10 nguyên nhân gây ra hiện tượng khàn tiếng, đây là nguyên nhân nguy hiểm nhất

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
10 nguyên nhân gây ra hiện tượng khàn tiếng, đây là nguyên nhân nguy hiểm nhất
Hiện tượng khàn tiếng trong nhiều trường hợp do các nguyên nhân như viêm họng, viêm amidan, viêm dây thanh quản...không quá nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên khàn tiếng cũng có thể được gây ra bởi các khối u ung thư.

Khàn tiếng đôi khi chỉ là hiện tượng cảnh báo sức khỏe đang gặp các vấn đề như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản...có thể tự điều trị tại nhà hoặc dùng thuốc mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, khàn tiếng lại là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc các bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư.

Một số bệnh ung thư gây ra hiện tượng khàn tiếng như: ung thư thanh quản, ung thư vòm họng, ung thư tuyến giáp...

Để nhận biết chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng khàn tiếng, bạn cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác, kịp thời.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra hiện tượng khàn tiếng, các hướng điều trị cũng sẽ khác nhau, do vậy bạn nhất định phải được sự hướng dẫn điều trị của các bác sĩ, không nên tùy ý chẩn đoán cũng như tự chữa bệnh.

Tình trạng khàn tiếng có thể là do một trong những nguyên nhân sau đây gây ra:

1. Viêm thanh quản

Viêm thanh quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng khàn tiếng. Nếu trước đó, bạn nói quá to, hoặc quá nhỏ  hát quá to, quá nhiều, hoặc cảm lạnh cũng gây ra hiện tượng khàn tiếng.

Viêm thanh quản không quá nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, những đối tượng dễ bị viêm thanh quản là những người thường xuyên phải nói nhiều, nói lớn, huấn luyện viên, tư vấn viên, MC, nhân viên bán hàng, ca sĩ... Viêm thanh quản khiến giọng nói bị khàn, giọng méo mó, giọng yếu, khó lên cao...

Nếu bị viêm thanh quản, bạn cần điều chỉnh lại các thói quen trong việc giao tiếp: hạn chế nói hoặc nói vừa phải, dùng mic để hỗ trợ trong trường hợp là giáo viên, huấn luyện viên cùng kết hợp điều trị bằng thuốc.

2. Viêm họng, viêm amidan

Viêm họng, viêm amidan cũng là nguyên nhân phổ biến khiến bị mất giọng, đổi giọng, gây ra hiện tượng khàn tiếng. Viêm họng, viêm amidan thường xảy ra khi thay đổi thời tiết, vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, sốt virus...

Điều trị khàn tiếng do viêm họng, viêm amidan không có gì nguy hiểm, bạn có thể áp dụng các bài thuốc dân gian để điều trị tại nhà như mật ong, chanh...

3. U nang dây thanh âm hoặc polyp dây thanh âm

U nang dây thanh âm về cơ bản là có khối u trên dây thanh âm khiến bạn bị khàn giọng khi nói. Nguyên nhân gây ra các tình trạng này thường là do lạm dụng giọng nói. Những người thường xuyên lạm dụng giọng nói có nguy cơ bị polyp dây thanh âm cao hơn những đối tượng khác.

4. Dị ứng

Tình trạng dị ứng theo mùa gây chảy nước mũi và ngứa mắt có thể khiến bạn bị khàn tiếng.

5. Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên đến dây thanh âm. Nếu bạn thường xuyên bị khàn tiếng vào buổi sáng thì nhiều khả năng bạn đã bị trào ngược dạ dày, cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt. Nếu trào ngược dạ dày ở mức độ nặng, cần đi khám bác sĩ để được điều trị đúng cách.

6. Tình trạng tuyến giáp

Suy giáp không được điều trị có thể gây khàn tiếng.

7. Hút thuốc

Không chỉ người hút thuốc mà người tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động cũng có thể bị khàn giọng.

8. Hít phải dị vật, tiếp xúc với các chất kích thích khác

Việc hít phải dị vật hay tiếp xúc với các chất kích thích có trong không khí hay các hóa chất tẩy rửa sử dụng trong gia đình cũng có thể là tác nhân gây ra tình trạng khàn tiếng.

9. Sử dụng corticosteroid dạng hít lâu dài

Bệnh nhân hen suyễn hoặc bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) sử dụng corticosteroid dạng hít lâu dài cho có thể khiến giọng nói bị khàn.

10. Ung thư

Nếu bất ngờ một ngày bạn bị khàn tiếng mà không phải do những nguyên nhân trên thì hãy nghĩ ngay đến việc mắc một số bệnh ung thư. Hiện tượng khàn tiếng lâu ngày không khỏi, không đáp ứng với các loại thuốc điều trị thì khả năng cao bạn đã bị một số bệnh ung thư như: Ung thư thanh quản, ung thư vòm họng, ung thư tuyến giáp...Ngoài ra, ung thư di căn từ vú, phổi hoặc các vùng khác của cơ thể lan đến vùng giữa phổi có thể chèn lên dây thần kinh thanh quản, gây khàn tiếng.

Tuy nhiên không phải cứ khàn tiếng lâu ngày là bị ung thư, bạn cũng không nên tự ý chẩn đoán dễ gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho mình. Cần đi khám sớm nếu như khàn tiếng không khỏi sau nhiều ngày (1-2 tuần)

Ngoài ra, nguyên nhân gây hiện tượng khàn tiếng cũng có thể do liệt dây thần kinh thanh quản: Các dây thần kinh dẫn đến thanh quản có thể bị tổn thương bởi những ca phẫu thuật như phẫu thuật tuyến giáp, phẫu thuật tim hoặc phẫu thuật vùng đầu, cổ.


Tác giả: Lê Cường