1 năm nên làm điều này ít nhất 1 lần để phòng tránh bệnh nguy hiểm

1 năm nên làm điều này ít nhất 1 lần để phòng tránh bệnh nguy hiểm
Rất nhiều căn bệnh không có biểu hiện cụ thể mà diễn ra âm thầm bên trong cơ thể người. Đến khi phát hiện có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh. Do vậy việc thực hiện nghiêm ngặt và tạo cho mình thói quen thăm khám định kỳ ít nhất 1 lần/1 năm giúp bạn tầm soát một số yếu tố rủi ro.

Thực tế, nhiều người trong chúng ta chỉ đi khám khi có những dấu hiệu bệnh mà chưa tạo thành thói quen khám định kỳ. Khám sức khỏe định kỳ là phương pháp tốt nhất giúp phòng tránh, phát hiện bệnh ngay từ sớm. 

Bên cạnh việc thực hành lối sống khoa học như ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện điều độ. Việc bảo vệ sức khỏe còn gắn chặt chẽ với thói quen thăm khám định kỳ. Nhờ các thiết bị công nghệ cao và các bác sĩ có chuyên môn, bạn sẽ được tư vấn và phát hiện sớm, điều trị sớm nếu có bệnh. 

1. Những lợi ích của khám sức khỏe định kỳ

Ngoài các thông tin trên sách báo, chúng ta rất ít có điều kiện tiếp xúc với các bác sĩ để biết được những yếu tố nguy cơ có thể gặp trong lứa tuổi của mình. 

Để đạt được hiệu quả cho mỗi lần khám, bạn cần chuẩn bị những thông tin để khai báo cho bác sĩ như: tiền sử bệnh của bản thân; lịch sử bệnh của gia đình; những thuốc chữa bệnh thường dùng hoặc để bổ sung vitamin, chất khoáng, những phản ứng với thuốc; đã tiêm chủng những bệnh gì; những vấn đề lo lắng, băn khoăn cần được bác sĩ giải đáp.

Việc trao đổi hàng năm với bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn nắm được những phương pháp bảo vệ sức khỏe toàn diện, lường trước những nguy cơ về bệnh lý. Tất nhiên, ngoài việc thăm khám định kỳ, bạn cũng cần đến bệnh viện ngay khi có những triệu chứng khó chịu. 

Hiện nay, nhiều người chưa ý thức được việc thăm khám định kỳ, dẫn đến tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn là rất cao, nhất là với bệnh ung thư. 

Phòng bệnh và điều trị sớm là trọng tâm của việc khám định kỳ. Dựa trên độ tuổi, tiền sử gia đình mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thực hiện những xét nghiệm kiểm tra nào. 

Ví dụ: phụ nữ có mẹ, hoặc chị gái mắc bệnh ung thư vú cần tầm soát tối thiếu 6 tháng/1 lần, hoặc với nữ giới chưa có con sẽ chỉ định kiểm tra chức năng sinh sản. 

Không phải mỗi lần khám định kỳ đều diễn ra phức tạp. Ví dụ: Khi người phụ nữ còn trẻ, khám định kỳ nhiều khi chỉ là khám tiểu khung để phát hiện các bệnh phụ khoa thông thường, đo huyết áp, nhận những lời khuyên về lối sống và sức khỏe tình dục. Đến khi nhiều tuổi hơn mới cần những thăm dò như chụp vú, soi trực tràng, đo nồng độ mỡ máu...

2. Các bước khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ (khám tổng quát) không phức tạp như nhiều người nghĩ. Nếu nghĩ đơn giản 1 năm bỏ ra vài tiếng để kiểm tra sức khỏe - con số quá ít để bạn có cảm giác tiếc nuối thời gian. 

Khám tổng quát bao gồm các bước khám thể trạng, khám lâm sàng tổng quát, xét nghiệm máu, nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng. 

Dựa trên kết quả khám và trao đổi triệu chứng lâm sàng cũng như phân tích yếu tố nguy cơ của bạn mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các hướng khám bệnh cụ thể. 

+ Khám thể trạng: chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra mình đang ở nhóm thừa cân béo phì hay thấp còi, huyết áp thấp hay huyết áp cao... từ đó thay đổi lối sống để cải thiện các chỉ số

+ Khám lâm sàng tổng quát: bác sĩ thăm khám trực tiếp hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thận-tiết niệu, nội tiết, cơ-xương-khớp, hệ thần kinh, tâm thần, mắt, tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt, da liễu.

+ Nếu nghi ngờ có bệnh, bác sĩ Nội khoa tổng quát sẽ yêu cầu người đi khám đăng ký khám thêm các chuyên khoa: ung bướu, phụ khoa, nam khoa, lão khoa, tâm thần…

+ Xét nghiệm máu, nước tiểu: như công thức máu (đếm tế bào máu), tổng phân tích nước tiểu, đường máu, mỡ máu (Cholesterol, Triglycerid, LDL, HDL), chức năng thận (urea, creatinin), men gan (SGOT, SGPT), viêm gan B, C, acid Uric máu, chức năng tuyến giáp, một số chất chỉ thị nghi ung thư nếu có chỉ định hay yêu cầu.

+ Chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang ngực; siêu âm ổ bụng và/hoặc tuyến giáp...

+ Nội soi dạ dày, đại tràng, siêu âm vú... khi có chỉ định như gia đình có nhiều người: bị ung thư dạ dày, bị đa pô-líp đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng, bị ung thư vú...

+ Thăm dò chức năng: Điện tâm đồ...

Ở Việt Nam, tỷ lệ phát hiện các bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn muộn rất cao. Điều này vô tình làm mất đi thời cơ chữa bệnh ở giai đoạn vàng (giai đoạn đầu). Ngoài ra, nếu so sánh chi phí, việc khám tổng quát có chi phí thấp hơn nhiều so với việc điều trị bệnh ở giai đoạn muộn. 

Những người cần khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/ 1 lần:

- Nhóm nguy cơ cao hoặc chuẩn bị qua tăng huyết áp thật sự, người bị tiểu đường mà chưa dùng thuốc

- Nhóm có nguy cơ ung thư cao hơn bình thường: người có gen di truyền

- Nhiễm viêm gan siêu vi B, C.

- Nhóm người có nguy cơ bệnh nghề nghiệp cao: công nhân mỏ than, xưởng dệt may, hóa dầu, thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.

- Nhóm người có nghề nghiệp áp lực và trách nhiệm cao: phi công, tài xế xe khách đường dài, tài xế xe tải nặng, thường xuyên bị stress, thức khuya, làm việc đêm...

Tác giả: Minh Ngọc