Tên gọi bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) được dùng để chỉ một tập hợp các tình trạng hô hấp tiến triển nói chung. Điểm giống nhau giữa chúng là đều gây ra tình trạng khó thở cho người bệnh. Trong đó, viêm phế quản mãn và khí phế thũng là hai dạng phổ biến nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Khi mắc bệnh, người bệnh thường có biểu hiện bằng các triệu chứng gồm khó thở và ho. Các biểu hiện này có xu hướng tăng nặng theo thời gian. Cuối cùng, chúng gây cản trở ngay cả đối với các sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân như thay quần áo,...
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một tình trạng nghiêm trọng, bất kỳ sự hiểu lầm nào liên quan đến bệnh đều có thể gây ra các những hậu quả nguy hiểm. Vì thế, những nội dung được trình bày dưới đây sẽ đưa ra lời giải thích khoa học đến từ các chuyên gia đối với các lầm tưởng thường gặp về bệnh. Hai chuyên gia đã cung cấp thông tin bao gồm:
- Tiến sĩ Neil Schachter đến từ Trường Đại học Y khoa Icahn. Ông là một chuyên gia về bệnh phổi, y học môi trường và sức khỏe công cộng.
- Tiễn sĩ Shahryar Yadegar là một bác sĩ về bệnh phổi và chuyên gia chăm sóc tích cực. Hiện ông đang công tác tại Trung tâm Y tế Providence thuộc bang California, Hoa Kỳ
Vào năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo về 3,23 triệu trường hợp tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Điều này khiến nó trở thành nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ 3 trên phạm vi toàn cầu.
Riêng tại Hoa Kỳ, hiện đã có hơn 16 triệu trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy nhiên, có thể còn đến hàng triệu triệu trường hợp mắc bệnh nữa nhưng vẫn đang bị bỏ sót.
Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, các triệu chứng thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bao gồm ho mãn tính, tăng tiết đờm, khó thở, khò khè, nhiễm trùng hô hấp lặp lại. Nên nếu đang có những biểu hiện này, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ ngay. Những kiểm tra cần thiết, đặc biệt là xét nghiệm đo phế dung sẽ được thực hiện để tiến hành chẩn đoán.
Đọc thêm:
- Bị bệnh viêm phổi bao lâu thì khỏi?
- Điều trị viêm phổi từ những vị thuốc đông y đơn giản
Theo Tiến sĩ Schachter, hút thuốc lá thực sự là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nhưng một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy bệnh xảy ra. Những yếu tố này có thể kể đến như ô nhiễm không khí, ô nhiễm lao động, nhiễm trùng, các dạng hen phế quản,...
Còn Tiến sĩ Yadegar thì cho rằng, có khoảng 10-20% bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không có tiền sử hút thuốc trong quá khứ. Nhóm bệnh nhân này bao gồm các đối tượng như người hít phải khói thuốc thụ động, thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm, hoặc có bất thường di truyền dẫn đến thiếu alpha-1 antitrypsin,...
Ông giải thích, alpha-1 antitrypsin có vai trò bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của hệ thống miễn dịch. Khi gen quy định enzym này bị đột biến sẽ gây ra sự thiếu hụt alpha-1 antitrypsin. Từ đó làm tăng nguy cơ bị COPD và gây ảnh hưởng nhiều hệ thống khác của cơ thể.
Trên thực tế, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường xảy ra hơn ở người cao tuổi. Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc người trẻ tuổi sẽ không bị bệnh.
Thống kê trong giai đoạn năm 2007-2009 cho thấy, có khoảng 2% phụ nữ và 4,1% nam giới ở độ tuổi 24-44 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Thậm chí đã có những trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh khi độ tuổi mới chỉ từ 18-24 tuổi.
Tiễn sĩ Schachter cho biết, hầu hết các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khởi phát sớm trước 50 tuổi đều có liên quan đến yếu tố di truyền. Có nghĩa rằng họ bị thiếu alpha-1 antitrypsin, vì thế dễ bị mắc bệnh hơn.
Tên gọi của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khiến nhiều người lầm tưởng rằng nó chỉ ảnh hưởng đến phổi.
Nhưng theo Tiến sĩ Schachter, điều này là không chính xác. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể đi kèm với nhiều tình trạng khác. Chẳng hạn có thể kể đến như bệnh tim, ung thư phổi, cao huyết áp, ung thư hay bệnh tiểu đường. Sự liên quan giữa COPD với các bệnh lý này có thể do một số yếu tố nguy cơ thông thường hoặc tình trạng viêm toàn thân gây nên.
Bởi những yếu tố nguy cơ có thể cùng lúc thúc đẩy nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Điều này làm cho bệnh COPD có thể cùng xảy ra với một bệnh lý khác. Ví dụ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh tim đều có chung yếu tố nguy cơ là hút thuốc lá.
Ngoài ra, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính còn có sự liên quan đến tình trạng viêm toàn thân. Vì thế có thể làm gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý khác độc lập đối với COPD.
Nhiều người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã luyện tập thể dục khi không có hướng dẫn cụ thể. Họ cảm thấy khó khăn để có thể hoàn thành những bài tập này. Do vậy gây ra lầm tưởng rằng bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính không thể tập thể dục.
