Ngứa hậu môn là gì? Căn bệnh khó nói và 9 điều cần biết

Ngứa hậu môn là gì? Căn bệnh khó nói và 9 điều cần biết
Ngứa hậu môn là tình trạng rất phổ biến. Nó gây khó chịu nghiêm trọng và khiến người bệnh bối rối vì khó kiềm chế cảm giác muốn gãi vùng nhạy cảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngứa hậu môn. Và tin vui là nó có thể được điều trị thành công.

1. Ngứa hậu môn là gì?

Hậu môn là lỗ mở ở cuối ruột hoặc hệ thống tiêu hóa, cho phép chúng ta trục xuất chất thải rắn ra khỏi cơ thể. Ngứa hậu môn là thuật ngữ chung dùng để chỉ các tình trạng:

- Ngứa hậu môn.

- Ngứa quanh hậu môn.

- Ngứa trực tràng.

- Ngứa mông.

Ngứa hậu môn là một triệu chứng, bản thân nó không phải là bệnh. Nó đem lại cảm giác khó chịu, thôi thúc mọi người gãi để giảm cảm giác ngứa. Đây là tình trạng rất phổ biến, nhưng đa số mọi người không đi gặp bác sĩ vì e ngại, xấu hổ.

Ngứa hậu môn có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, nhưng thường phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới. Và nó cũng xảy ra ở người lớn thường xuyên hơn so với người già và trẻ em.

2. Dấu hiệu

Người bệnh luôn có cảm giảm khó chịu, buồn bực, như có con gì đó bò ở hậu môn, kéo theo cảm giác muốn gãi. Ngứa hậu môn thường kèm theo các dấu hiệu khác như:

- Trầy xước vùng hậu môn.

- Viêm nhiễm, sưng đỏ hậu môn.

- Khi đi tiểu tiện có thể xảy ra cảm giác châm chích, xót và rát vùng hậu môn bị trầy xước.

- Nếu các vết trầy xước lớn, có thể gây chảy máu, đặc biệt là khi đi đại tiện.

- Tăng tiết dịch nhầy hậu môn.

3. Nguyên nhân gây ra hiện tượng ngứa hậu môn là gì?

3.1. Nguyên nhân sinh lý

- Vệ sinh hậu môn không sạch sẽ, phân còn lưu lại ở hậu môn sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng tích tụ lại sau đó gây viêm nhiễm, ngứa ngáy.

- Vệ sinh quá sạch sẽ, vệ sinh nhiều lần, dùng khăn và giấy lau mạnh sẽ khiến hậu môn bị trầy xước. Hậu môn lại là nơi ẩm ướt, có chứa nhiều vi khuẩn, nên khi bị trầy xước rất dễ phát triển thành viêm nhiễm, gây ngứa.

Ảnh 2.

Vệ sinh quá sạch sẽ có thể là nguyên nhân gây ngứa hậu môn (Ảnh: Internet)

- Mặc đồ lót quá chật, ngồi quá nhiều khiến vùng hậu môn bị ma sát và kích thích liên tục cũng có thể gây nên cảm giác ngứa ngáy khó chịu.

- Sử dụng các loại sữa tắm, xà phòng có chứa nhiều hóa chất có thể làm kích ứng vùng hậu môn dẫn đến ngứa ngáy.

- Thường xuyên ăn các thực phẩm cay nóng, có chứa chất kích thích cũng là nguyên nhân gây ngứa hậu môn.

3.2. Nguyên nhân bệnh lý

Tiêu chảy: Nếu người bệnh bị tiêu chảy, đi đại tiện không tự chủ thì vi khuẩn có nhiều cơ hội tiếp xúc với hậu môn hơn. Mặt khác, phân lỏng sẽ dễ bám vào quanh hậu môn, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

- Táo bón: Nếu bị táo bón dài ngày, ống hậu môn sẽ bị căng giãn và nứt do chịu sự tác động của các khối phân lớn và cứng. Các vết nứt hậu môn là tiền đề cho việc phát triển viêm nhiễm.

- Nhiễm trùng hậu môn: Nấm candida, vi khuẩn tụ cầu vàng, virus HPV,... có thể gây ngứa và nhiễm trùng da ở vùng hậu môn.

- Nhiễm giun: Giun kim là nguyên nhân khá phổ biến gây ngứa hậu môn. Vào ban đêm, giun kim thường chui ra ngoài hậu môn để đẻ trứng, khiến cho người bệnh bị buồn bực, ngứa ngáy, ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Bệnh trĩ: Các búi trĩ có thể kích thích trực tiếp cảm giác ngứa hậu môn. Ngoài ra, búi trĩ cũng làm hậu môn ẩm ướt và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào, gây ngứa ngáy, viêm nhiễm.

Ảnh 3.

Các búi trĩ có thể kích thích trực tiếp cảm giác ngứa hậu môn (Ảnh: Internet)

- Rò hậu môn: Căn bệnh này khiến hậu môn luôn luôn bị ẩm ướt, là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn trú ngụ và phát triển.

