Trường hợp nào nên điều trị ung thư lưỡi bằng phương pháp phẫu thuật?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Trường hợp nào nên điều trị ung thư lưỡi bằng phương pháp phẫu thuật?
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư lưỡi, trong đó phương pháp phẫu thuật là một phương pháp phổ biến, được áp dụng nhiều trong giai đoạn đầu của bệnh.

Ung thư lưỡi là căn bệnh phổ biến trong nhóm ung thư khoang miệng. Điều trị ung thư lưỡi có nhiều phương pháp, trong đó phẫu thuật là phương pháp phổ biến, được áp dụng nhiều trong giai đoạn đầu của bệnh.

Có nhiều người cho rằng: Hóa trị là lựa chọn tốt nhất đối với việc điều trị ung thư. Nhưng đối với ung thư lưỡi, nghiên cứu cho thấy phẫu thuật mới là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Đây là theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Otolaryngology Head and Neck Surgery.

Các lựa chọn điều trị chính cho những người mắc bệnh ung thư lưỡi bao gồm phẫu thuật (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, sau đó thực hiện tái tạo), xạ trị, hóa trị, điều trị nhắm mục tiêu và điều trị giảm nhẹ. Các phương pháp có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với nhau.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, kết quả điều trị ung thư lưỡi của bệnh nhân có thể được cải thiện nếu phẫu thuật được sử dụng làm lựa chọn điều trị đầu tiên.

Trường hợp nào nên phẫu thuật ung thư lưỡi

1. Loại bỏ tế bào ung thư ở bệnh nhân giai đoạn sớm

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư lưỡi giai đoạn đầu vô cùng hiệu quả. Đây là giai đoạn sớm của bệnh, trên các mô lưỡi mới chỉ xuất hiện các khối u với kích thước nhỏ hoặc mức độ lây lan không quá nặng nề.

Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường được chỉ định cắt lưỡi bán phần kết hợp nạo vét hạch cổ. Phần bị cắt đi sẽ được tái tạo lại với kỹ thuật vi phẫu mạch máu và thần kinh vạt cơ của vùng mặt trước cẳng tay. Cuống mạch nuôi phần lưỡi tái tạo sẽ được nối với động tĩnh mạch mặt ở vùng cổ. Dây thần kinh của vạt da sẽ nối với thần kinh lưỡi được bảo tồn sau khi cắt bỏ khối u.

Bạn có thể cần xạ trị hoặc hóa trị sau phẫu thuật nếu bác sĩ cho rằng có nguy cơ cao ung thư sẽ tái phát trở lại.

2. Giảm triệu chứng cho bệnh nhân ở giai đoạn muộn

Ở các giai đoạn sau của bệnh ung thư lưỡi, tế bào ung thư đã lây lan rộng rãi đến hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể. Thường thì tác dụng của điều trị cũng không được hiệu quả như những giai đoạn trước đó, chỉ có thể giảm nhẹ triệu chứng bệnh, ngăn không cho khối u phát triển và di căn sang phần khác của cơ thể. Trong giai đoạn này, phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư lưỡi sẽ được kết hợp với các phương pháp như xạ trị, hóa trị,... 

Bệnh nhân giai đoạn sau buộc phải tiến hành điều trị ung thư lưỡi bằng phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ lưỡi tùy theo kích thước và vị trí khối u để ngăn chặn sự lan rộng của khối u. Việc cắt bỏ một phần hay toàn bộ lưỡi gây ảnh hưởng đến các chức năng nói và nuốt của người bệnh. Vì vậy, phẫu thuật tái tạo lưỡi cũng được thực hiện đồng thời để phục hồi chức năng của lưỡi.

Ngoài ra, ở giai đoạn cuối, trong trường hợp khối u di căn gây chảy máu nhiều, cần phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.

Một lưu ý khi điều trị ung thư lưỡi đó là phương pháp phẫu thuật không thể áp dụng cho bệnh nhân lớn tuổi, thể trạng yếu hoặc có tiền sử mắc các bệnh khác.

Mắc bệnh ung thư lưỡi có chữa khỏi được hay không phụ thuộc rất nhiều và thời điểm phát hiện bệnh và tiến hành điều trị. Phương pháp phẫu thuật có hiệu quả nhất khi được áp dụng trong giai đoạn đầu. Vì vậy, khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên lưỡi, cần đến bệnh viện chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị ung thư lưỡi kịp thời.


Tác giả: Thùy Dung