Sỏi thận là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị

Tham vấn chuyên môn: -
Sỏi thận là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị
Bệnh sỏi thận là gì? Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Bệnh sỏi thận khá phổ biến, bất kì ai cũng có thể mắc phải tuy nhiên, bệnh xảy ra chủ yếu ở những người từ 40 tuổi trở lên.

1. Sỏi thận là gì?

Sỏi thận hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hoặc khi nồng độ chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại trong thận, niệu quản, bàng quang, lâu ngày kết tủa tạo thành sỏi.

Sỏi thận có kích thước nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên, nếu sỏi lớn, viên sỏi di chuyển dọc theo đường niệu đạo có thể gây ra những cơn đau lưng, tình trạng đi tiểu ra máu. Nếu sỏi thận bị kẹt trong cuống đài thận, làm tắc nghẽn, giãn nở và tạo áp lực tác động lên dây thần kinh thận và vỏ thận, gây ra những cơn đau quặn thận…. Sỏi thận cũng là nguyên nhân làm tắc nghẽn đường tiểu, gây ứ đọng nước tiểu, viêm nhiễm, lâu ngày dẫn đến giảm chức năng co bóp đường tiểu, xơ hóa đường tiểu và có thể gây ra suy thận. 

Sỏi thận là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị - Ảnh 1.

Sỏi thận hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hoặc khi nồng độ chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại trong thận, niệu quản, bàng quang, lâu ngày kết tủa tạo thành sỏi. (nguồn ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

4 thói quen gây sỏi thận dân văn phòng thường xuyên mắc phải

Lời khuyên đi tiểu đúng cách giúp phòng tránh sỏi thận

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh mà sỏi thận được chia làm các loại khác nhau, do đó cách điều trị cũng khác nhau. Bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể có nguy cơ bị suy thận. 

Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không? Sỏi thận ở mức độ nhẹ có thể được bào mòn dần và đào thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu kích thước sỏi tăng nhanh, người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, cảm giác đau lưng, tiểu buốt xuất hiện nhiều hơn, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng ngược và suy thận. 

2. Triệu chứng bệnh sỏi thận

Theo số liệu thống kê, khoảng một phần ba dân số bị sỏi thận nhưng chỉ một nửa trong số này xuất hiện triệu chứng. Điều nguy hiểm hơn là ngay cả khi không có dấu hiệu hay triệu chứng bệnh, những viên sỏi này có thể gây ra nhiều vấn đề như làm tắc nghẽn dòng nước tiểu và gây nhiễm trùng.

Khi sỏi bị kẹt lại trong niệu quản, các triệu chứng bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện. Triệu chứng sỏi thận thường gặp nhất là cơn đau quặn thận di chuyển từ hông lưng đến bụng dưới và đến bìu. Một số triệu chứng khác gồm:

- Đau khi đi tiểu: Do viên sỏi thận di chuyển từ niệu quản tới bàng quang hoặc từ bàng quang tới niệu đạo (đoạn cuối cùng trước khi nước tiểu bị đào thải ra ngoài) gây đau, thậm chí buốt khi người bệnh đi tiểu. 

- Đau lưng, đau vùng dưới mạn sườn: Niệu quản là bộ phận dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang. Khi có sỏi thận trong niệu quản, sỏi di chuyển sẽ làm cọ xát, ứ đọng nước tiểu dẫn tới tình trạng đau lưng, đau có thể lan ra phần bụng dưới, mạn sườn và lan tới bắp đùi. 

Sỏi thận là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị - Ảnh 2.

Đau lưng, đau vùng mạn sườn dưới là một trong những triệu chứng của bệnh sỏi thận. (Nguồn ảnh: Internet)

- Cảm giác buồn nôn và nôn: Thận và ruột có liên quan với nhau qua các dây thần kinh. Do đó, sỏi thận cũng có thể gây ảnh hưởng tới đường tiêu hóa, khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn, thậm chí có thể nôn. 

