Tìm hiểu về các phương pháp xét nghiệm sốt xuất huyết: gồm những gì và khi nào cần?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Tìm hiểu về các phương pháp xét nghiệm sốt xuất huyết: gồm những gì và khi nào cần?
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng tránh và rất dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm. Cùng với những triệu chứng bệnh, xét nghiệm sốt xuất huyết là vô cùng cần thiết để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Bệnh sốt xuất huyết dengue có thể được phát hiện dựa trên những triệu chứng đặc trưng như: sốt cao đột ngột và liên tục từ 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng sốt cao lại rất giống với một số căn bệnh khác như sốt virus, nhiễm trùng cấp tính nên nhiều khi không được chẩn đoán chính xác và chữa trị kịp thời.

Lúc này, xét nghiệm sốt xuất huyết rất cần thiết giúp phát hiện bệnh ngay từ đầu, từ đó giúp điều trị kịp thời ngăn chặn biến chứng nguy hiểm cho tính mạng. Xét nghiệm sốt xuất huyết chia thành 2 loại chính là xét nghiệm máu sốt xuất huyết và chẩn đoán hình ảnh.

1. Xét nghiệm sốt xuất huyết

Xét nghiệm máu sốt xuất huyết sẽ giúp phát hiện chính xác nhất triệu chứng sốt cao mà bệnh nhân đang mắc phải có phải do virus dengue gây ra hay không. Với hình thức xét nghiệm sốt xuất huyết này, có các loại xét nghiệm máu sau đây:

- Xét nghiệm sốt xuất huyết tổng phân tích máu: đo số lượng bạch cầu, tiểu cầu và hematocrit. Từ 3 chỉ số này sẽ đánh giá được nguy cơ bị xuất huyết và tình trạng cô đặc máu. Hạ tiểu cầu, giảm bạch cầu là đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết.

- Xét nghiệm sốt xuất huyết Dengue NS1/Ab Combo: ở xét nghiệm này, từ cùng 1 mẫu huyết thanh/huyết tương có thể đồng thời phát hiện và phân biệt được kháng thể IgM, IgG và kháng nguyên NS1.

- Xét nghiệm điện giải đồ (Na+, K+, Cl-) sẽ giúp đánh giá tình trạng rối loạn điện giải trong cơ thể bệnh nhân.

- Xét nghiệm Albumin: loại xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện được tình trạng thoát huyết tương đã xảy ra ở bệnh nhân hay chưa. Thông thường, xét nghiệm này được chỉ định khi nghi ngờ bệnh nhân có tình trạng tăng tính thấm thành mạch.

- Xét nghiệm virus Dengue theo phương pháp Realtime RT-PCR: đây là xét nghiệm sốt xuất huyết giúp phát hiện bệnh sớm nhất, ngay cả khi chưa có triệu chứng bệnh điển hình là xuất huyết, giảm tiểu cầu. Phương pháp này sẽ xác định được chính xác sự có mặt của ARN virus Dengue trong máu của bệnh nhân. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, loại xét nghiệm sốt xuất huyết này có độ nhạy lên tới 95%, đặc hiệu 100% và còn giúp xác định chính xác chủng virus Dengue gây sốt xuất huyết.

Ngoài các phương pháp xét nghiệm máu sốt xuất huyết kể trên, tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể và tùy thuộc vào giai đoạn mắc bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm chức năng gan, thận để đánh giá mức độ biến chứng của bệnh.

2. Xét nghiệm sốt xuất huyết khi nào?

Khi sốt cao 39-40 độ C sang ngày thứ 2-3 không rõ nguyên nhân, người bệnh cần đến bệnh viện làm xét nghiệm để loại trừ sốt xuất huyết. Cần chú ý, nếu bị sốt và kèm trạng thái mệt mỏi, li bì, đau nhức mình mẩy, đau cơ khớp, nhức mắt thì càng cần phải đi khám, bởi đây là dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết.

Trong trường hợp mệt mỏi không muốn tới trực tiếp bệnh viện, cơ sở y tế để làm xét nghiệm sốt xuất huyết thì hiện nay bạn hoàn toàn có thể gọi dịch vụ xét nghiệm sốt xuất huyết tại nhà. 

Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu nhiều. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất, đa phần bệnh nhân vẫn có thể điều trị ngoại trú tại nhà và tái khám theo hẹn.

3. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh xét nghiệm sốt xuất huyết

Chẩn đoán hình ảnh cũng có thể được chỉ định khi muốn xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân sốt xuất huyết. Phần lớn những trường hợp bệnh nhân được chỉ định phương pháp xét nghiệm sốt xuất huyết này đều đã ở giai đoạn sốt xuất huyết cảnh báo, tức là đã có những tổn thương nhất định ở ổ bụng tim, phổi…

Chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp hỗ trợ đánh giá tốt hơn mức độ tổn thương cơ thể và tìm ra biến chứng tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng (nếu có).


Tác giả: hoangtrang