- Bệnh viêm ruột: Gây tiêu chảy và kích thích hậu môn thường xuyên.

- Bệnh da liễu: Các bệnh ngoài da như vảy nến, chàm, ghẻ, viêm da,... nếu hình thành ở vùng hậu môn thì cũng là nguyên nhân gây ngứa hậu môn.

4. Điều trị

4.1. Chẩn đoán nguyên nhân

Như đã biết, ngứa hậu môn không phải là bệnh mà là một triệu chứng. Do đó, để khắc phục được tình trạng ngứa thì bác sĩ cần chẩn đoán tìm nguyên nhân gây ngứa để điều trị hiệu quả và triệt để. 

- Thăm hỏi: Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi về thời gian và mức độ ngứa, chế độ ăn uống, thực hành vệ sinh, sản phẩm tắm rửa vùng hậu môn, tiền sử bệnh tật,....

- Kiểm tra trực quan: Bác sĩ sẽ quan sát để tìm các dấu hiệu như trầy xước, nứt da, viêm hoặc chảy máu quanh vùng hậu môn. Kiểm tra trực quan cũng có thể tiết lộ bệnh trĩ, vết nứt hậu môn hoặc bệnh chàm, hoặc các căn bệnh liên quan khác.

- Kiểm tra nội bộ: Bác sĩ sẽ đưa ngón tay đã có đeo găng và bôi trơn qua hậu môn vào trực tràng. Nó giúp chẩn đoán bệnh trĩ hoặc táo bón cũng như loại trừ các trường hợp nghi ngờ ung thư trực tràng, dù rất hiếm.

Ảnh 4.

Thăm dò trực tràng kiểm tra nguyên nhân gây ngứa hậu môn (Ảnh: Internet)

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thít chặt phần hậu môn như một bài kiểm tra cơ thắt. Hoặc yêu cầu bạn rặn, như một cách tìm kiếm bệnh trĩ nội nếu nó được đẩy ra bên ngoài.

Nếu bác sĩ nghi ngờ ngứa hậu môn do các tình trạng khác, thì có thể chỉ định một số xét nghiệm như: Xét nghiệm nhiễm trùng, sinh thiết nếu thấy vùng da bất thường, nuôi cấy phân nếu có tiêu chảy, xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu viêm và các bệnh lý bên trong cơ thể,.....

4.2. Điều trị tại nhà

- Giữ cho vùng hậu môn sạch sẽ và khô ráo, đặc biệt là sau khi đại tiện.

- Không gãi ngứa.

- Tránh dùng xà phòng và mỹ phẩm cho vùng hậu môn. Chỉ nên sử dụng nước ấm hoặc nước mát để làm sạch.

- Sử dụng khăn ướt thay vì khăn giấy. Lau khô nhẹ nhàng, không chà xát.

- Mặc quần áo rộng, thoáng khí, thấm hút mồ hôi.

4.3. Điều trị y tế

Sau khi xác định được nguyên nhân gây ngứa hậu môn, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị bệnh nguyên nhân. Với mỗi bệnh nguyên nhân khác nhau, sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, nếu triệu chứng ngứa dữ dội, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc như:

- Thuốc kháng histamine: Nếu ngứa do dị ứng, ngứa dữ dội và ban đêm.

- Thuốc mỡ: Giúp làm dịu và nhanh hồi phục da.

- Corticosteroid: Thường là bước điều trị ban đầu hiệu quả. Đặc biệt thích hợp cho những trường hợp bị viêm da quanh hậu môn.

- Thuốc tê tại chỗ: Giúp giảm đau và ngứa tạm thời. Chúng bao gồm benzocaine, rượu benzyl, lidocaine và pramoxine.

- Thuốc co mạch: Giúp co thắt mạch máu để giảm sưng. Chúng cũng hoạt động như thuốc gây mê nhẹ. Chúng bao gồm ephedrine sulfate và epinephrine.

- Chất làm se: Những hóa chất này thúc đẩy sự tổng hợp protein trong các tế bào, làm khô da và giúp giảm ngứa, rát và đau.

- Chất bảo vệ: Những chất tạo thành một rào cản vật lý bảo vệ da. Chúng bao gồm gel nhôm hydroxit, bơ ca cao và glycerin.

- Keratolytics: Làm cho các lớp mô bên ngoài tan rã, cho phép các loại thuốc mỡ y tế thâm nhập vào các lớp da sâu hơn, tăng cao hiệu quả điều trị

5. Biến chứng của ngứa hậu môn là gì?

- Ngứa vào ban đêm có thể khiến người bệnh mất ngủ, khó chịu. Tình trạng này kéo dài sẽ làm suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí có thể gây ra trầm cảm.

- Nếu ngứa da không được điều trị sớm, gãi nhiều sẽ gây viêm nhiễm, chảy mủ. Nặng hơn có thể dẫn đến hoại  tử hậu môn.