Sỏi thận là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị - Ảnh 3.

Người bị sỏi thận có cảm giác buồn nôn, nôn. (nguồn ảnh: Internet)

- Tiểu dắt, tiểu són: Khi có sỏi ở bàng quang hoặc niệu quản, người bệnh sẽ có cảm giác buồn tiểu và rất hay đi tiểu, tuy nhiên lượng nước tiểu lại rất ít. Điều này khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi. Đặc biệt, khi sỏi kẹt ở niệu quản, nước tiểu bị ứ đọng lại trong bàng quang và gây ra những cơn đau quặn thận. 

- Tiểu ra máu: Đây được coi là một triệu chứng sỏi thận rất điển hình. Sỏi di chuyển sẽ gây ra tổn thương. Tùy vào tình trạng tổn thương mà người bệnh có biểu hiện tiểu ra máu nhìn thấy bằng mắt thường hoặc phải quan sát dưới kính hiển vi mới thấy. 

- Hay sốt và cảm giác ớn lạnh: khi sỏi di chuyển gây ra những tổn thương, làm tắc nghẽn, ứ đọng nước tiểu. Tất cả những điều này có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ngược dòng, người bệnh sẽ hay bị sốt và có cảm giác ớn lạnh. 

3. Những yếu tố nguy cơ

Những ai dễ mắc bệnh sỏi thận?

Sỏi thận là một căn bệnh khá phổ biến. Bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi thận, tuy nhiên bệnh thường gặp ở những người từ 40 tuổi trở lên. Để hạn chế khả năng mắc bệnh, bạn nên giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn. 

Sỏi thận là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị - Ảnh 4.

Những người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn bình thường. (Nguồn ảnh: Internet)

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận

- Béo phì

- Tiền sử gia đình có người bị sỏi thận 

- Ăn quá nhiều đường hoặc muối

- Mắc một số bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, cường cận giáp, cystinuria, nhiễm toan ống thận

- Người mắc bệnh hoặc phẫu thuật về đường tiêu hóa như tiêu chảy mãn tính, viêm ruột có thể ảnh hưởng tới quản trình tiêu hóa, từ đó gây tác động tới khả năng hấp thụ nước và canxi của cơ thể. 

Sỏi thận là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị - Ảnh 5.

Béo phì, ăn quá nhiều đường và muối là một trong những yếu tố nguy cơ gây sỏi thận. (Nguồn ảnh: Internet)

4. Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận

Các nguyên nhân chính gây bệnh sỏi thận bao gồm:

- Thói quen uống ít nước: nếu lượng nước đưa vào cơ thể quá ít, thận sẽ không có đủ nước để lọc và đào thải các chất cạn bã ra ngoài. Do vậy, nước tiểu sẽ trở nên đậm đặc, tạo điều kiện cho các chất khoáng kết tủa và gây bệnh sỏi thận. 

- Sử dụng thuốc tùy tiện: Việc sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ định của bác sĩ cũng là nguyên nhân gây bệnh sỏi thận. Theo thống kê của các chuyên gia Anh, việc làm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Các nhóm kháng sinh được nhắc tới bao gồm: Penicillin, Cephalosporin,...

- Nhịn tiểu: Việc nhịn tiểu thường xuyên khiến các chất khoáng tích tụ, không được đào thải ra khỏi cơ thể. Sau một thời gian, chúng sẽ lắng đọng lại và hình thành sỏi thận. 

- Chế độ ăn uống không hợp lý: Chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, nhiều muối làm tăng thể tích tuần hoàn. Điều này khiến các chất khoáng được lọc qua thận nhiều hơn làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. 

- Nhịn ăn sáng: Thói quen nhịn ăn sáng khiến dịch mật bị tích tụ trong túi mật và đường ruột, dẫn tới sỏi thận. 

