Dưới đây là 10 điều bác sĩ khuyến cáo mọi người cần biết để nhận diện và điều trị sốt xuất huyết đúng cách, kịp thời.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra (có nhiều loại virus gây ra bệnh sốt xuất huyết). Triệu chứng đặc trưng của bệnh là sốt và xuất huyết nên người ta gọi tên bệnh là sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết hay còn được gọi là sốt Dengue hoặc sốt xuất huyết Dengue vì do virus Dengue gây ra. Ngoài virus Dengue còn có một số loại virus khác gây sốt xuất huyết như Ebola, Lassa, Marburg… Tuy nhiên, các loại virus này lại hiếm khi gặp ở Việt Nam.
Câu trả lời là có: Bệnh nhân có thể mắc sốt xuất huyết Dengue lại. Bởi vì, có 4 chủng virus gây ra bệnh sốt xuất huyết Dengue. Các chủng này có liên quan đến nhau nhưng không giống nhau.
Do đó, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết một lần do chủng virus Dengue type A thì có thể bị lần khác, nhưng do chủng B, C hoặc D gây ra. Bị bệnh lần sau thường nặng hơn lần trước do đáp ứng miễn dịch của cơ thể mạnh hơn.
Nguyên nhân gây sốt xuất huyết Dengue là do muỗi mang mầm bệnh đốt. Loại muỗi có khả năng mang mầm bệnh là muỗi vằn (tên khoa học: Aedes Aegypti). Muỗi vằn đốt người bị bệnh rồi sau đó đốt người khác thì người đó sẽ nhiễm bệnh. Nếu không bị muỗi đốt thì không bị bệnh.
Sốt xuất huyết Dengue thường có thời gian ủ bệnh trong khoảng 4 – 7 ngày. Có nghĩa là nếu hôm nay bạn có triệu chứng sốt cao và được chẩn đoán là Sốt xuất huyết Dengue thì bạn đã bị muỗi mang mầm bệnh đốt từ khoảng một tuần trước.
Thông thường bệnh Sốt xuất huyết Dengue sẽ khỏi sau 7 ngày. Cái Dở của bệnh Sốt xuất huyết Dengue hay bệnh Tay chân miệng (TCM) là không có thuốc điều trị nguyên nhân (tức là không có thuốc tiêu diệt virus Dengue hay virus gây bệnh TCM). Nhưng cái hay của hai bệnh này là diễn biến theo ngày. Hầu hết các trường hợp đều diễn biến trong khoảng 7 ngày.
Bệnh sốt xuất huyết diễn biến theo ngày, cụ thể qua các giai đoạn như sau:
- Sốt cao ngay từ ngày đầu tiên, sốt cao liên tục 39 – 40oC, khó hạ sốt.
- Trong 3 ngày đầu bệnh nhân thường có biểu hiện sốt cao liên tục nhưng đây chưa phải là những ngày nguy hiểm.
- Ngày nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue thường là ngày thứ 4, 5, 6 tính từ lúc bắt đầu sốt. Có những trường hợp nặng ở ngày thứ 2, ngày thứ 3. Tình trạng nặng xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng.
Giai đoạn này có thể thoát dịch ồ ạt từ trong lòng mạch máu của cơ thể ra các cơ quan gây nên sốc giảm thể tích. Hoặc xuất hiện những biến chứng nặng là xuất huyết nội tạng, rối loạn đông máu… Vì vậy, tất cả các trường hợp đã được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, đến ngày thứ 4 nếu hết sốt vẫn phải rất cẩn thận.
- Đến cuối ngày thứ 6, sang ngày thứ 7 tính từ lúc bắt đầu sốt là giai đoạn hấp thu dịch lại mạch máu. Thế nên giai đoạn này hạn chế bù dịch.
Chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue dựa vào triệu chứng và xét nghiệm. 2 loại xét nghiệm thường được sử dụng là test kháng nguyên (NS1) và test kháng thể (IgM/IgG).
Việc lựa chọn loại xét nghiệm phụ thuộc vào số ngày sốt của bệnh nhân. Ví dụ xét nghiệm khi sốt 2 ngày, dùng test kháng nguyên (NS1), còn xét nghiệm khi sốt 5 ngày thì dùng test kháng thể (IgM/IgG). Khi sốt ngày đầu tiên, xét nghiệm chẩn đoán thể hiện chưa rõ ràng.
Hiện tại, không có thuốc điều trị nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết, chỉ có thuốc điều trị triệu chứng và biến chứng. Xuất hiện triệu chứng, biến chứng nào thì điều trị triệu chứng và biến chứng đó. Chủ yếu và cơ bản là bù đủ dịch. Các biến chứng của sốt xuất huyết Dengue nhiều trường hợp rất nặng. Nên dùng thuốc Pracetamol để hạ sốt, không nên dùng Ibuprofen.
Không phải trường hợp sốt xuất huyết Dengue nào cũng cần nhập viện. Các trường hợp sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo trở lên thì cần nhập viện, bao gồm:
- Vật vã, lừ đừ, li bì.
- Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan (dưới vùng sườn bên phải)
- Gan to
- Nôn nhiều lần
- Xuất huyết niêm mạc
- Tiểu ít
Nhìn chung, sốt xuất huyết nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh nhân cần thực hiện việc khám lại hằng ngày để bác sĩ kiểm soát tình trạng bệnh. Trong trường hợp sốt xuất huyết đột ngột trở nặng, cần ngay lập tức nhập viện điều trị tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng.
Nguồn tham khảo: Blog BS. Phí Văn Công
Khoa Hồi Sức Cấp Cứu Nhi – Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội.