Vợ hiến nửa lá gan cho chồng bị ung thư làm phẫu thuật ghép gan

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Vợ hiến nửa lá gan cho chồng bị ung thư làm phẫu thuật ghép gan
Các bác sĩ bệnh viện Đại học Y dược đã thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên từ người cho còn sống. Biết chồng không thể sống quá 1 năm nếu không được thay gan mới, người vợ đã can đảm hiến nửa lá gan để cứu người chồng thoát khỏi căn bệnh ung thư gan hiểm ác.

1. Tiên lượng sống chỉ còn vài tháng nếu không có lá gan mới

Anh Trần Văn Vách 50 tuổi ở Tiền Giang đã có tiền sử bị viêm gan B. Bệnh tiến triển nhanh dẫn đến ung thư gan khiến anh Vách phải cắt bỏ một phần gan vào năm 2014. Nhưng phần gan còn lại bị xơ ngày càng trầm trọng. Đến cuối năm 2018, các bác sĩ thông báo, nếu anh không được thay lá gan mới thì tiên lượng rất xấu, thời gian sống chỉ tính theo tháng.

Trước tình trạng nguy kịch của chồng, chị Trương Kim Hường, vợ anh Vách đã mạnh mẽ quyết định hiến gan cho chồng. May mắn, sau khi xét nghiệm, các bác sĩ thông báo, chị Hường đủ sức khỏe, lại có cùng nhóm máu với anh Vách, đủ điều kiện để hiến gan và làm phẫu thuật ghép gan.

Nghe bác sĩ nói, chị cần hiến nửa lá gan của mình, chị Hường không những không sợ hãi, lo lắng mà còn vô cùng vui mừng. Chị mong muốn hai đứa con mới 11 tuổi và 7 tuổi của chị sẽ được bố bảo ban dạy dỗ, không muốn gia đình thiếu đi một người. Chị chỉ mong chồng phục hồi sức khỏe và sống lâu dài với vợ con. 

Ngược lại, anh Vách lại là người vô cùng lo lắng. Anh lo lỡ như ca phẫu thuật ghép gan không thành công thì vợ mất đi một nửa gan, còn anh vẫn không giữ được tính mạng. Rồi anh lo sức khỏe của vợ bị ảnh hưởng, không thể lo lắng chăm sóc chu toàn cho các con. Hai vợ chồng anh tranh cãi, bàn bạc rất nhiều, nhưng chị Hường rất quyết tâm. Cuối cùng anh Vách cũng đồng ý phẫu thuật.

2. Ca phẫu thuật ghép gan đầu tiên từ người cho còn sống

Ca ghép gan diễn ra suốt 8 tiếng đồng hồ. Sau phẫu thuật, tình trạng của cả người cho và người hiến gan ổn định. Chị Hường được xuất viện sau 1 tuần làm phẫu thuật ghép gan và theo dõi. Anh Vách có thể sinh hoạt và vận động bình thường sau 1 tháng. 

Cơ thể anh Vách đã dung nạp phần gan ghép rất tốt, giúp anh khỏi hẳn viêm gan B, có 80% cơ hội khỏi xơ gan và ung thư gan hoàn toàn. Bác sĩ đã căn dặn anh Vách tái khám thường xuyên trong vòng 1 năm đầu kể từ khi ghép gan để kiểm soát sự đào thảo gan và khả năng tái phát ung thư gan.

Theo Bác sĩ Trần Công Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, gan là bộ phận có khả năng tự phục hồi, tái sinh bù trừ. Do vậy, lá gan của chị Hường có thể trở lại kích thước cũ, sức khỏe của chị không bị ảnh hưởng sau khi hiến cho chồng làm phẫu thuật ghép gan điều trị ung thư. 

Được biết, đây là ca ghép gan từ người sống đầu tiên của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM thực hiện thành công. Việc này tạo tiền đề và tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân cho nhu cầu cấy ghép tạng. 

Bởi chi phí phẫu thuật ghép gan tại Việt Nam ước tính chỉ bằng 1/5 chi phí phải trả khi gia đình sang nước ngoài phẫu thuật. Người bệnh không cần tốn thời gian, chi phí đi lại và sinh hoạt ở nước ngoài, quá trình chăm sóc, phục hồi và tái khám cũng thuận lợi hơn.

Theo bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ghép gan là phương pháp tối ưu cho các bệnh nhân bị suy gan, ung thư gan hay bệnh nhân có các biến chứng nặng nề khi sử dụng thuốc. Tại Việt Nam, có tới 15% dân số bị nhiễm virus viêm gan B. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm gan B rất dễ dẫn đến xơ gan, rồi ung thư gan, việc chữa trị sẽ vô cùng khó khăn. Do vậy bệnh nhân cần đi khám định kì để có thể kiểm soát được tình trạng sức khỏe.


Tác giả: Mai Nhung