- Mất ngủ kéo dài: Khi cơ thể chìm vào giấc ngủ, mô thận sẽ tự tái tạo các tổn thương. Do đó, khi cơ thể bị mất ngủ thường xuyên, chức năng tự tái tạo sẽ không được thực hiện, càng để lâu thì nguy cơ dẫn tới sỏi thận càng tăng. 

5. Điều trị sỏi thận

Việc điều trị sỏi thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: 

- Vị trí của những viên sỏi thận

- Số lượng sỏi

- Kích thước sỏi

- Liệu có thể xảy ra nhiễm trùng hay không

Trường hợp sỏi nhỏ: Đa số những viên sỏi nhỏ đều có thể đào thải tự nhiên ra ngoài cơ thể thông qua đường tiểu mà không cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ. Người bệnh chỉ cần uống nhiều nước để cơ thể tự thải ra. Bác sĩ cũng có thể kê toa các loại thuốc giúp giảm đau và thuốc kháng sinh nếu người bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng. 

Trường hợp sỏi không thể tự đào thải ra ngoài: người bệnh cần phải đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành các phương pháp chữa trị khác bao gồm:

- Soi niệu quản: phương pháp này sử dụng một công cụ mỏng dài để tìm sỏi. Công cụ này sẽ được đưa vào bàng quang và niệu đạo để đến niệu quản. Sau khi soi thấy sỏi, bác sĩ sẽ dùng tia laser để phá vỡ sỏi hoặc có thể gắp bỏ. 

- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung (ESWL): phương này này dùng sóng xung kích để phá vỡ sỏi thành các mảnh nhỏ hơn để cơ thể có thể tự đào thải ra ngoài. 

- Phẫu thuật lấy sỏi qua da: trường hợp viên sỏi quá lớn hoặc nằm ở vị trí không thể tán sỏi bằng phương pháp ESWL, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành phẫu thuật để lấy sỏi ra. 

Sỏi thận là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị - Ảnh 6.

Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung (ESWL) (Nguồn ảnh: Internet)

6. Chế độ dinh dưỡng cho người bị sỏi thận

Thực phẩm tốt cho người bị sỏi thận:

- Thực phẩm chứa canxi: sữa, phô mai, sữa chua,... sử dụng canxi theo đúng hàm lượng quy định giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

- Sinh tố: người bệnh sỏi thận nên uống các loại sinh tố chứa nhiều vitamin A và vitamin B6. Vitamin A có tác dụng giữ cho hệ thống bài tiết nước tiểu được điều hòa để chống sự hình thành của sỏi thận. Vitamin B6 làm giảm lượng oxalat trong nước tiểu, do đó, giảm khả năng kết tủa sỏi oxalat. Mỗi ngày lượng cần thiết đưa vào cơ thể là 20-30 mg vitamin B6 và 5.000 IU vitamin A. 

- Uống thật nhiều nước: với bất cứ loại sỏi thận nào, người bệnh cũng cần uống nhiều nước. Cần đảm bảo uống hơn 2,5 lít nước mỗi ngày và người bệnh nên chuyển qua chế độ dùng nhiều canh trong bữa ăn. 

Các thực phẩm người bị sỏi thận nên tránh

- Hạn chế dùng các loại nước giải khát, nước ngọt có ga, trà đậm đặc, cà phê, bia, rượu,...

- Tạm dừng các loại thuốc: thực phẩm chức năng, thuốc bổ khi chưa có ý kiến bác sĩ về việc dùng kèm thuốc trị sỏi thận.

- Tránh ăn các loại đồ ăn chứa nhiều protein: mỗi ngày bạn chỉ nên ăn tối đa chừng 200g thịt cá

- Giảm mỡ, giảm đường

- Hạn chế ăn muối: người bệnh không nên ăn quá 3g muối/ngày. Nên xem kỹ hàm lượng muối trên vỏ hộp khi ăn các loại đồ hộp, dưa muối, kim chi, snack, phomat,...

Tác giả: Lan Dương