10+ tác dụng của rau thì là đối với sức khỏe: Vừa là gia vị vừa là thuốc chữa bệnh

10+ tác dụng của rau thì là đối với sức khỏe: Vừa là gia vị vừa là thuốc chữa bệnh
Cây thì là là một loại rau gia vị quen thuộc được thêm vào nhiều món ăn của người Việt như canh cá, trứng rán, bánh nướng,... để tăng hương vị, giảm mùi tanh.

Cây rau thì là có tên khoa học là Anethum graveolens L. (tiếng Anh: Dill), một số nơi còn gọi là cây thìa là - đây là loại rau gia vị được trồng phổ biến ở nhiều vùng của Việt Nam, nhất là vào các tháng mùa lạnh. Thì là có mùi thơm đặc trưng, rất dễ nhận biết. Tác dụng của rau thì là đến từ các hợp chất chống oxy hóa và thành phần dinh dưỡng trong đó.

Theo USDA Hoa Kỳ thì khoảng 9 gam thì là tươi có chứa 4 calo, 5 mg natri, khoảng 10% nhu cầu vitamin C khuyến nghị hàng ngày (DV) và một lượng nhỏ 1% DV canxi, đồng, magie, kali, riboflavin và kẽm cùng mangan, folate, sắt, phốt pho, vitamin A. Trong đó, các chất chống oxy hóa D-Limonene, tanin, flavonoid, carvone giúp công dụng của cây thì là trở nên nổi bật trong nhiều loại rau gia vị khác.

10+ tác dụng của rau thì là đối với sức khỏe: Vừa là gia vị vừa là thuốc chữa bệnh - Ảnh 1.

Cây thì là là một loại rau gia vị quen thuộc với các gia đình Việt (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

9 loại gia vị, thảo mộc giúp giảm cân luôn có sẵn trong nhà bếp

8 lợi ích sức khoẻ của lá nguyệt quế - loại gia vị thường được sử dụng để nấu súp, phở

Ngoài lá rau thì là thì hạt thì là cũng được ứng dụng nhiều trong nấu ăn và các bài thuốc cổ truyền. Trong Đông y, hạt thì là có tính ấm, vị cay, không độc vào kinh vị, công năng đuổi khí lạnh, cầm nôn mửa, trị ăn uống khó tiêu, đau bụng do lạnh, đau mạn sườn, nấc; chống co thắt, thông kinh, giảm đau do bị va đập chấn thương, đau nhức răng; có tác dụng bổ thận khí, giúp gân xương vững chắc, lợi sữa;...

Giá trị dinh dưỡng của hạt thì là cũng khác so với rau thì là. Cụ thể, trong khoảng 6,6 gam hạt thì là có chứa khoảng 20 calo; 3,64 gam carbohydrate; 3,51 gam chất đạm; 0,957 gam chất béo; 1,39 gam chất xơ; 100 mg canxi; 1,08 mg sắt; 16,9 mg magie; 18,3 mg phốt pho; 78,5 mg kali; 1,39 mg vitamin C; 0,198 mg vitamin A và 0,66 mg axit folic.

1. Tác dụng của rau thì là đối với sức khỏe

Theo Health, nếu đang băn khoăn về các tác dụng của rau thì là hay ăn cây thì là có tốt không thì dưới đây là một thông tin về công dụng của loại rau gia vị này:

- Cây thì là giàu chất chống oxy hóa và chống viêm quan trọng: Giống như nhiều loại thảo mộc hay các loại rau gia vị khác thì cây thì là cũng giàu chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm. Trong đó có thể kể đến như:

+ Tanin: Có đặc tính chống oxy hóa cao, giúp kháng khuẩn, ngăn ngừa ung thư và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

+ Flavonoid: Các flavonoid trong cây thì là có thể kể đến như quercetin và isorhamnetin, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào cũng như có lợi trong ngăn ngừa loét dạ dày - tá tràng.

+ Carvone: Cây thì là còn là nguồn cung cấp carvone, một hợp chất chống oxy hóa có tác dụng kháng khuẩn, chống co thắt và chống viêm trong cơ thể. Theo một nghiệp cứu năm 2022 được đăng tải trên Phytochemistry thì carvone còn có thể có tác dụng tích cực lên hệ thần kinh và quá trình chuyển hóa tại gan.

10+ tác dụng của rau thì là đối với sức khỏe: Vừa là gia vị vừa là thuốc chữa bệnh - Ảnh 3.

