10 điều người dân cần lưu ý khi dọn dẹp nhà cửa để phòng chống COVID-19

10 điều người dân cần lưu ý khi dọn dẹp nhà cửa để phòng chống COVID-19
Hàng ngày tay bạn chạm vào biết bao nhiêu đồ vật trong nhà, WHO đã chỉ ra các đồ vật, bề mặt mà virus SARS-CoV-2 rất dễ bám vào như tay nắm cửa, khăn giấy,... vì thế mà việc dọn dẹp nhà cửa đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh COVID-19.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine (NEJM) thì chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) có thể tồn tại ở bên ngoài môi trường trong thời gian dài. Thời này phụ thuộc vào tính chất bề mặt và virus SARS-CoV-2 bám vào.

Cụ thể nghiên cứu này cho biết, virus corona mới vẫn có thể được phát hiện ra bên ngoài cơ thể người như trên mặt đồng hồ khoảng 4 tiếng; trên mặt đồ nhựa hay thép không gỉ là 2 - 3 ngày hay trên bề mặt các tờ bìa các-tông chúng được phát hiện trong 24 giờ.

Nghiên cứu này đã tiếp tục củng cố tính thuyết phục trong lời kêu gọi của rất nhiều chuyên gia y tế cộng đồng về việc hạn chế tiếp xúc xã hội, tránh chạm tay, đưa tay sờ lên mặt, che miệng khi ho hoặc hắt xì, và thường xuyên khử trùng đồ vật mà chúng ta hay chạm vào.

1. Các bề mặt trong gia đình mà virus SARS-CoV-2 hay bám vào

Theo Bộ Y tế, những món đồ vật trong gia đình mà virus SARS-CoV-2 hay bám vào là:

- Khăn giấy.

- Tay nắm cửa.

- Thiết bị điện tử.

- Máy tính xách tay và chuột.

- Nút bấm thang máy.

- Bút viết.

Bộ Y tế cũng cho biết, khi tay bạn chạm vào các đồ vật bị virus bám vào, sau đó bạn đưa tay lên mắt, mũi hay miệng thì bạn có nguy cơ bị nhiễm virus. Vì thế mà việc vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa để phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 là rất quan trọng.

2. Bộ Y tế khuyến cáo 10 điều người dân cần nhớ khi dọn dẹp nhà cửa

Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, người dân nên thực hiện các nguyên tắc vệ sinh nhà cửa, phòng ngừa dịch COVID-19 như sau:

- Hạn chế mở điều hoà, mở cửa sổ, mở cửa ra vào giúp không khí trong nhà được lưu thông tốt hơn, hạn chế sự lây lan của virus corona mới trong môi trường kín

- Thường xuyên lau chùi vệ sinh nền nhà và những nơi có nguy cơ trở thành ổ chứa của virus COVID-19 như nhà vệ sinh, bồn cầu, tay nắm cửa, thậm chí là nút bấm thang máy,... Bạn có thể sử dụng những chất tẩy rửa thông dụng có tác dụng khử khuẩn như xà phòng hay dung dịch vệ sinh chuyên dụng cho từng khu vực nếu cần

- Hãy loại bỏ các đồ dùng cũ, ẩm mốc và không còn sử dụng nữa. Đồng thời thay bàn chải đánh răng, thay khăn mặt, thay khăn tắm với thời gian định kỳ 3 tháng/1 lần

- Không dùng chung ly, cốc uống nước, cốc đánh răng súc miệng, khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng... để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19

- Các đồ dùng trong nhà nếu làm từ vải thì cần phải vệ sinh thường xuyên. Chẳng hạn như sofa hay khăn nhà bếp. Bạn có thể giặt chúng bằng nước nóng ít nhất 1 tuần một lần để có thể loại bỏ được việc vi khuẩn sinh sôi và phát triển trên các bề mặt ẩm ướt.

- Các thiết bị công nghệ trong nhà cũng là nơi có thể có virus bám vào mà chúng ta ít để ý đến chẳng hạn như chuột máy tính, bàn phím, đồng hồ, điện thoại di động,.. Các thiết bị này đều cần phải được vệ sinh sạch sẽ. Đồng thời lưu ý hạn chế cho người khác mượn các thiết bị công nghệ này vì chúng có thể trở thành vật trung gian truyền nhiễm virus nếu dùng chung.

- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân: Tất cả các thành viên trong gia đình tuyệt đối không dùng chung khăn tắm, bàn chải đánh răng.

