10 sai lầm thường gặp về bệnh cảm lạnh

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
10 sai lầm thường gặp về bệnh cảm lạnh
Có không ít những quan niệm sai lầm về bệnh cảm lạnh. Nó không chỉ khiến bệnh lâu khỏi mà có thể gây nên những ảnh hưởng khác đến sức khỏe.

Các nguyên nhân đến từ bên ngoài như thời tiết, máy lạnh, gió lạnh,.... ảnh hưởng tới cơ thể sẽ dễ làm cho chúng ta mắc phải bệnh cảm. Trong đó phổ biến nhất là bệnh cảm lạnh và cảm cúm. Dù phổ biến và thường gặp nhưng vẫn có những người hiểu lầm về bệnh cảm lạnh. Để tránh những nhầm lẫn này, bạn nên theo dõi các thông tin sau đây:

1. Bệnh cảm lạnh có thể chuyển thành cảm cúm

Đây là một hiểu lầm về bệnh cảm lạnh rất phổ biến. Cảm cúm và cảm lạnh do loại virus khác nhau gây ra. Bởi vậy việc từ bệnh cảm lạnh có thể chuyển thành cảm cúm là điều không thể.

Việc nhiều người có hiểu lầm này là bởi những dấu hiệu ban đầu của cả 2 bệnh khá tương đồng. Sau đây là một vài các đặc điểm để mọi người có thể dễ dàng phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm:

Bệnh cảm lạnh: Triệu chứng ban đầu của cảm lạnh là đau đầu, đau họng, hơi sốt, sổ mũi và hắt hơi nhiều lần. Khi mắc cảm lạnh nhiệt độ cơ thể sẽ không tăng lên hoặc tăng lên không quá nhiều.

Bệnh cảm cúm: Khi mắc cảm cúm bạn sẽ thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng khác như sốt, đau cơ, nhức đầu và cảm giác đau nhức sẽ lan ra khắp người... Lúc này, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên hơn 38 độ C hoặc cao hơn. Bạn nên nhớ, khi mắc cảm cúm sẽ không xuất hiện triệu chứng hắt hơi bởi đây là triệu chứng đặc thù khi mắc cảm lạnh.

2. Có thể điều trị cảm lạnh bằng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh rất tốt khi sử dụng trong việc điều trị. Tuy nhiên nó chỉ có tác dụng với các bệnh do vi khuẩn gây nên.

Do đó, kháng sinh không thể tiêu diệt virus bởi cấu tạo của chúng hoàn toàn khác với vi khuẩn. Sử dụng thuốc kháng sinh trong việc điều trị cảm lạnh không những không giúp bệnh suy giảm mà còn có nguy cơ làm tình trạng nặng hơn.

Bên cạnh đó nếu tự tiện lạm dụng sử dụng thuốc kháng sinh sẽ có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như hệ thống miễn dịch sẽ bị suy yếu dần. Từ đó sẽ tạo điều kiện cho virus thuận lợi phát triển mạnh hơn, vi khuẩn dần cũng thích nghi và kháng thuốc.

3. Cảm lạnh tự khỏi, không cần điều trị

Bệnh cảm lạnh là một bệnh thường gặp, cho nên nhiều người thường có quan điểm về bệnh cảm lạnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Cho dù các triệu chứng của bệnh chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 3 ngày nhưng nếu bạn không được điều trị có thể gây ra các hệ lụy.

Bệnh có thể xuất hiện thêm các biến chứng hoặc kéo dài trong hơn 20 đến 30 ngày. Đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi, bệnh cảm lạnh có thể biến chứng thành viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp...nếu như không được điều trị.

4. Mắc cảm lạnh không cần phải nghỉ ngơi

Do cảm lạnh không phải là một bệnh quá nặng nên khi mắc nhiều người vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng họ không biết rằng, nếu cơ thể được nghỉ ngơi, bệnh sẽ có thời gian khỏi nhanh hơn. Bởi vậy tốt nhất bạn nên dành từ 1 đến 2 ngày để thư giãn, hạn chế làm việc với cường độ mạnh để giúp cơ thể phục hồi lại trạng thái tốt nhất. Bên cạnh đó bạn cũng nên tránh lây bệnh cho mọi người xung quanh.

