung thư vú, tuy rất hiếm gặp. Khả năng mắc ở nam giới thấp hơn nữ giới 100 lần. Bệnh ung thư vú ở nam giới cũng nguy hiểm và có khả năng gây tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

7. Bệnh ung thư vú có di truyền không?

Theo thống kê, có khoảng 10% các ca ung thư vú có liên quan đến tính di truyền. Nếu trong gia đình bạn có người bị mắc ung thư vú, thì bạn cần được đi sàng lọc, tầm soát ung thư.

8. Bệnh ung thư vú di căn như thế nào?

Các khối u có thể di căn gần hoặc di căn xa, khối u di động hoặc không di động, tùy giai đoạn. Ở giai đoạn muộn, các khối u di căn xa, dính nhau, dính vào các tổ chức khác, thường rất khó điều trị. Bệnh ung thư vú thường di căn vào xương, ngoài ra có thể vào tim, phổi, thậm chí là não.

9. Bị bệnh ung thư vú sống được bao lâu?

Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn tiền ung thư và giai đoạn 1 thì khả năng chữa khỏi là trên 92%. Ở giai đoạn 2, nếu điều trị tích cực thì vẫn có 87% cơ hội sống sót. Trong giai đoạn 3 của bệnh, các khối u đã di căn sang vùng lân cận, cơ hội sống cho bệnh nhân chỉ còn 54%. Ở giai đoạn cuối, các khối u đã di căn xa, bệnh nhân chỉ còn 20% cơ hội sống sót.

10. U vú lành tính khác ung thư vú như thế nào?

U vú lành tính là trường hợp có các khối u bên trong vú nhưng nó chỉ phát triển đến một kích thước nhất định rồi ngừng, không di căn, không lây lan sang các cơ quan khác. U vú thường chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, bởi nó làm thay đổi hình dạng và kích thước ngực. 

Nếu u quá to thì có thể ảnh hưởng lên mô và mạch máu. U vú lành tính không gây nguy hiểm, thường được phẫu thuật cắt bỏ dễ dàng. Ngược lại, ung thư vú rất nguy hiểm, điều trị khó khăn và phức tạp nếu phát hiện muộn.

11. Phòng tránh ung thư vú như thế nào?

- Ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo, kiêng bia rượu, thuốc lá.

- Sinh con, cho con bú sữa mẹ.

- Hạn chế thuốc tăng hooc-mon, thuốc tránh thai.

- Tự quan sát, tự khám ngực thường xuyên. Đi sàng lọc ung thư định kì tại các bệnh viện.

12. Bệnh viện nào ở Việt Nam có tầm soát ung thư vú?

Việc tầm soát ung thư thường đã được mở rộng ở các bệnh viện, các cơ sở chuyên khoa. Ở Hà Nội có bệnh viện K, BV ung bướu Trung ương, BV Bạch  Mai, BV Vinmec. Ở Sài Gòn có BV Chợ Rẫy, BV ung bướu TP.Hồ Chí Minh,....


Tác giả: Mai Nhung