- Ngoài việc thay khăn tắm và khăn mặt 3 tháng 1 lần thì bạn cần giặt khăn mặt và khăn tắm ít nhất 2 lần/tuần. Khăn ẩm ướt rất dễ trở thành nơi cư trú của các virus và vi khuẩn như virus cảm thường, virus SARS-CoV-2, trứng sán,...

Ngoài ra, trên Fanpage Hỏi bác sĩ nhi đồng, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM) cũng khuyến cáo thêm rằng:

- Khi dọn nhà, mọi người chỉ cần dùng xà phòng thông thường là đủ. Chỉ khi nào trong nhà có người bệnh, hoặc gần khu vực có người nhiễm virus này thì mới cần sử dụng các dung dịch tẩy rửa đặc biệt như Javel hay Cloramin B. Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần đặc biệt quan tâm đến việc vệ sinh tay nắm cửa bởi đây là vị trí rất nhiều người chạm tay vào.

- Trong phòng ốc tại cơ quan nhiều người đến mà không kiểm soát được có thể dùng đèn tia cực tím chiếu trong 60 phút trước khi làm việc và 60 phút sau khi làm việc, đèn cực tím sẽ tiêu diệt virús. Tuy nhiên, bác sĩ Khanh khuyến cáo rằng: "Khi chiếu đèn tia cực tím KHÔNG được có người trong phòng".

3. Một số sai lầm khi dọn nhà mùa COVID-19

- Lau nhà bằng cồn để phòng chống Covid-19

Chúng ta đều biết, cồn là chất diệt khuẩn vô cùng hiệu quả. Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy cồn là thành phần chính trong các loại nước rửa tay diệt khuẩn. Trên thực tế, chất này cũng có mặt ở nhiều bộ dụng cụ sơ cứu và được sử dụng phổ biến trong y tế.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), dùng cồn để lau nhà hay rượu để lau nhà đều có thể để lại những tác dụng phụ đi kèm, nhất là với những người bị say rượu thì rất không tốt cho sức khỏe. Khi cồn bốc lên nhanh, người trong nhà dễ bị say.

"Điều này thực sự không nên. Thay vào đó, bạn nên dùng những dung dịch diệt khuẩn mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày. Virus, vi khuẩn hay thậm chí là nCoV có bám trên sàn đều có thể bị tiêu diệt bằng những loại dung dịch được sản xuất riêng biệt để lau nhà", chuyên gia nói.

"Việc dùng cồn hay dùng rượu để lau sàn nhà nhằm chống lại Covid-19 thực sự không cần thiết, thậm chí gây phản tác dụng cho người hít thở phải về lâu dài. Chúng ta chỉ cần lau nhà bình thường với dung dịch lau nhà được khuyến cáo. Đừng làm nghiêm trọng hóa vấn đề bởi chúng ta đều biết rửa tay bằng xà phòng và nước sạch cũng tiêu diệt được virus, vi khuẩn, nCoV cũng không loại trừ",ông Côn cho biết thêm.

-  Giặt quần áo của người đang có dấu hiệu nghi nhiễm chung với người khoẻ

Trước vấn đề này, TS. BS. Nguyễn Thu Anh (Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, trường Đại học Sydney) khẳng định: "Quần áo của người bệnh/nghi nhiễm cần phải được giặt riêng, sử dụng xà phòng và nước nóng (60-90 độ C). Ngoài ra, mọi người cần tránh tiếp xúc trực tiếp với quần áo người bệnh."

- Mở nắp bồn cầu khi giật nước

Trong một nghiên cứu của Tiến sĩ Perpetua Emeagi, giảng viên Khoa sinh học tại Đại học Liverpool Hope, Tiến sĩ chia sẻ với tờ Metro rằng, một trong các rủi ro có thể gây ô nhiễm nhất là việc xả nước bồn cầu mà không đóng nắp lại. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Khi đó các hạt nước nhỏ li ti phát tán trong không khí cũng có thể trở thành nguồn lây lan Covid-19. Hay nói cách khác khi bạn xả nước trong nhà vệ sinh, bạn giải phóng các hạt aerosol, có thể là virus hoặc vi khuẩn.

Cập nhật nhanh những thông tin hữu ích của WHO và Bộ Y tế trong phòng ngừa SARS-CoV-2 TẠI ĐÂY.

10 điều người dân cần lưu ý khi dọn dẹp nhà cửa để phòng chống COVID-19 - Ảnh 4.


 

Tác giả: Kim Phụng