11 mẹo để phục hồi nhanh chóng sau mắc cảm cúm

11 mẹo để phục hồi nhanh chóng sau mắc cảm cúm
Cách tốt nhất để nhanh chóng vượt qua cơn cảm cúm chính là nghỉ ngơi và bù chất lỏng đầy đủ. Tuy nhiên có một số mẹo bổ sung mà bạn có thể thử để giúp bản thân cảm thấy tốt hơn.

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan do virus cúm gây ra. Các triệu chứng cúm thường kéo dài khoảng 7 - 10 ngày và giảm dần. Trong đó, có một vài triệu chứng nghiêm trọng nhất chỉ xảy ra trong 2 - 3 ngày. Sau đó bạn sẽ có thể tiếp tục cảm thấy mệt mỏi, suy nhược và ho trong khoảng 1 - 2 tuần nữa sau khi phục hồi.

1. Nghỉ ngơi ở nhà

Cơ thể bạn cần thời gian và năng lượng để chống lại virus gây bệnh cúm, điều đó có nghĩa là khi phát hiện mình bị cúm, bạn hãy dành thời gian để ở nhà và nghỉ ngơi cho tới khi cảm thấy tốt hơn, chí ít là đã hết sốt.

Ngoài việc có tác dụng giúp bạn phục hồi thì nghỉ ở nhà cũng giúp bạn giảm nguy cơ lây nhiễm virus cúm cho nơi làm việc, trường học. Đặc biệt, cúm có thể trở nên nguy hiểm và nghiêm trọng với trẻ nhỏ và người suy giảm hệ miễn dịch.

2. Bù nước

Một triệu chứng điển hình của bệnh cúm là sốt cao dẫn tới đổ mồ hôi hoặc nôn mửa, tiêu chảy. Lúc này cơ thể bạn cần nhiều chất lỏng hơn để thay thế cho lượng chất lỏng đã mất và thậm chí là có thể cần nhiều hơn để chống lại nhiễm trùng.

Nước lọc, nước điện giải, trà thảo dược hoặc trà với mật ong hay súp nóng được xem là những lựa chọn nên ưu tiên khi bị cúm để giảm nhẹ các triệu chứng trong khi vẫn giúp cơ thể có đủ nước. Ngoài ra, cần tránh xa rượu và caffeine khi đang bệnh nếu không muốn tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn.

11 mẹo để phục hồi nhanh chóng sau mắc cảm cúm - Ảnh 2.

Nghỉ ngơi và ngủ càng nhiều càng tốt khi bị cúm sẽ giúp cơ thể nhanh phục hồi (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

- Tăng cường miễn dịch và chống lại cúm mùa nhờ quả cơm cháy

- Các loại rau họ cải tốt cho bệnh cảm cúm và hệ miễn dịch

3. Ngủ càng nhiều càng tốt

Giấc ngủ là liều thuốc tốt cho nhất cho cơ thể khi chống lại bệnh cúm. Hãy cố gắng đi ngủ sớm hơn thường ngày hoặc khi bạn cảm thấy buồn ngủ, kể cả là ngủ trưa.

Nghỉ ngơi và ngủ giúp giảm nguy cơ biến chứng cúm nghiêm trọng như viêm phổi.

4. Giảm nghẹt mũi

Cúm có thể khiến bạn khó ngủ khi gây ho và nghẹt mũi. Bạn hãy thử một vài lời khuyên dưới đây để dễ thở hơn và ngủ ngon hơn:

- Kê thêm một chiếc gối đầu để tránh chảy nước mũi sau xuống họng gây ho cũng như giảm áp lực cho xoang giảm tình trạng nghẹt mũi

- Sử dụng máy bù ẩm trong phòng ngủ, đặc biệt khi thời tiết khô

- Tắm với nước nóng trước khi đi ngủ

- Nằm nghiêng sang bên không bị tắc mũi để giảm tạm thời cơn nghẹt mũi.

5. Ăn các thực phẩm lành mạnh

Ngay cả khi bạn đang bị cúm và đã phục hồi thì ăn các thực phẩm lành mạnh đều đóng vai trò quan trọng để nâng cao hệ miễn dịch giúp chống lại virus cúm và chữa lành tổn thương.

Trái cây, rau củ tươi giúp cung cấp vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa quan trọng là những gợi ý mà bạn nên ưu tiên lựa chọn nếu muốn nhanh chóng phục hồi khi bị cúm. Ngay cả khi bạn không thèm ăn và cảm thấy miệng không có vị gì thì cũng cần nhớ rằng, điều quan trọng là phải ăn uống đầy đủ để duy trì sức lực.

11 mẹo để phục hồi nhanh chóng sau mắc cảm cúm - Ảnh 3.

Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học để hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại virus gây cúm (Ảnh: Internet)

6. Bổ sung độ ẩm cho không khí

Như đã nói ở trên, một chiếc máy bù ẩm cho không khí trong phòng sẽ hỗ trợ tình trạng nghẹt mũi và kích ứng họng do không khí khô gây ra.

Bạn có thể sử dụng máy khuếch tán tinh dầu để tận dụng thêm các lợi ích bổ sung từ các loại tinh dầu như bạc hà, tinh dầu tràm, tinh dầu oải hương, tinh dầu hoa cúc, tinh dầu khuynh diệp,... Đừng quên vệ sinh sạch sẽ máy bù ẩm nếu không muốn vi sinh vật như nấm mốc có điều kiện phát triển thuận lợi và tiếp tục gây bệnh chồng bệnh.