Cây thì là giàu chất chống oxy hóa và chống viêm quan trọng (Ảnh: ST)

- Tác dụng của rau thì là trong giảm cholesterol trong máu: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thì rủi ro gặp phải các biến chứng sức khỏe sẽ tăng lên khi nồng độ cholesterol trong máu tăng lên, chẳng hạn như các biến cố tim mạch gồm bệnh tim và đột quỵ.

Một nghiên cứu năm 2021 trên Tạp chí Herbal Medicine cho thấy, cây thì là có thể giúp giảm tổng lượng cholesterol trong máu, giảm mức cholesterol LDL (hay còn gọi là cholesterol xấu - loại cholesterol được biết đến là có thể gây ra các mảng xơ vữa với chất béo bám đầy bên trong lòng động mạch).

- Hỗ trợ quản lý bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường là một tình trạng sức khỏe ảnh hưởng tới nhiều hoạt động của cơ thể, tiến triển mãn tính làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như mất trí nhớ, bệnh tim, loãng xương do mất xương, tổn thương thận, trầm cảm và suy giảm chức năng miễn dịch.

Theo nghiên cứu năm 2016 trên Trop Med, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, tác dụng của thì là có liên quan tới kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường. Điều này là nhờ các hợp chất chống oxy hóa trong cây thì là cũng như khả năng có thể tác động tới các con đường chuyển hóa đường huyết và chất béo.

Một nghiên cứu khác trên 42 bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 sử dụng 3 gam bột thì là mỗi ngày cho thấy nồng độ insulin đã giảm đáng kể so với nhóm dùng giả dược. Chưa hết, nhóm được dùng bột thì là mỗi ngày cũng có chỉ số cholesterol toàn phần và cholesterol LDL giảm đáng kể và tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt). Nhờ đó mà các cholesterol được vận chuyển ra khỏi động mạch và trở lại gan, phân hủy và đào thải khỏi cơ thể hiệu quả.

- Thì là có thể có lợi trong cơn đau bụng kinh: Đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt còn được gọi là đau bụng kinh có thể khiến nữ giới cảm thấy khó chịu, thậm chí cơn đau nghiêm trọng gây sốt, ớn lạnh và mệt mỏi.

10+ tác dụng của rau thì là đối với sức khỏe: Vừa là gia vị vừa là thuốc chữa bệnh - Ảnh 4.

Rau thì là có mùi thơm đặc trưng có tác dụng khử tanh và tăng hương vị (Ảnh: ST)

Theo Health, tác dụng của bột thì là hay tinh dầu thì là có thể giúp giảm đau liên quan tới cơn đau bụng kinh tương tự như thuốc chống viêm NSAID bằng cách ngăn chặn cơ thể sản xuất hóa chất kích thích cơn đau và dấu hiệu viêm. Tuy nhiên, công dụng này còn cần thêm nhiều nghiên cứu khác trước khi kết luận.

- Cây thì là giàu vitamin C thúc đẩy sản xuất tế bào bạch cầu: Các tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể gây bệnh. Cây thì là giàu vitamin C, một chất chống oxy hóa chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào, giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ quá trình hình thành xương, chữa lành vết thương và trao đổi chất.

- Vitamin A trong tác dụng của rau thì là tốt cho thị lực: Ngoài vitamin C thì cây thì là cũng là nguồn vitamin A tốt. Bổ sung vitamin A đầy đủ đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe thị lực và cả hệ miễn dịch, sức khỏe sinh sản cũng như sự tăng trưởng và phát triển cơ thể.

- Chứa magie tốt cho sức khỏe: Magie là một khoáng chất được tìm thấy trong rau thì là có thể hỗ trợ cơ thể điều chỉnh chức năng cơ và thần kinh, kiểm soát lượng đường trong máu, ổn định huyết áp,...

- Thì là là một nguồn sắt tốt: Cơ thể chúng ta cần sắt để tạo ra hemoglobin để vận chuyển oxy, mặc dù lượng sắt trong cây thì là không quá lớn nhưng cũng có thể góp phần vào việc bổ sung sắt cho cơ thể.

10+ tác dụng của rau thì là đối với sức khỏe: Vừa là gia vị vừa là thuốc chữa bệnh - Ảnh 5.

