Ung thư miệng: dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh

Ung thư miệng: dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh
Mỗi năm tại Hoa Kỳ phát hiện có thêm 49.000 người mắc bệnh ung thư miệng (theo thống kê của Health Line). Vậy ung thư miệng là gì? Bệnh được phân loại như thế nào?

1. Ung thư miệng là bệnh gì?

Ung thư miệng là một bệnh lý ác tính xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như môi, má, lưỡi, lợi, sàn miệng, vòm miệng. Bệnh có triệu chứng khá giống với các bệnh lý viêm nhiễm tại miệng nên khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. Do đó, việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao.

Ung thư miệng được xếp vào một trong 10 bệnh ung thư phổ biến với tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong ngày càng cao. Các nước đang phát triển có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp đôi các nước phát triển. Nguyên nhân mắc bệnh chủ yếu do niêm mạc miệng bị kích thích bởi vật nhọn như xương cá, đũa, răng,... hoặc do thói quen hút thuốc lá thường xuyên.

ung thư miệng

Hơn 49.000 trường hợp ung thư miệng được chẩn đoán mỗi năm tại Hoa Kỳ và chủ yếu những người trên 40 tuổi có nguy cơ mắc nhiều nhất. (Nguồn ảnh: Internet)

Hiện nay đa phần các ca phát hiện ung thư miệng đều đã rất nặng, khi khối u lây lan sang đến hạch bạch huyết của cổ. Nếu có thể phát hiện sớm, bệnh ung thư miệng hoàn toàn có thể chữa khỏi và bệnh nhân có thể duy trì, kéo dài sự sống.

2. Dấu hiệu ung thư miệng

Dấu hiệu ung thư miệng ở giai đoạn đầu không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lành tính khác như viêm lợi, nhiệt miệng.

Dấu hiệu ung thư miệng giai đoạn đầu 

- Viêm loét ở miệng hoặc môi không liền

- Đau dai dẳng ở miệng, quanh răng và hàm

- Đau lan lên tai

- Răng lung lay

- Tăng tiết nước bọt, đôi khi lẫn cả máu

- Cảm giác vướng trong miệng

- Bắt đầu cảm thấy khó nói

- Nuốt đau

Dấu hiệu ung thư miệng giai đoạn tiến triển

- Tê vùng môi, cổ, mặt và hàm

- Cảm giác khó nuốt, đau khi nuốt gia tăng

- Cảm giác nói khó tăng lên

- Xuất hiện mảng trắng, đen và đỏ trong khoang miệng

- Xuất hiện cục u trong má

- Chảy máu miệng

- Khạc ra đờm nhầy, có mùi hôi thối

- Sụt cân đột ngột

- Sưng ở cổ

- Xuất hiện cục u trong má

- Khối u có thể bị loét, nụ sùi, hoặc vừa loét vừa sùi bờ nham nhở, sờ vào thấy đau và vướng, u dễ chảy máu, không có ranh giới rõ ràng. Tổn thương kéo dài và không có dấu hiệu khỏi. Khác với nhiệt miệng: tổn thương do nhiệt miệng là các vết loét sưng đau ở lợi, lưỡi và má nhưng có ranh giới rõ ràng, tự khỏi sau 7-10 ngày, vùng niêm mạc bị tổn thương sẽ nhanh chóng lành lại.

dau-hieu-ung-thu-mieng

Khi bị ung thư miệng, khối u có thể bị loét, bị sùi và không có bất cứ dấu hiệu khỏi nào. (Nguồn ảnh: Internet)

3. Ảnh hưởng của ung thư miệng

Ung thư miệng là căn bệnh khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống, dẫn đến tình trạng chán ăn, ăn không ngon. Vì thế, người mắc bệnh thường bị sút cân, sức khỏe suy yếu.

Ngoài ra, ung thư miệng khiến vùng miệng xuất hiện các khối u, gây mất thẩm mỹ, khó khăn trong việc cử động miệng. 

ung thư miệng

Ung thư miệng là căn bệnh khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống, dẫn đến tình trạng chán ăn, ăn không ngon. (Nguồn ảnh: Internet)

Người bệnh khi mắc ung thư miệng có cảm giác mệt mỏi, suy nhược, hệ miễn dịch suy yếu, dễ bị mắc các bệnh khác về hô hấp, dạ dày,...

Ung thư miệng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường đối với người bệnh. Trong trường hợp xấu nhất là bị di căn và tử vong.  

4. Những ai có nguy cơ mắc ung thư miệng?

Ung thư miệng là căn bệnh liên quan đến vòm miệng, các cơ quan răng hàm mặt nên những nhóm người sau đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn cả:

- Những người sử dụng thuốc lá và chất kích thích thường xuyên. Trong thuốc lá có rất nhiều chất độc hại cho phổi, là tác nhân gây ung thư không chỉ cho miệng mà còn các cơ quan hô hấp khác.

ung thư miệng

Những người sử dụng thuốc lá và chất kích thích thường xuyên có nguy cơ cao mắc ung thư miệng. (Nguồn ảnh: Internet)

- Người thường xuyên uống rượu

- Người bị nhiễm vi-rút papillomavirus ở người (HPV) tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư miệng hoặc các loại ung thư khác 

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra đàn ông có nguy cơ bị ung thư miệng cao gấp hai lần so với phụ nữ.

