Cách chăm sóc bệnh nhân và điều trị hen suyễn tại nhà

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cách chăm sóc bệnh nhân và điều trị hen suyễn tại nhà
Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh lý mãn tính đường hô hấp, thường chỉ được điều trị tại bệnh viện trong các đợt diễn tiến cấp tính của bệnh. Vì vậy, chăm sóc bệnh nhân và điều trị hen suyễn tại nhà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh lý mãn tính đường hô hấp, đặc trưng bởi tình trạng viêm mãn tính niêm mạc phế quản khiến phế quản tăng đáp ứng với tác nhân kích thích và dẫn đến có thắt lan tỏa phế quản.

Điều trị hen suyễn là một quá trình lâu dài, liên tục. Tuy nhiên, phần lớn thời gian điều trị hen suyễn là điều trị hen suyễn tại nhà, bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viện để điều trị khi có các cơn hen cấp tính xảy ra. Vì thế, chăm sóc bệnh nhân và điều trị hen suyễn tại nhà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

1. Điều trị hen phế quản tại nhà như thế nào?

Nếu như trong các đợt cấp tính được điều trị ở bệnh viên, việc điều trị cho bệnh nhân chủ yếu để đẩy lui các triệu chứng của hen thì khi điều trị hen suyễn tại nhà việc điều trị hen chủ yếu có tác dụng dự phòng tái phát giảm nhẹ tối đa các triệu chứng hen cho bệnh nhân.

Những nội dung chủ yếu trong điều trị hen suyễn tại nhà bao gồm:

- Sử dụng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ: Việc sử dụng thuốc trong điều trị hen suyễn tại nhà cần dựa theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không tự ý tăng liều, giảm liều, bỏ sử dụng thuốc hay ngắt quãng sử dụng thuốc mà không có sự đồng ý từ bác sĩ điều trị.

- Vỗ rung lồng ngực cho bệnh nhân: Do sự co thắt phế quản ở bệnh nhân hen suyễn nên thường có sự ứ đọng dịch tiết trong đường hô hấp của bệnh nhân. Vì vậy cần thường xuyên vỗ rung ngực cho người bệnh để kích thích phản xạ của đường hô hấp, tống chất cặn bã ra ngoài.

- Loại bỏ đờm cho bệnh nhân nếu có: Nếu bệnh nhân có quá nhiều đờm có thể gây nên hiện tượng cản trở hô hấp, vì vậy cần loại bỏ đờm cho bệnh nhân đúng cách khi điều trị hen suyễn tại nhà để khai thông đường thở cho người bệnh.

2. Chăm sóc bệnh nhân hen suyễn tại nhà

Để kiểm soát tốt tình trạng hen của người bệnh khi điều trị hen suyễn tại nhà thì cũng cần đặc biệt quan tâm đến các biện pháp chăm sóc người bệnh bên cạnh áp dụng tốt các phương pháp điều trị tích cực.

2.1. Chăm sóc về dinh dưỡng

Chăm sóc về dinh dưỡng là cơ sở để nâng cao thể chất của người bệnh và hỗ trợ cho quá trình điều trị hen suyễn tại nhà diễn ra hiệu quả hơn.

Người bệnh cần có một chế độ ăn với đầy đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Thức ăn nên được chế biến dưới các dạng dễ sử dụng như cháo, súp,... Trong khẩu phần ăn nên được bổ sung nhiều hơn các loại thực phẩm giàu chất xơ và vitamin như rau, củ, quả,...

Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hạn chế các loại thức ăn dễ gây dị ứng và khởi phát cơn hen như hải sản, các loại thức ăn lạ và các loại thực phẩm có tính kích thích như rượu bia, cafe,...

2.2. Chế độ vận động

Vận động vừa là mục tiêu vừa là nội dung của điều trị hen suyễn. Vì vậy trong quá trình điều trị hen suyễn tại nhà thì bệnh nhân nên có một chế độ vận động thích hợp.

Tùy thuộc vào mức độ hen của bệnh nhân mà có thể lựa chọn hình thức luyện tập, cường độ và thời gian luyện tập thích hợp. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá gắng sức khi luyện tập thể dục bởi sự gắng sức có thể là một yếu tố khởi phát cơn hen cấp tính.

Trước khi luyện tập người bệnh có thể sử dụng trước một liều thuốc để dự phòng hen tái phát theo khuyến cáo của bác sĩ dựa trên loại thuốc sử dụng và môn thể thao luyện tập.

2.3. Chăm sóc về tinh thần

Chăm sóc về tinh thần của bệnh nhân hen cũng là một nội dung cần đặc biệt lưu ý khi điều trị hen suyễn tại nhà. Một sự thay đổi quá độ về cảm xúc của bệnh nhân như lo sợ, hồi hộp, vui mừng,... đều có thể khiến cơn hen cấp tính xảy ra.

Vì vậy, cần chăm sóc tinh thần cho người bệnh để làm giảm stress, áp lực, và các vấn đề tâm lý bệnh nhân mắc phải.

3. Lưu ý khi chăm sóc và điều trị hen suyễn tại nhà

Khi chăm sóc, điều trị hen suyễn tại nhà thì một số lưu ý sau đây có thể giúp quá trình điều trị hen hiệu quả hơn và an toàn hơn.

- Người bệnh nên được sử dụng nhiều nước hơn để làm loãng đờm. Nếu người bệnh không muốn uống có thể chế biến thành sinh tố, nước ép để kích thích sử dụng.

- Vệ sinh mũi, miệng thường xuyên bằng cách xúc rửa nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm. Tuy nhiên không nên lạm dụng xúc rửa vì có thể làm tổn thương niêm mạc mũi.

- Vệ sinh dụng cụ sử dụng thuốc sau mỗi lần sử dụng đúng cách để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn cho các lần sử dụng sau, nhất là với đầu phun của bình phun, mặt nạ của máy thở khí dung.

- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân có khả năng khởi phát hen như khói thuốc lá, hóa chất, lông súc vật, bụi,...

- Nếu có các biểu hiện nặng lên của hen như khó thở, khò khè, ho nhiều,... thì cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế kịp thời để có thể được can thiệp đúng cách bởi bác sĩ.

Có thể thấy rằng, chăm sóc bệnh nhân và điều trị hen suyễn tại nhà là một quá trình phức tạp, có ý nghĩa quan trọng trong điều trị kiểm soát hen. Vì vậy, người bệnh và người nhà nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn về cách chăm sóc, điều trị hen suyễn tại nhà đúng cách.


Tác giả: QN