5. Nghỉ ngơi bằng cách nằm lì trên giường

Để phục hồi nhanh chóng, bạn cần nghỉ ngơi. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với nằm trên giường cả ngày.

Việc không hoạt động, chỉ nằm trên giường cả ngày không những không có lợi cho sức khỏe mà còn khiến quá trình lưu thông máu của cơ thể bị trì trệ. Từ đó dẫn đến quá trình lành bệnh sẽ kéo dài.

Kèm theo đó, tập thể dục hay hoạt động mạnh trong khoảng thời gian bị cảm lạnh là điều không cần thiết. Thay vào đó, bạn hãy vận động nhẹ hoặc đi lại trong nhà để giúp máu lưu thông tốt hơn.

6. Mắc cảm lạnh do thời tiết lạnh

Bệnh cảm lạnh thường xuất hiện vào lúc trời lạnh tuy nhiên đó là do cơ thể tiếp xúc với virus chứ không phải do thời tiết. Dù bạn có giữ cho cơ thể luôn ấm áp nhưng nếu tiếp xúc với virus bạn vẫn sẽ mắc bệnh.

7. Để tóc ướt ra ngoài trời dễ bị cảm lạnh

Cũng như hiểu lầm trên, việc để tóc ướt ra ngoài không hề ảnh hưởng đến việc dễ mắc phải cảm lạnh hay cảm cúm. Tuy nhiên nếu bạn để tóc ướt ra ngoài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe như làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Từ đó sẽ giúp cho virus dễ xâm nhập hơn.

8. Chỉ mắc cảm lạnh một lần duy nhất trong mùa

Đây là hiểu lầm về bệnh cảm lạnh rất nguy hiểm. Theo đó, những người mang quan điểm này thường cho rằng khi đã mắc cảm lạnh một lần họ sẽ không tái phát nữa. Từ đó không còn đề cao việc phòng tránh.

Cảm lạnh rất khó để có thể mắc phải 2 lần liên tiếp. Tuy nhiên có hơn 200 loại virus có thể gây cảm lạnh nên việc mắc lại lần thứ 2 không phải điều không thể.

9. Có thể điều trị hoàn toàn cảm lạnh chỉ trong vòng 1 ngày

Nhiều người nghĩ rằng việc sử dụng nhiều loại thuốc có khả năng điều trị cảm lạnh khác nhau sẽ giúp điều trị chỉ trong vòng 1 ngày. Nhưng đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Khi mắc bệnh cơ thể cần có thời gian để dần bình phục. Bởi vậy việc sử dụng nhiều loại thuốc không giúp đẩy nhanh quá trình điều trị. Thậm chí nó còn gây ảnh hưởng tới cơ thể và sức khỏe gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.

10. Đợi các triệu chứng khỏi hoàn toàn mới quay lại sinh hoạt bình thường

Các triệu chứng đi kèm cảm lạnh như ho hay chảy nước mũi sẽ có thể kéo dài trong vòng từ 3 đến 5 tuần. Bởi vậy việc bạn đợi cho đến khi các triệu chứng này kết thúc hoàn toàn để quay lại sinh hoạt bình thường là điều không cần thiết. Bạn chỉ cần để cơ thể cảm thấy khỏe là đã có thể hoạt động như bình thường.

Chính những hiểu lầm về bệnh cảm lạnh hay những suy nghĩ lệch lạc về nó để gián tiếp làm cho quá trình điều trị bệnh bị kéo dài hay làm cho bệnh nặng hơn. Khi mắc bệnh, tuyệt đối không nên tự ý điều trị có thể khiến bệnh biến chứng nguy hiểm hơn. Các biến chứng của bệnh cảm lạnh nhất là đối với trẻ em hoặc người cao tuổi đặc biệt nguy hiểm.


Tác giả: Lê Thọ Hưng