Thuốc trị hen suyễn: phân loại thuốc và các lưu ý

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Thuốc trị hen suyễn: phân loại thuốc và các lưu ý
Thuốc trị hen suyễn được chia thành 2 nhóm là thuốc điều trị có tác dụng lâu dài và thuốc có tác dụng nhanh với mục đích điều trị triệu chứng hen suyễn và phòng ngừa hen suyễn tái phát

Hen suyễn là bệnh lý mãn tính đường hô hấp, cho đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy phương pháp nào để có thể chữa trị dứt điểm căn bệnh này. Việc điều trị vẫn chủ yếu là điều trị triệu chứng, ngăn bệnh tiến triển và tái phát và thuốc trị hen suyễn là phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay.

1. Phân loại thuốc trị hen suyễn

Như đã nói, thuốc trị hen suyễn là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân hen suyễn hiện nay. Tùy thuộc vào mục đích điều trị mà người ta thường xếp các loại thuốc điều trị hen suyễn vào hai nhóm chính là các thuốc chống tái phát hen và các thuốc giảm triệu chứng hen.

- Thuốc chống tái phát hen: Nhóm thuốc này có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng viêm phế quản diễn ra, giúp dự phòng sự xuất hiện của cơn hen. 

Những loại thuốc chống tái phát hen giúp phế quản ít bị viêm hơn và ít bị kích thích bởi tác nhân gây hen hơn. Những loại thuốc chống tái phát hen nên được sử dụng hằng ngày, đều đặn để đạt hiệu quả mong muốn.

- Thuốc giảm triệu chứng: Là các thuốc trị hen suyễn có tác dụng giảm nhanh sự khó thở trên bệnh nhân khi hen xảy ra. Nhóm thuốc này thường là các thuốc có tác dụng làm giãn phế quản, giảm co thắt phế quản ở người bệnh từ đó giải quyết tình trạng cản trở thông khí, giảm đi triệu chứng của hen.

2. Các loại thuốc trị hen suyễn cụ thể

2.1. Thuốc điều trị hen suyễn tác dụng kéo dài

- Corticoid: Là loại thuốc thường được sử dụng để làm thuốc trị hen suyễn với mục đích chống tái phát cho người bệnh. Corticoid có tác dụng ức chế giải phóng các chất gây viêm, ức chế miễn dịch, giảm số lượng dưỡng bào. Vì vậy, nó có khả năng giảm số lần tái phát cơn hen.

Corticoid có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với một số thuốc khác như:

- Thuốc cường adrenergic tác dụng kéo dài: Là thuốc trị hen suyễn có tác dụng làm giãn cơ trơn thành phế quản, khơi thông đường hô hấp.

- Thuốc hủy phó giao cảm tác dụng kéo dài: Thuốc trị hen suyễn nhóm hủy phó giao cảm cảm có tác dụng làm giãn phế quản, thông thoáng đường dẫn khí. Tuy nhiên tác dụng giản phế quản của thuốc hủy phó giao cảm tác dụng kéo dài thường ít hơn so với thuốc cường hệ adrenergic. Tiotropium bromid là đại diện thường được sử dụng của nhóm này.

- Thuốc kháng thụ thể Leukotrien: Có tác dụng ngăn chặn các trung gian hóa chất gây viêm.

- Theophyllin: Là thuốc trị hen suyễn được sử dụng bổ sung trong các trường hợp đáp ứng kém với các thuốc khác.

- Một số thuốc điều hòa miễn dịch: Một số thuốc có thể được sử dụng để điều hòa hệ miễn dịch của người bệnh, có mục tiêu tác động là bạch cầu ái toan hay các kháng thể trong cơ thể bệnh nhân để làm giảm sự đáp ứng viêm của phế quản. Những loại thuốc này thường được dùng dưới dạng tiêm và gồm các đại diện như Reslizumab, Mepolizumab, Omalizumab,...

2.2. Thuốc trị hen suyễn tác dụng nhanh

Những thuốc trị hen suyễn tác dụng nhanh thường sử dụng cho các bệnh nhân bị cơn hen cấp để làm giảm các triệu chứng của hen như ho, khó thở, tức ngực, khò khè,...

- Thuốc cường adrenergic tác dụng nhanh: Là thuốc trị hen suyễn có cùng cơ chế với thuốc cường adrenergic tác dụng kéo dài những với tác dụng giãn phế quản nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.

- Thuốc hủy phó giao cảm tác dụng nhanh: Có thể được sử dụng phối hợp với thuốc trị hen suyễn nhóm cường adrenergic để tăng cường hiệu quả giãn phế quản, nhưng cũng có thể được sử dụng đơn độc để giãn phế quản.

- Corticoid: Điều trị tình trạng viêm đang xảy ra trên bệnh nhân hen suyễn.

Có thể thấy rằng, có rất nhiều nhóm thuốc trị hen suyễn khác nhau với cơ chế tác dụng và hiệu quả riêng biệt. Vì vậy, việc sử dụng các thuốc trị hen phế quản cần được diễn ra dưới sự chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả điều trị của thuốc.

**Lưu ý người bệnh không được tự ý mua thuốc mà không có đơn của bác sĩ.

Nguồn dịch: https://www.webmd.com/asthma/asthma-medications#1


Tác giả: QN