- Viêm nhiễm hậu môn có thể lây lan khiến bệnh nhân bị viêm nhiễm phụ khoa, viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của người bệnh.

- Nếu ngứa hậu môn do các bệnh lý khác như trĩ, rò hậu môn,... thì biến chứng có thể rất nguy hiểm. Ví dụ như ung thư hậu môn, ung thư trực tràng.

6. Phòng tránh

- Luôn giữ vùng hậu môn sạch sẽ và khô ráo.

- Không lau chùi hậu môn quá mạnh và quá nhiều lần. Nên sử dụng giấy vệ sinh chất lượng. Có thể thay thế bằng khăn ướt.

- Không mặc quần quá chật, Chọn chất vải thoáng mát, mềm mại và thấm hút mồ hôi.

- Có chế độ ăn uống khoa học.

- Tập thể dục thường xuyên có thể giúp thúc đẩy tiêu hóa đều đặn để ngăn ngừa tiêu chảy và bệnh trĩ.

- Kiểm soát tốt và điều trị các căn bệnh có liên quan như bệnh về tiêu hóa, bệnh trĩ, bệnh nứt và rò hậu môn,...

- Khi thấy hậu môn có dấu hiệu bất thường, nên đi thăm khám sớm, tránh để tình trạng ngứa hậu môn diễn ra trầm trọng.

7. Bị ngứa hậu môn nên ăn uống như thế nào?

7.1. Nên ăn gì?

- Uống đủ nước.

- Ăn thức ăn thanh đạm, ít dầu mỡ và gia vị để tránh kích thích hậu môn.

- Tăng cường rau xanh, bổ sung chất xơ để việc đi đại tiện dễ dàng và đều đặn hơn.

Ảnh 5.

Bổ sung chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa (Ảnh: Internet)

- Ưu tiên các loại thực phẩm nhuận tràng, tốt cho hệ tiêu hóa như sữa chua, nha đạm, hạt lanh, hạt chia,...

7.2. Kiêng ăn gì?

- Nên kiêng uống các loại nước có chứa chất kích thích như cà phê, bia rượu, nước tăng lực,... Bởi chúng có khả năng làm lỏng cơ hậu môn, khiến cho phân bị rò rỉ ra ngoài và gây ngứa.

- Một số thực phẩm có thể kích thích hậu môn, làm cho tình trạng ngứa trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ như cà chua, thức ăn cay, trái cây có múi, Sô cô la, sữa,... 

- Hạn chế đồ chiên rán, thức ăn nhanh, đồ ăn sẵn, thức ăn có nhiều gia vị.

- Tránh ăn thức ăn vỉa hè, thực phẩm không rõ nguồn gốc, có thể khiến bệnh nhân tiêu chảy, làm trầm trọng hơn tình trạng ngứa hậu môn.

8. Các câu hỏi thường gặp

8.1. Ngứa hậu môn có nguy hiểm không?

Ngứa hậu môn là tình trạng thường gặp, hầu như ai cũng bị vài lần trong đời. Tuy nhiên, ngứa hậu môn có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ngứa hậu môn là gì.

Nếu ngứa do vấn đề vệ sinh, thực phẩm, do ký sinh trùng,... thì vấn đề có thể dễ dàng được cải thiện. Nhưng nếu ngứa hậu môn do các bệnh lý như trĩ, sa trực tràng, rò hậu môn,... thì cần điều trị sớm để tránh biến chứng nhiễm trùng và hoại tử.

8.2. Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

- Ngứa dữ dội, nghiêm trọng.

- Ngứa kéo dài, không được cải thiện sau khi đã chăm sóc và điều trị tại nhà.

- Bị chảy máu hậu môn.

- Vùng hậu môn có dấu hiệu bị nhiễm trùng như đau rát, sưng đỏ, chảy mủ,....

- Rò rỉ phân, không kiểm soát được việc đại tiện.

- Ngứa hậu môn tái đi tái lại mà bạn không tìm được nguyên nhân.

8.3. Tôi nên đi khám ở đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây ngứa hậu môn, khiến bạn băn khoăn không biết nên đi khám ở đâu. Hãy tìm đến các bác sĩ nội khoa, đặc biệt là khoa tiêu hóa. Họ sẽ thăm khám tổng quát, và cho bạn lời khuyên chuyển khoa nếu cần thiết.

8.4. Tiên lượng của tình trạng ngứa hậu môn là gì?

Bệnh có triển vọng tốt, vì hầu hết những trường hợp ngứa hậu môn không mắc bệnh liên quan đến hậu môn hoặc trực tràng. Khonarg 90% bệnh nhân có thể cải thiện bệnh bằng cách tránh gãi và chăm sóc tại nhà.

9. Một số hình ảnh về ngứa hậu môn

ngua hau mon 1

Cấu tạo của hậu môn. (Ảnh: Internet)

ngua hau mon do giun kim

Giun kim là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa hậu môn ở trẻ em.(Ảnh: Internet)

Nguồn tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/168728.php#diagnosis


Tác giả: Mai Nhung