Ung thư miệng là căn bệnh thường xuyên gặp. Chúng ta hoàn toàn có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào vì những thói quen độc hại mỗi ngày không ngờ đến như sử dụng thuốc lá, chất kích thích. Để hạn chế mắc bệnh ung thư miệng, bạn nên duy trì thói quen sống lành mạnh, hạn chế sử dụng chất độc hại nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình và bản thân.

5. Các biện pháp chẩn đoán ung thư miệng

Để chẩn đoán xem bạn có bị ung thư miệng hay không, các bác sĩ hoặc nha sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất. Quá trình kiểm tra này sẽ bao gồm kiểm tra kỹ lưỡng vùng miệng, lưỡi, má, cổ họng và các hạch bạch huyết ở cổ. Nếu các bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân tại sao bạn lại có các triệu chứng như vậy, các bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến chuyên gia tai-mũi-họng.

Trong trường hợp bác sĩ tìm thấy bất kỳ tổn thương đáng ngờ nào hoặc phát hiện ra khối u tăng trưởng bất thường, họ sẽ tiến hành sinh thiết để xác định tế bào. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau:

- Chụp X-quang: để kiểm tra xem các tế bào ung thư đã lan đến hàm, phổi hay ngực chưa

- Chụp CT: để phát hiện khối u ở miệng, cổ, cổ họng hoặc ở bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể

- Chụp PET: để kiểm tra xem các tế bào ung thư đã lan đến hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác hay chưa

- Chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ: để xác định hình ảnh chính xác hơn ở vùng cổ và đầu, xác định giai đoạn và mức độ của bệnh

- Nội soi: để kiểm tra đường xoang, mũi, họng và khí quản

    6. Điều trị ung thư miệng

Các phương pháp điều trị ung thư miệng gồm: điều trị khối u nguyên phát và hệ thống hạch cổ:

- Phẫu thuật: đây là phương pháp thường được áp dụng cho những bệnh nhân ung thư miệng giai đoạn đầu, khi ung thư chưa di căn. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khối u kết hợp với tạo hình hoặc không để loại bỏ các tế bào ung thư và các hạch bạch huyết ung thư, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

- Xạ trị: Khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, các bác sĩ sẽ sử dụng các chùm tia phóng xạ chiếu vào khối u 1-2 ngày/lần, 5 ngày/tuần và trong 2-8 tuần. Đây cũng là phương pháp sử dụng bổ trợ sau phẫu thuật, giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.

- Hóa trị: Đây là phương pháp dùng thuốc để làm giảm thể tích của khối u và hạch cổ. Thuốc được sử dụng bằng đường uống hoặc truyền qua đường tĩnh mạch. 

- Liệu pháp điều trị trúng đích: phương pháp này sẽ được sử dụng ngay cả khi bệnh ở giai đoạn đầu và giai đoạn tiến triển. Thuốc điều trị sẽ liên kết với các protein cụ thể trên tế bào ung thư và ngăn cản sự phát triển của chúng. 

- Dinh dưỡng: ngoài những phương pháp điều trị trên, bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng sẽ lên một kế hoạch ăn uống phù hợp cho bệnh nhân ung thư miệng để đảm bảo cơ thể có đủ vitamin, khoáng chất và calo cần thiết để phục hồi. 

7. Theo dõi sau điều trị ung thư miệng

Sau khi điều trị ung thư, bệnh nhân cần tái khám để theo dõi tình trạng sức khỏe với lịch trình như sau:

- Năm đầu tiên: Bệnh nhân đến tái khám với tần suất mỗi tháng 1 lần

- Năm thứ hai: Bệnh nhân đến tái khám với tần suất 2 tháng 1 lần

- Các năm sau: Bệnh nhân cần tái khám với tần suất 6 tháng 1 lần

Việc đến tái khám định kỳ nhằm điều trị các vấn đề răng miệng như viêm lợi, sâu răng,... và để phát hiện và xử lý kịp thời các ổ ung thư mới (nếu có).

8. Phòng ngừa ung thư miệng

Bạn có thể phòng ngừa ung thư miệng bằng cách thực hiện các thói quen sau:

- Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ

- Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá

- Tháo răng giả khi đi ngủ ban đêm và làm sạch mỗi ngày

- Áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung đầy đủ các loại rau củ và trái cây

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Bạn nên dùng kem bảo vệ môi và son có SPF khi đi nắng

- Khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế về răng-hàm-mặt

Tác giả: Phương Thuận