10 dấu hiệu báo động cơ thể đang gặp phải tình trạng hạ đường huyết

10 dấu hiệu báo động cơ thể đang gặp phải tình trạng hạ đường huyết
Thiếu hụt đường là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hạ đường huyết. Việc thiếu hụt đường có thể được nhận biết bằng những dấu hiệu cụ thể trên cơ thể.

Cơ thể thiếu hụt đường có thể gây ra hiện tượng hạ đường huyết. Hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ đường trong máu quá thấp, cụ thể là dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl).

Hạ đường huyết sẽ gây ra các rối loạn bên trong do cơ thể bị thiếu hụt glucose cho các hoạt động. Hạ đường huyết do cơ thể không đáp ứng được lượng đường cần thiết được biểu hiện như sau:

1. Thường xuyên cảm thấy đói hoặc khát

Việc hạ đường huyết có thể khiến bạn cảm thấy đói hoặc khát đột ngột. Đây là dấu hiệu của việc cơ thể cần được bổ sung nhiều glucose hơn. Để cải thiện tình trạng này, bạn cần bổ sung một lượng đường hợp lý cho mỗi bữa ăn. 

Theo khuyến nghị, bạn nên sử dụng từ 15 đến 20 gram đường hoặc carbohydrate cho mỗi bữa ăn nhẹ. Đồng thời, lượng đường và carbohydrate cần thiết trong mỗi bữa ăn chính là từ 40 gram đến 60 gram. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thực phẩm thay thế như nước ép trái cây, kẹo… 

2. Thường xuyên có cảm giác lo lắng

Khi nồng độ glucose xuống quá thấp, cơ thể sẽ giải phóng hormone epinephrine (còn gọi là adrenaline) và báo hiệu gan tạo ra nhiều đường hơn. Các epinephrine dư thừa này chính ra tác nhân gây ra cảm xúc tiêu cực và cảm giác lo lắng.

3. Rối loạn giấc ngủ

Tình trạng hạ đường huyết về đêm có thể khiến giấc ngủ của bạn bị rối loạn. Các triệu chứng thường bao gồm: đổ mồ hôi đêm, tỉnh giấc đột ngột, ác mộng… Theo khuyến nghị, một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ sẽ làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.

4. Tình trạng run rẩy

Thiếu hụt đường sẽ khiến hệ thống thần kinh trung ương ảnh hưởng do nồng độ glucose mất cân bằng. Điều này khiến cho hệ thần kinh giải phóng catecholamine, là hóa chất khuyến khích sản xuất glucose. Tuy nhiên, việc giải phóng catecholamine cũng đồng thời tạo ra tình trạng run rẩy tại một số bộ phận.  

5. Cảm xúc bất ổn

Tâm trạng thất thường là một trong những dấu hiệu của việc thiếu hụt đường và hạ đường huyết. Bạn có thể nhận thấy bản thân có các trạng thái mất tự chủ như khóc, tức giận, khao khát… Ngoài ra, bạn cũng có những thay đổi tâm lý nhẹ hơn như khó chịu hay dễ bị khó chịu. Đây đều là những tín hiệu cho thấy lượng đường trong máu đang bị suy giảm hoặc thiếu hụt.

6. Thường xuyên đổ mồ hôi

Triệu chứng này được kiểm soát bởi hệ thống thần kinh tự trị - một phần của hệ thống thần kinh trung ương. Biểu hiện thường gặp là đổ mồ hôi quá mức bất kể nhiệt độ bên ngoài là nóng hay lạnh.

7. Thường xuyên cảm thấy chóng mặt

Chóng mặt hay thậm chí là ngất xỉu là triệu chứng thường gặp do bị thiếu đường. Đây cũng là dấu hiệu đầu tiên và nguy hiểm nhất của căn bệnh hạ đường huyết. Do đó, khi cảm thấy chóng mặt, bạn nên ngồi hoặc nằm nghỉ ngay và tránh các vận động mạnh. 

8. Mất tập trung

Não bộ thường rất nhạy cảm với sự sụt giảm của glucose. Do đó, khi bị thiếu đường bạn sẽ rất khó để tập trung một việc tại một thời điểm.

9. Suy giảm thị lực

Nồng độ đường trong máu quá thấp có thể khiến cho thị lực của bạn bị ảnh hưởng. Cụ thể, bạn sẽ có các biểu hiện như không nhìn rõ, mờ hoặc hoa măt.

10. Nói chậm, nói lắp hoặc khó nói

Tình trạng thiếu hụt đường còn gây ảnh hưởng đến chức năng nói khi khiến bạn nói chậm hoặc khó nói hơn. Tuy nhiên, nhiều người lại chủ quan mà không biết nó chính là biểu hiện khi cơ thể thiếu đường.

Thiếu hụt đường trong cơ thể hay cụ thể hơn là hạ đường huyết là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể không thể hoạt động bình thường. Do đó, hãy chú ý đến những biểu hiện bất thường nói trên để có thể kiểm soát tình trạng này kịp thời bạn nhé!


Tác giả: Thùy Dung