Số trẻ mắc tay chân miệng tăng gấp 4 lần, Bộ Y Tế khuyến cáo khẩn

Số trẻ mắc tay chân miệng tăng gấp 4 lần, Bộ Y Tế khuyến cáo khẩn
So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 04 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (02), An Giang (01) và Long An (01). So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4-5 và tháng 9-10 hàng năm.

Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Ngày 01/4/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 2289/BYT-DP về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa hè.

1. Mức độ phổ biến của bệnh ra sao?

Đây là câu hỏi thường gặp về bệnh tay chân miệng thường gặp nhất của hầu hết cha mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi. Bác sĩ Arsala Bakhtyar, MD, chuyên khoa Nhi tại Beaumont Children (Beaumont là địa điểm giảng dạy lâm sàng độc quyền cho Trường Y William Beaumont mới của Đại học Oakland, Mỹ), trả lời:

Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus gây nên và rất phổ biến, chủ yếu do Coxsackievirus A16 gây ra. Hàng năm, khoảng 200.000 trường hợp xảy ra ở Mỹ, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi.

2. Ai là người dễ mắc bệnh tay chân miệng nhất và tại sao? Bệnh có nặng hơn ở độ tuổi cụ thể nào không?

Bác sĩ Arsala Bakhtyar trả lời: Trẻ em dưới 10 tuổi dễ mắc bệnh nhất (khoảng 90% trường hợp xảy ra ở nhóm tuổi này), bởi vì hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ thường yếu hơn so với người trưởng thành. Bệnh tay chân miệng cũng có thể xảy ra ở người lớn nhưng không thường xuyên. Bệnh thường có chiều hướng nặng hơn ở trẻ sơ sinh và người cao tuổi.

Chuyên gia giải đáp các câu hỏi thường gặp về bệnh tay chân miệng  - Ảnh 1.

Câu hỏi thường gặp về bệnh tay chân miệng thường là ‘mức độ phổ biến của bệnh?’ - Ảnh: icliniq

Nếu virus lây lan đến hệ thần kinh, nó có thể gây viêm màng não và viêm não dẫn đến lú lẫn hoặc co giật.

3. Các triệu chứng bệnh tay chân miệng là gì?

Các triệu chứng bệnh tay chân miệng thường bao gồm: sốt rất cao; mệt mỏi; chán ăn; trẻ kêu đau họng; đau miệng, bàn tay và bàn chân; xuất hiện phát ban dạng bỏng nước, đôi khi xuất hiện ở cả cánh tay, đầu gối, mông và vùng sinh dục. Các triệu chứng không xảy ra cùng một lúc mà có thể xảy ra theo từng giai đoạn.

>> Bệnh tay chân miệng có thể lây lan qua những con đường nào?

4. Làm cách nào để biết con tôi có mắc bệnh tay chân miệng hay không?

Theo bác sĩ Arsala Bakhtyar, bệnh tay chân miệng bắt đầu bằng triệu chứng sốt và con bạn sẽ kêu đau miệng, họng. Sau đó, bạn sẽ thấy phát ban, không chỉ trên bàn tay và bàn chân của trẻ mà còn ở các vùng khác trên cơ thể.

Chuyên gia giải đáp các câu hỏi thường gặp về bệnh tay chân miệng  - Ảnh 2.

Đáp án cho các câu hỏi thường gặp về bệnh tay chân miệng từ các chuyên gia y tế - Ảnh: rollercoaster

5. Bệnh tay chân miệng kéo dài bao lâu?

Bác sĩ Eugene Izsak, MD, giám đốc trung tâm cấp cứu bệnh viện nhi ProMedica Toledo (Ohio, Mỹ), trả lời: Nếu con bạn tiếp xúc với tác nhân chứa virus gây bệnh tay chân miệng, sẽ có khoảng 5-7 ngày ủ bệnh và trẻ không có triệu chứng nào rõ rệt.

Khi các triệu chứng của bệnh tay chân miệng bắt đầu xuất hiện, bệnh sẽ kéo dài tầm 7-10 ngày. Sau khi các vết phát ban biến mất hoàn toàn thì nguy cơ lây lan cũng không còn nữa.

6. Bệnh tay chân miệng được điều trị như thế nào?

Bác sĩ Eugene Izsak trả lời: Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc kháng virus nào có hiệu quả đặc trị hoặc ngăn ngừa bệnh tay chân miệng. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ được chăm sóc hỗ trợ quá trình phục hồi. Hoạt động chăm sóc bao gồm: hạ sốt bằng thuốc hạ sốt; cho trẻ uống nước mát, ăn đồ ăn nguội để làm dịu cổ họng. Tránh các đồ ăn chua, cay và nóng vì chúng làm trẻ đau miệng nhiều hơn.

>> Xem thêm: Nguyên tắc điều trị bệnh tay chân miệng và một số điều cần lưu ý

7. Trẻ có đi học được không khi mắc tay chân miệng?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan và bùng thành dịch. Do đó, khi trẻ bị mắc tay chân miệng, nên cho trẻ nghỉ học tại nhà để tránh lây lan trong trường học.

Ngoài ra, cha mẹ nên chăm sóc trẻ, trẻ thường sẽ khó chịu hơn và chán ăn. Nếu trẻ kêu đau miệng có thể dùng thuốc rơ miệng giảm đau; đồng thời theo dõi các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phòng ngừa các biến chứng do bệnh gây nên.

8. Khi nào nên đưa trẻ đi khám?

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, ngay khi trẻ có các dấu hiệu như sốt, chán ăn, tăng tiết nước bọt, trẻ kêu đau miệng họng, có phát ban trên các vùng đặc trưng của bệnh tay chân miệng thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám. Chỉ cần khám ở bác sĩ chuyên khoa Nhi gần nhà để xác định bệnh và được hướng dẫn chăm sóc trẻ.

Ngoài ra, nên quan sát các dấu hiệu như: trẻ giật mình chới với khi thiu thiu ngủ; trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm nôn ói; chân tay yếu; người trẻ run hoặc mạch nhanh thì ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện. Việc được điều trị sớm tránh nguy cơ xấu cho trẻ, bởi bệnh có nhiều biến chứng khá nguy hiểm.

9. Làm thế nào để tránh được bệnh tay chân miệng?

Bác sĩ Arsala Bakhtyar cho biết: Căn bệnh này dễ lây lan nhất trong tuần đầu tiên, tuy nhiên, vi rút có thể ở trong ruột của người bị nhiễm bệnh trong nhiều tháng và có thể lây lan. Rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh.

Nếu bệnh xảy ra, hãy trao đổi với bác sĩ về việc khi nào nên trở lại làm việc hoặc đi học thì an toàn. Bởi loại virus này rất dễ lây lan và lây lan trong vòng vài ngày ở những nơi như trường học, ký túc xá, nhà trẻ…

Chuyên gia giải đáp các câu hỏi thường gặp về bệnh tay chân miệng  - Ảnh 3.

Nhiều người cũng tin rằng người lớn không thể mắc tay chân miệng nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược - Ảnh: tmj4

10. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng không?

"Bệnh tay chân miệng chủ yếu là bệnh ở trẻ em, nhưng cũng có nhiều trường hợp cha mẹ của trẻ cũng mắc bệnh. Nhưng nói chung, đây là căn bệnh hầu hết điều trị ở khoa Nhi", bác sĩ Arsala Bakhtyar cho hay.

11. Một số quan niệm sai lầm phổ biến về bệnh tay chân miệng là gì?

Mọi người nghĩ rằng sau khi mắc bệnh, cơ thể sẽ được miễn dịch và không bao giờ có thể mắc lại bệnh tay chân miệng lần nữa. Đó là quan niệm sai lầm; có rất nhiều loại virus khác nhau có thể gây ra bệnh tay chân miệng mà mọi người không thể có miễn dịch hết với chúng.

Nhiều người cũng tin rằng người lớn không thể mắc tay chân miệng nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược; người lớn cũng có thể mắc căn bệnh này.

Và nhiều người nghĩ, con họ không đến nhà trẻ nên sẽ không bị tay chân miệng. Tuy nhiên, tác nhân gây vi rút không chỉ có ở trường học, chúng có thể có ở khu vui chơi, sở thú, trung tâm thương mại…

Nguồn dịch:

1. https://www.beaumont.org/health-wellness/blogs/hand-foot-and-mouth-disease-what-you-need-to-know

2. https://promedicahealthconnect.org/general-health/hand-foot-and-mouth-disease-your-questions-answered/


Tác giả: Tiểu Quyên