Trầm cảm trong thai kỳ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Trầm cảm trong thai kỳ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Trầm cảm trong thai kỳ đã trở thành nỗi ám ảnh khá lớn với các mẹ bầu. Chứng bệnh này ảnh hưởng đến cả mẹ và bé, thậm chí có thể lấy đi sinh mạng của mẹ bất cứ lúc nào.

Trầm cảm trong thai kỳ ảnh hưởng đến cách mẹ bầu cảm nhận và gây nên những thay đổi trên khắp cơ thể. Những mẹ bầu mắc trầm cảm trong thai kỳ, sức khỏe thường bị tác động nhiều nhất. Cụ thể:

1. Trầm cảm trong thai kỳ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương

Biểu hiện của chứng trầm cảm không rõ ràng nên thường bị người bệnh bỏ qua. Mẹ bầu thường không phân biệt rõ ràng chứng bệnh này và thường bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác.

Một số triệu chứng của bệnh trầm cảm trong thai kỳ có thể kể đến như thường xuyên đau buồn và có cảm giác tội lỗi, có thể phàn nàn về cảm giác mệt mỏi trong cả ngày, mất ngủ. Ngoài ra, mẹ bầu còn cảm thấy khó chịu, tức giận và không quan tâm đến những hoạt động bên ngoài như giao tiếp, giải trí, thậm chí cả chuyện vợ chồng.

Ảnh 1.

Trầm cảm trong thai kỳ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (ảnh: internet)

Bên cạnh đó, mẹ bầu luôn gặp phải cảm giác trống vắng, tuyệt vọng, khó có thể bày tỏ cảm xúc thành lời, khóc lóc thường xuyên, thiếu tập trung, khó khăn khi duy trì lịch trình làm việc, có xu hướng sử dụng chất kích thích, thậm chí làm chúng.

Khi bị trầm cảm trong thai kỳ, mẹ bầu thường tránh nói về vấn đề nào đó hoặc cố gắng che giấu vấn đề, có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, luôn có ý nghĩ tìm đến cái chết hoặc làm tổn thương chính mình. Đây cũng chính là lý do vì sao bệnh nhân trầm cảm thường có nguy cơ tự tử khá cao.

Trầm cảm trong thai kỳ có thể gây nhức đầu, đau nhức cơ thể mạn tính và những cơn đau này khó có thể điều trị bằng thuốc.

2. Trầm cảm trong thai kỳ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Trầm cảm sẽ khiến mẹ bầu rơi vào trạng thái thèm ăn, có những người đã lựa chọn cách đối phó là ăn nhiều. Đây là lý do khiến mẹ bầu phải đối mặt với những bệnh như béo phì hay tiểu đường.

Ảnh 2.

Trầm cảm trong thai kỳ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa (ảnh: internet)

Tuy nhiên cũng có những người chán ăn và không muốn ăn những loại thức ăn bổ dưỡng nên thường gặp phải một số vấn đề như đau bụng, táo bón, chuột rút hay suy dinh dưỡng. Các triệu chứng này dù có uống thuốc nhưng cũng khó có thể cải thiện được.

3. Tim mạch và hệ miễn dịch

Trầm cảm nói chung và trầm cảm trong thai kỳ nói riêng có liên quan chặt chẽ với hiện tượng căng thẳng. Hoocmon stress sẽ làm tăng nhịp tim và khiến cho các mạch máu co thắt mạnh hơn, khi đó cơ thể mẹ bầu sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn. Lâu dần có thể ảnh hưởng đến tim mạch.

Những người bệnh mắc chứng trầm cảm sẽ có nguy cơ bị đau ngực, đau tim và đột quỵ trong những năm tiếp theo cao gấp 2-5 lần những người không bị trầm cảm. Tỷ lệ người bị trầm cảm tái phát các bệnh tim mạch cũng cao hơn so với những người hút thuốc lá, tiểu đường, cao huyết áp hay cholesterol cao. Sau một cơn đau tim, những người bị trầm cảm nếu không được điều trị nguy cơ tử vong cũng cao hơn.

Ảnh 3.

Trầm cảm thai kỳ có thể ảnh hưởng đến tim mạch (ảnh: internet)

Bên cạnh đó trầm cảm và căng thẳng khi mang thai còn tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch, mẹ bầu dễ bị nhiễm trùng và mắc bệnh hơn.

Như vậy trầm cảm trong thai kỳ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ bầu. Vậy nên để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi các mẹ hãy chủ động phòng tránh bệnh trầm cảm. Ngoài việc ăn uống đầy đủ, giữ tinh thần luôn thoải mái các mẹ hãy thực hiện khám thai định kỳ để kiểm soát được tình trạng sức khỏe, đồng thời có hướng xử lý kịp thời nếu có những dấu hiệu bất thường trên cơ thể xuất hiện. Chúc các mẹ bầu sức khỏe và sớm mẹ tròn con vuông.

Tác giả: Đỗ Hoa