Nhưng theo Tiến sĩ Yadegar, những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên tập thể dục. Bởi tập luyện có khả năng giúp cải thiện chức năng hô hấp cũng như các triệu chứng do bệnh gây ra. Đặc biệt, người bệnh có thể nhận được các lợi ích lớn hơn nếu áp dụng kết hợp luyện tập với các kỹ thuật thở có hướng dẫn.
Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ đã lưu ý rằng, người bệnh có thể cảm thấy không an toàn khi luyện tập. Tuy nhiên, các bài tập phù hợp sẽ mang lại lợi ích cho họ nếu chúng được thực hiện. Do đó, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu hoặc thay đổi cách luyện tập.
Còn Tiến sĩ Schachter thì cho rằng, tập luyện thể dục là một biện pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nó làm giảm số đợt cấp của bệnh và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nhiều người đã rất lo lắng khi cho rằng không có cách điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Vậy điều này có phải là sự thực?
Tiến sĩ Schachter cho biết, có nhiều phương pháp điều trị và chiến lược quản lý khác nhau giúp kiểm soát sự tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những biện pháp này bao gồm sử dụng thuốc, phục hồi chức năng, chế độ dinh dưỡng, tiêm vaccine dự phòng nhiễm trùng đường hô hấp,...
Các báo cáo đã cho thấy, các biện pháp điều trị như thuốc hít giãn phế quản, thuốc kháng cholinergic, corticosteroid và oxy liệu pháp,... có thể đem đến các lợi ích cho bệnh nhân. Chúng có thể được cá nhân hóa để phù hợp với người bệnh cho từng trường hợp khác nhau.
Ngoài ra, bổ sung alpha-1 antitrypsin hay ghép phổi cũng là những biện pháp có thể được xem xét cho những trường hợp nhất định.
Theo Tiến sĩ Tiến sĩ Yadegar, mặc dù cả bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản đều là tình trạng tắc nghẽn phổi. Nhưng giữa chúng vẫn có những sự khác biệt với nhau.
Cần biết rằng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là xảy ra khi các phế nang bị mất tính đàn hồi, nguyên nhân chủ yếu là do hút thuốc lá. Trong khi đó hen phế quản lại là bệnh lý của đường dẫn khí, do tình trạng viêm mãn tính gây nên.
Mặc dù biểu hiện của hai căn bệnh này đôi lúc có thể có sự tương tự nhất định. Nhưng chúng sẽ được điều trị theo những cách khác nhau, phù hợp với từng bệnh để đem lại lợi ích lớn nhất cho người bệnh.
Tiến sĩ Neil Schachter bổ sung thêm, bệnh hen phế quản thường xuất hiện từ rất sớm, liên quan đến các tình trạng dị ứng hay viêm nhiễm. Còn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính lại hay xảy ra ở người trên 60 tuổi và có tiền sử hút thuốc. Tuy nhiên, các biểu hiện của hai căn bệnh này có thể chồng chéo lên nhau. Điều này khiến chúng dễ bị nhầm lẫn với nhau.
Nếu cho rằng trọng lượng cơ thể không có liên quan gì đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì chắc chắn đây là một sự sai lầm. Trọng lượng cơ thể bất thường dù là cao hay thấp đều có sự liên quan đến bệnh.
Chẳng hạn trọng lượng cơ thể cao quá mức có thể làm tăng nguy cơ các tình trạng liện quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trong khi đó, trọng lượng cơ thể thấp lại có thể là một biểu hiện của khí phế thũng. Đây là một yếu tố tiên lượng xấu cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Hút thuốc lá là nguyên nhân hành đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Kể cả khi căn bệnh này đã xảy ra, bỏ thuốc lá vẫn mang lại nhiều lợi ích khác nhau. Vì vậy Tiến sĩ Schachter cho rằng, không bao giờ là quá muộn để bỏ hút thuốc lá.
Bởi hút thuốc lá có thể đẩy nhanh tình trạng suy giảm chức năng phổi ở những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đồng thời, các triệu chứng của bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn nếu người bệnh hút thuốc lá.
Theo Tiến sĩ Schachter, mặc dù bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường biểu hiện bằng khó thở, tuy nhiên đây không phải là triệu chứng duy nhất. Khi bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang tiến triển, nó còn còn có thể biểu hiện bằng các triệu chứng khác như ho, tăng tiết đờm, nhiễm trùng đường hô hấp, hoặc các dấu hiệu của bệnh lý đi kèm,...
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp thêm các biểu hiện khác như mất ngủ, lo lắng, trầm cảm, đau đớn, suy giảm nhận thức,...
Giải thích về vấn đề này, Tiến sĩ Schachter cho rằng chế độ ăn lành mạnh làm cải thiện sức khỏe tổng thể của người bệnh. Từ đó giúp họ chống lại các đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cũng như các bệnh đi kèm với nó. Vì vậy, có thể tạo nên khác biệt trong cuộc sống của những bệnh nhân đang mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Vào năm 2020, một phân tích tổng hợp đã được thực hiện để đánh giá 8 nghiên cứu về vai trò của dinh dưỡng đối với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Theo kết quả thu được, chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Còn trong một báo cáo khác, các nhà khoa học đã nhận thấy ăn nhiều trái cây, thực phẩm giàu chất xơ, các loại cá,... có thể giúp phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Nguồn tham khảo:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/medical-myths-all-about-copd