Tìm hiểu về xét nghiệm FSH khi đi khám sức khỏe sinh sản

Tìm hiểu về xét nghiệm FSH khi đi khám sức khỏe sinh sản
Xét nghiệm FSH là một xét nghiệm nội tiết tố quan trọng trong khám sức khỏe sinh sản. Chỉ số FSH giúp xác định các vấn đề dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều, những rối loạn tại tuyến yên, buồng trứng hay tinh hoàn.

1. Đôi điều về hormone FSH

Hormone kích thích nang (FSH) là hormone được sản xuất bởi tuyến yên. Loại hormone này bị kiểm soát bởi một hệ thống phức tạp tại buồng trứng hoặc tinh hoàn, kết hợp với tuyến yên và vùng dưới đồi. Do đó, chỉ số xét nghiệm FSH có thể đánh giá tình trạng của các bộ phận này.

Đối với nữ giới, FSH có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của trứng ở buồng trứng. Ở nam giới, FSH có nhiệm vụ kích thích tinh hoàn sản xuất tinh trùng trưởng thành, đồng thời sản xuất các protein liên kết với androgen. Đa phần, mức độ FSH sẽ ổn định khi nam giới bước vào tuổi trưởng thành.

Ảnh 2.

Xét nghiệm FSH giúp bác sĩ đánh giá khả năng sinh sản (Ảnh: Internet)

Các chỉ số FSH tham chiếu:

- Nam giới bình thường và khỏe mạnh, chỉ số FSH là 1.5 – 12.5 mU/mL.

- Nữ giới bình thường và khỏe mạnh:

+ Follicule phase: 3.5 – 12.5 mU/mL

+ Luteral phase: 1.7 – 7.7 mU/mL

+ Ovulation phase: 4.7 – 21.5 mU/mL

+ Post menaupause: 40 – 250 mU/mL

Chỉ số này có thể giao động theo độ tuổi. Nhất là ở phụ nữ, FSH đôi khi bị rối loạn hoặc thất thường theo khả năng sinh sản và hoạt động của buồng trứng.

2. Lợi ích của xét nghiệm FSH 

Do có thể xác định những vấn đề liên quan đến bộ máy sinh sản của nam và nữ, nên xét nghiệm FSH được sử dụng nhiều để xác định tình trạng vô sinh, hiếm muộn. Tuy nhiên, để có chỉ số chính xác cần thực hiện FSH cùng nhiều xét nghiệm khác như: LH, estradiol, progesterone.

- Với nam giới, các chỉ số FSH có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân tình trạng yếu tinh trùng, tinh trùng ít, bất sản sinh dục, hội chứng Klinefelters, tinh hoàn gặp vấn đề do nhiễm virus, sang chấn, bức xạ, hóa trị, khối u...

- Với phụ nữ, FSH giúp xác định nguyên nhân kinh nguyệt không đều, phát hiện các rối loạn buồng trứng hoặc tuyến yên. Phát hiện các hội chứng Kalllmann, hội chứng Turner, buồng trứng đa nang, các khối u buồng trứng và nhiều khiếm khuyết khác.

Ảnh 3.

Xét nghiệm FSH có thể tiến hành nhiều xét nghiệm khác như: LH, estradiol, progesterone (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, xét nghiệm FSH kết hợp cùng LH ở trẻ nhỏ trong một số trường hợp có thể giúp phát hiện tình trạng dậy thì sớm. Xét nghiệm này rất quan trọng, bởi hiện nay tỉ lệ dậy thì sớm tương đối cao, một số nguyên nhân đến từ thực phẩm, thói quen ăn uống nhưng cũng có nhiều nguyên nhân do bệnh lý.

Xét nghiệm FSH có thể xác định được các biểu hiện ở trẻ là hiện tượng phát triển sinh lý bình thường hay do các căn bệnh gây ra. Từ đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh chính xác và chỉ định giải pháp điều trị phù hợp.

3. Đối tượng thường được chỉ định xét nghiệm FSH

- Nam giới hoặc nữ giới đang nghi ngờ bị vô sinh, hiếm muộn.

- Nữ giới thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt hoặc có những biểu hiện rối loạn nội tiết tố.

- Nam giới gặp trở ngại trong các cơ quan sinh sản.

- Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.

- Trẻ em có biểu hiện dậy thì sớm.

Trên đây là một số thông tin về xét nghiệm FSH. Các thông tin này có thể tham khảo để các bạn hiểu hơn về hoạt động của cơ thể mình. Tuy nhiên, chỉ các bác sĩ chuyên khoa mới có thể kết luận chính xác về chỉ số FSH. Vì vậy, hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín để nhận được những lời khuyên hữu tích từ bác sĩ.

Tổng hợp

Tác giả: Minh Nghiêm