Mặc dù lượng sắt trong cây thì là không quá lớn nhưng cũng có thể góp phần vào việc bổ sung sắt cho cơ thể (Ảnh: ST)

- Tác dụng của rau thì là có lợi cho sức khỏe tim mạch: Rau thì là giàu flavonoid - các hợp chất hoạt động như chất chống oxy hóa từ lâu đã được chứng minh là có thể góp phần giảm rủi ro mắc bệnh tim và đột quỵ cũng như giảm mức cholesterol xấu trong máu, dựa trên các nghiên cứu trên động vật. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu hiện tại đều sử dụng chiết xuất thì là để nghiên cứu nên lợi ích mà bạn nhận được có thể thấp hơn.

- Có thể có đặc tính chống ung thư: Theo Healthline, các monoterpen (một loại terpen) là hợp chất thực vật tự nhiên có liên quan tới các đặc tính chống ung thư, kháng virus, kháng nấm và chống viêm được các nhà khoa học tìm thấy trong cây thì là, cụ thể hơn là d-limonene - có liên quan tới ngăn ngừa ung thư phổi, ung thư vú và ung thư ruột kết.

- Tác dụng của rau thì là trong kích thích sữa sau sinh: Rất nhiều mẹ bỉm quan tâm tới các kích sữa sau sinh sao cho sữa ra nhiều. Thì cây thì là có thể có tác dụng này nhờ chứa các chất anethole, dianethole và photoanethole giúp cơ thể tăng cường sản xuất estrogen và prolactin. Đây là 2 hoạt chất tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất sữa.

Ngoài các tác dụng của rau thì là kể trên thì thì là cũng có công dụng tiềm năng kháng khuẩn đối với các vi khuẩn có thể gây hại cho cơ thể như Klebsiella pneumoniae và Staphylococcus aureus (khuẩn tụ cầu vàng).

2. Tác dụng phụ và rủi ro có thể gặp khi ăn rau thì là

Mặc dù tác dụng của rau thì là đối với sức khỏe giúp loại gia vị này được ưa chuộng và yên tâm về độ an toàn nhưng có một số tác dụng phụ có thể gặp khi ăn cây thì là mà bạn cần chú ý.

10+ tác dụng của rau thì là đối với sức khỏe: Vừa là gia vị vừa là thuốc chữa bệnh - Ảnh 6.

Tác dụng phụ và rủi ro có thể gặp khi ăn rau thì là là gì? Ảnh: ST

Chẳng hạn như phản ứng dị ứng. Dị ứng thì là có thể gây nôn mửa, tiêu chảy, ngứa ngáy miệng hoặc da, sưng đỏ lưỡi, sưng họng. Ngoài ra, nếu đang trong giai đoạn mang thai hoặc cho con bú, cũng cần tránh dùng viên hoặc chiết xuất thì là để đảm bảo an toàn cho em bé.

Bên cạnh đó, về mặt lý thuyết thì sử dụng chiết xuất thì là có thể làm tăng công dụng của một số loại thuốc như thuốc tiểu đường, thuốc hạ đường huyết, thuốc lợi tiểu và cũng cần tránh dùng rau thì là cùng với những loại thuốc như thuốc tránh thai có chứa estrogen, thuốc chống co giật, Tamoxifen, và viên uống chứa estrogen,… Do vậy, để đảm bảo an toàn thì nếu đang uống thuốc theo đơn, hãy hỏi bác sĩ trước khi thêm rau thì là hay hạt thì là vào chế độ ăn.

Hạt thì là có thể được thêm vào một số bài thuốc từ hạt thì là theo Y học cổ truyền, chẳng hạn như chữa cảm lạnh, cảm cúm; đờm trệ, đầy hơi, ăn uống không tiêu; giảm đau nhức răng; hỗ trợ bệnh tuyến tiền liệt ở người cao tuổi; tiểu đêm; thận suy; đau thắt lưng; xơ vữa động mạch;... Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc mà không nên tự ý sử dụng các bài thuốc chữa bệnh từ hạt thì là, tránh nguy hiểm cho sức khỏe do tương tác thuốc hoặc không phù hợp với thể trạng, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trên đây là các tác dụng của rau thì là cũng như hạt thì là đối với sức khỏe. Rau thì là có thể được thêm vào nhiều món ăn hàng ngày với lượng nhỏ, nếu sử dụng hạt thì là chỉ nên dùng giới hạn khoảng 1 thìa cà phê.

Nguồn dịch tham khảo:

1. All You Need to Know About Dill

2. 5 Health Benefits of Dill

3. Health Benefits of Dill

4. Dill: Edible Parts and Medicinal Benefits


Tác giả: Allen