Ứng dụng công nghệ 3D trong ngực giả cho người ung thư vú phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ngực

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Ứng dụng công nghệ 3D trong ngực giả cho người ung thư vú phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ngực
Mới đây hai nữ sinh viên Anh đã có sáng kiến sử dụng công nghệ in 3D trong việc chế tạo ngực giả cho người ung thư vú phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ngực.

Rosie Brave, sinh viên trường đại học Plymouth, một trong những trường đại học hàng đầu ở Anh Quốc, đã quyết tâm tạo nên sự khác biệt, khi mẹ của một người bạn gặp nhiều phiền toái, trong quá trình sử dụng ngực giả truyền thống sau 1 cuộc phẫu thuật cắt bỏ ngực vì ung thư.

Mong muốn của Rosie là tạo ra một những bộ ngực giả cho người ung thư vú vừa sặc sỡ vừa thoải mái để những phụ nữ từng trải qua phẫu thuật cắt bỏ ngực không cảm thấy khó chịu khi mang chúng.

"Ý tưởng xuất hiện sau khi mẹ của Sam Jackman, một người bạn của tôi, trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ ngực và bà căm ghét bộ ngực giả truyền thống. Tôi luôn đặt câu hỏi tại sao lại như thế và làm thế nào để cải tiến những bộ ngực giả cho người ung thư vú này. Tôi quan sát chúng và nhận ra vấn đề là bộ ngực giả có màu be, trông chúng rất nhợt nhạt và không hợp với tông da của bà ấy. Nhà sản xuất đã cố gắng để khiến cho chúng trông như thật nhưng lại thất bại. Tôi chỉ nghĩ rằng sẽ thú vị hơn thay vì cố gắng làm cho nó giống thật nhất có thể", nữ sinh viên Rosie Brave cho biết.

Sau đó, Rosie và người bạn Sam Jackman, cựu sinh viên Kiến trúc và thiết kế nghệ thuật, đã bắt tay vào thiết kế loại ngực giả cho người ung thư vú mới và đặt tên cho sản phẩm của mình là Boost. Mục tiêu của họ chính là làm cho những bộ ngực giả nhẹ nhàng, đem lại sự thoải mái, dễ thở cho người dùng.

Ảnh 1.

Nhờ công nghệ in 3D, Rosie đã có thể thiết kế ra những bộ ngực giả đa dạng về kiểu dáng và cấu trúc

Sau phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực, hoặc toàn bộ ngực, bệnh nhân ung thư vú có thể lựa chọn thêm một cuộc phẫu thuật tái tạo khuôn ngực. Tuy nhiên đa phần bệnh nhân không lựa chọn hành trình này bởi chi phí. Đối với những trường hợp này, dịch vụ y tế Anh NHS thường gợi ý về những bộ ngực giả cho người ung thư vú đặt bên trong những chiếc áo bra chuyên dụng.

Mặc dù vậy, Rosie và Sam đã viện dẫn số liệu của NHS cho thấy, tinh thần của những bệnh nhân đeo ngực giả thường kém hơn bình thường.

 "Những bộ ngực giả tiêu chuẩn NHS thường rất nóng, nặng và khiến người mặc đổ mồ hôi khi đeo. Đó là một trong những điều đầu tiên chúng tôi phát hiện ra. Chúng tôi tin là mình có thể sản xuất ra những bộ ngực giả trông quyến rũ hơn, bớt nặng và bớt nóng hơn. Bởi thế chúng tôi sử dụng một cấu trúc mở để bộ ngực giả trở nên thoáng khí. Cấu trúc này khá đẹp mắt nhưng đòi hỏi sự khéo léo và kỳ công khi sản xuất", nữ sinh viên Rosie Brave cho biết.

Nhờ công nghệ in 3D, Rosie đã có thể thiết kế ra những bộ ngực giả đa dạng về  kiểu dáng và cấu trúc hơn. Sau đó, hai sinh viên đã tổ chức các buổi gặp gỡ để người dùng ngực giả có thể phản hồi trực tiếp ý tưởng của họ. Tại đây, các bệnh nhân ung thư cũng có thể đưa ra ý tưởng và tự thiết kế 1 bộ ngực theo cách riêng của mình.

Hiện, chất liệu Rosie lựa chọn để làm ngực giả cho người ung thư vú chính là silicon.Tuy nhiên, 2 sinh viên này cho biết họ không có ý định sử dụng chất dẻo để tạo ra cho sản phẩm cuối cùng sau giai đoạn thử nghiệm.

"Chi phí để in 3D chất liệu silicon hiện nay rất cao. Bởi vậy chúng tôi cần tìm ra một chất liệu nào đó mà ai cũng có khả năng sở hữu chúng", sinh viên Rosie cho biết.

Sáng kiến của Rosie và Sam được bầu chọn vào vòng chung kết trong trong Chương trình Design Council's Spark. Họ đã nhận 15.000 bảng Anh để hiện thực hóa sáng kiến này.

Tuy nhiên, để chế tạo ra những bộ ngực giống như ý tưởng của hai cô gái, họ cần hàng ngàn bảng Anh. Số tiền họ thắng được trong chương trình Design Council's Spark vẫn chưa đủ.

"Chúng tôi đang cố gắng biến ý tưởng đó thành sự thật. Những bộ ngực từ ý tưởng của chúng tôi trông sẽ hấp dẫn hơn những bộ ngực hiện tại. Cần có một cơ hội để thay đổi", Rosie nói.

Hiện 2 sinh viên đang tìm kiếm thêm nhà đầu tư để thử nghiệm đầy đủ hơn sản phẩm này. Cùng lúc, họ đang lên kế hoạch trưng bày nguyên mẫu sản phẩm ngực giả cho người ung thư vú của mình trong ngày Quốc tế mùng 8 tháng 3 năm 2019.

Ngay từ lúc này, bất cứ ai quan tâm tới ý tưởng này đều có thể theo dõi trên website của công ty Boost hoặc facebook và Twitter của Boost.

Ung thư vú là ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,7 triệu ca ung thư vú mới, chiếm khoảng 12% tổng số ca mắc mới và 25% tổng số ung thư ở phụ nữ.

Về phần mình,  tổ chức Y tế thế giới WHO, phụ nữ ở độ tuổi từ 40 trở lên hoặc trong gia đình có người thân mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng nên khám định kỳ tại cơ sở y tế có chuyên khoa ung bướu mỗi năm 1 lần. 

Khi phụ nữ có những biểu hiện như: tự sờ thấy khối u trên vú, không đau, chảy dịch đầu vú bất thường, dấu hiệu tụt núm vú hoặc thấy có màu sắc bất thường trên da vùng ngực thì nên đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được tư vấn điều trị kịp thời.


Tác giả: KP