7. Dùng thuốc không kê đơn

Thuốc không kê đơn có thể giúp hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài khi bị cúm. Chẳng hạn:

- Thuốc giảm đau nhóm ibuprofen và acetaminophen giúp giảm sốt, giảm nhức đầu và giảm đau nhức cơ thể

- Thuốc thông mũi như pseudoephedrine giúp mở đường mũi và giảm áp lực trong xoang

- Thuốc giảm ho chẳng hạn như dextromethorphan có tác dụng làm dịu cơn ho khan

- Thuốc long đờm giúp làm loãng chất nhầy và tống thải ra ngoài

- Thuốc kháng histamine có xu hướng an thần để giúp bạn ngủ dễ hơn.

Hãy lưu ý rằng, dù là thuốc không kê đơn và bạn có thể dễ dàng mua được ở các hiệu thuốc nhưng bạn không nên lạm dụng thuốc và cần sử dụng theo đúng hướng dẫn sử dụng trên sản phẩm hay vô tình kết hợp các loại thuốc gây tương tác với nhau. Trẻ em và thanh thiếu niên không bao giờ nên sử dụng aspririn khi bị cúm do có thể tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye rất nghiêm trọng.

8. Uống một thìa mật ong để làm dịu cơn ho

Cơn ho có thể kéo dài thêm vài ngày tới một tuần sau khi bạn khỏi cảm cúm. Mật ong là một phương thuốc tự nhiên khá phổ biến để làm dịu cơn đau họng hoặc ho. Bạn có thể pha trà và thêm một thìa mật ong vào uống khi còn nóng hoặc uống trực tiếp để có hiệu quả cho các triệu chứng cúm.

Theo Healthline, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một liều mật ong có hiệu quả kiểm soát cơn ho vào ban đêm hơn so với các loại thuốc giảm ho thông thường ở trẻ em từ 2 - 18 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Tuy nhiên có một nguyên tắc mà bạn cần lưu ý là không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.

11 mẹo để phục hồi nhanh chóng sau mắc cảm cúm - Ảnh 4.

Mật ong có tác dụng làm dịu họng và giảm ho (Ảnh: Internet)

9. Hỏi bác sĩ về thuốc kháng virus

Thuốc kháng virus là loại thuốc chỉ được bán theo đơn nên trước tiên là bạn cần phải gặp bác sĩ để được tư vấn. Những loại thuốc này thường được chỉ định cho nhóm có nguy cơ biến chứng cao do cúm với tác dụng ngăn chặn sự nhân lên của virus. Hãy khám bác sĩ nếu:

- Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là 2 tuổi

- Từ 18 tuổi trở xuống và đang dùng thuốc có chứa aspirin hoặc sallcylate

- Từ 65 tuổi trở lên

- Đang mang thai hoặc vừa sinh con trong 2 tuần qua

- Mắc một bệnh lý mãn tính hoặc đang dùng các loại thuốc kháng gây suy yếu hệ miễn dịch

- Đang sống trong viện dưỡng lão hay các cơ sở chăm sóc dài hạn

- Béo phì với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên.

Thuốc kháng virus hoạt động tốt nhất nếu được dùng trong vòng 48 giờ sau khi triệu chứng cúm đầu tiên xuất hiện.

10. Tiêm phòng cúm

Vaccine cúm hàng năm được sản xuất và khuyến khích mọi người tiêm nhắc lại hàng năm là loại vaccine đã cập nhật thêm những chủng cúm mới của năm đó (mùa tiếp theo). Vì thế mà tiêm phòng cúm có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, kể cả bạn đã bị cúm vừa khỏi. Bởi vaccine cúm có thể giúp bảo vệ bạn khỏi các chủng cúm khác cũng như giảm mức độ nghiêm trọng nếu tái cúm.

Bên cạnh đó, nếu đã trễ mũi nhắc lại thì bạn có thể tiêm vào bất cứ lúc nào khi khỏe mạnh.

11. Dọn dẹp nhà cửa sau cúm

Ngoài các biện pháp chăm sóc sức khỏe cá nhân khi bị cúm và giúp phục hồi thì đừng quên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ khi bạn đang và đã khỏi cúm. Chú ý dọn dẹp phòng ngủ với chăn, ga, gối; các bề mặt hay tiếp xúc như tay nắm cửa, tủ lạnh, bàn bếp, bàn ăn,... và mở cửa sổ hoặc dùng máy lọc không khí nếu có thể để nhà cửa thông thoáng hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình.

12. Các dấu hiệu cho thấy bạn đang phục hồi sau cúm

Dean Winslow, MD, Giáo sư y khoa tại Khoa Y học Bệnh viện và Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Stanford cho biết, thời gian ủ bệnh của cúm là từ 1 - 4 ngày, trung bình là 2 ngày và dường như không có thay đổi về thời gian ủ bệnh qua các năm.

Các dấu hiệu cho thấy bạn đang phục hồi và sắp khỏi bệnh cúm bao gồm:

- Giảm số lần ho và đờm

- Giảm đau đầu và đau cơ

- Không còn cảm giác mệt mỏi và đau nhức toàn thân

- Đường hô hấp không còn cảm giác tắc nghẽn

- Trở lại tình trạng sức khỏe bình thường, có năng lượng và tinh thần tốt hơn.

Nhìn chung, để nhanh chóng phục hồi sau cảm cúm bạn cần có biện pháp chăm sóc và quản lý các triệu chứng cúm đúng cách; thăm khám bác sĩ khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và không thuyên giảm sau 7 - 10 ngày.

Nguồn dịch: 12 Tips for a Speedy Flu Recovery


Tác giả: Allen