Viêm nướu ở trẻ nhỏ: Bố mẹ đừng thờ ơ!

Viêm nướu ở trẻ nhỏ: Bố mẹ đừng thờ ơ!
Viêm nướu ở trẻ nhỏ là một bệnh rất hay gặp. Đây là hiện tượng nướu của trẻ bị sưng và khi chải răng sẽ bị chảy máu. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng các bậc phụ huynh tuyệt đối không được thờ ơ.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm nướu ở trẻ nhỏ

Như chúng ta đã biết nướu răng là nhưng mô mềm xung quanh răng có nhiệm vụ nâng đỡ, bảo vệ và giữ cho chân răng luôn được chắc chắn. Khi những mô mềm bị vi khuẩn tấn công sẽ gây nên bệnh viêm nướu răng và chân răng sẽ bị chảy máu.

Nguyên nhân gây bệnh viêm nướu ở trẻ nhỏ được xác định là do độc tố từ vi khuẩn trong cao răng tiết ra gây kích thích nướu. Khi các vi khuẩn tấn công và xâm chiếm ở xung quanh kẽ răng sẽ làm nướu bị sưng đỏ.

Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm nướu ở trẻ nhỏ (ảnh: internet)

Theo các nha sĩ, nguyên nhân trực tiếp gây nên bệnh viêm nướu ở trẻ nhỏ là do các mảng bám hình thành trên răng. Đây chỉ là một lớp màng mỏng mềm, dính và không màu, có chứa nhiều vi khuẩn, được hình thành trên bề mặt răng và nướu. Khi các vi khuẩn ở mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ nguy hiểm chúng gây ra càng lớn.

Bên cạnh đó viêm nướu ở trẻ nhỏ là do thói quen vệ sinh răng miệng không sạch sẽ gây nên tình trạng tích tụ chất bẩn và vi khuẩn ở quanh răng, nhất là ở khe nướu. Nếu trẻ vệ sinh răng miệng không đúng cách, các mảng bám và vi khuẩn sẽ không được loại bỏ mà tích tụ nhiều hơn trên răng. Lâu dần sẽ gây tổn hại nướu răng và gây nên hiện tượng viêm nướu ở trẻ nhỏ.

2. Tác hại và cách điều trị viêm nướu ở trẻ nhỏ

Khi bị viêm nướu, việc trẻ đánh răng có thể gây chảy máu và đau. Có những trường hợp sẽ bị sưng nướu răng, rất đau, lưỡi, môi và miệng bị lở, rát. Lúc này nướu bị đau nên trẻ sẽ không chịu đánh răng thường xuyên. Còn với trẻ nhỏ thì khi bố mẹ thấy con mình đau nên sẽ không vệ sinh răng miệng cho trẻ nữa. Tất cả những điều này sẽ khiến cho tình trạng viêm nướu ở trẻ nhỏ trở nên nặng hơn.

Ảnh 2.

Vệ sinh răng miệng không đúng cách có thể gây viêm nướu (ảnh: internet)

Viêm nướu ở trẻ nhỏ có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên cần phải được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì mới mang lại hiệu quả. Các bậc phụ huynh có thể nhận biết hiện tượng viêm nướu ở trẻ nhỏ bằng cách kiểm tra bàn chải đánh răng của trẻ sau khi đánh răng có dính máu hay không. Bên cạnh đó, hãy kiểm tra xem miệng và hơi thở của trẻ có mùi hôi hay không. Ngoài ra, khi trẻ nhỏ bị viêm nướu, miệng sẽ bị đau nên sẽ có biểu hiện kém ăn, bỏ bữa.

Để khắc phục tình trạng này các bậc phụ huynh nên xây dựng cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách. Nướu của trẻ cần được chải sạch nhiều lần trong ngày, các bậc phụ huynh nên mua cho cho trẻ những loại bàn chải có lông mềm.

Với những trẻ dưới 3 tuổi, bố mẹ nên dùng gạc quấn vào ngón trỏ và nhúng vào nước đun sôi để nguội, sau đó chà răng và nướu của bé. Các bậc phụ huynh nên chải răng cho trẻ ngay sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau đi ngủ thức dậy. Việc làm này sẽ giúp hạn chế sự xuất hiện của cao răng và tích tụ mảng bám trên răng.

Các bậc phụ huynh nên chú ý đến trẻ nhiều hơn để kịp thời phát hiện những triệu chứng của bệnh viêm nướu ở trẻ nhỏ để kịp thời điều trị, giúp bệnh chóng lành.

Ảnh 3.

Cho trẻ khám răng miệng định kỳ để kịp thời phòng bệnh (ảnh: internet)

Hãy đưa trẻ đi khám răng định kỳ 3-6 tháng/ lần và lấy cao răng thường xuyên theo chỉ định của các nha sĩ. Nếu bệnh viêm nướu ở trẻ nhỏ được phát hiện sớm thì việc chữa trị cung dễ dàng và hiệu quả hơn, chi phí điều trị cũng ít tốn kém hơn.

Bên cạnh đó, hãy cho trẻ ăn bưởi. Trong bưởi có hàm lượng vitamin C khá lớn giúp tăng cường sức đề kháng để chống lại các vi khuẩn gây viêm nướu ở trẻ nhỏ.

Nếu trẻ bị viêm nướu, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được tự mua thuốc về điều trị, bởi việc làm này có thể khiến bệnh không khỏi mà còn khiến benehj kéo dài hơn và việc điều trị về sau cũng khó khăn hơn.

Với tất cả những thông tin liên quan đến bệnh viêm nướu ở trẻ nhỏ hy vọng có thể giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về chứng bệnh này. Từ đó có hướng phòng ngừa và điều trị bệnh sớm cho trẻ, tránh những ảnh hưởng về sau đến sức khỏe răng miệng về sau của trẻ.

Tác giả: Đỗ Hoa