Tìm hiểu về biến chứng nhiễm toan ceton đái tháo đường

Tìm hiểu về biến chứng nhiễm toan ceton đái tháo đường
Nhiễm toan ceton là thuật ngữ không còn xa lạ đối với những bệnh nhân tiểu đường. Biến chứng này có thể xảy ra rất nhanh, ngay cả ở những người mới phát triển các triệu chứng đái tháo đường nhưng chưa được chẩn đoán.

1. Ai có nguy cơ cao bị nhiễm toan ceton đái tháo đường?

Trong số những người bị đái tháo đường, người mắc đái tháo đường type 1 sẽ có nguy cơ gặp biến chứng nhiễm toan ceton cao nhất. Sau một thời gian mắc đái tháo đường type 1, cơ thể sẽ mất khả năng sản sinh ra insulin. Lượng insulin thấp khiến cơ thể không thể sản sinh năng lượng, khiến bạn luôn cảm thấy đói.

Lúc này, gan sẽ phải cố sản sinh nhiều ceton hơn. Người bệnh đái tháo đường type 1 sẽ sử dụng lượng ceton này để sản sinh năng lượng thay cho đường huyết. Biến chứng nhiễm toan ceton cũng có thể xảy ra với người bệnh đái tháo đường type 2 khi họ bị kháng insulin nặng.

2. Biến chứng đe dọa mạng sống

Do ceton là một loại acid, máu sẽ mang tính acid cao hơn khi bị nhiễm toan ceton. Người bệnh sẽ hay bị đau dạ dày, buồn nôn, nôn mửa, hơi thở có mùi trái cây. Nếu tình trạng này tiến triển nặng, bạn có thể bị suy tim, suy hô hấp, suy tạng…

3. Nhiễm toan ceton có thể xảy ra trước khi được chẩn đoán đái tháo đường

Biến chứng này có thể xảy ra rất nhanh, ngay cả ở những người mới phát triển các triệu chứng đái tháo đường nhưng chưa được chẩn đoán. Theo đó, nhiễm toan ceton có thể triến triển nhanh sau vài tuần khi lượng insulin bắt đầu giảm. Hãy chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường như tăng nhu cầu vệ sinh, hay thấy khát, giảm cân nhanh chóng…

4. Bạn cần sử dụng thuốc thường xuyên

Nhiều người bệnh đái tháo đường type 1 thường ngừng tiêm insulin khi họ không thể ăn hoặc cảm thấy buồn nôn. Tuy nhiên, điều này có thể đẩy nhanh tốc độ biến chứng nhiễm toan ceton.

Ngay cả trong những trường hợp đặc biệt như vừa thực hiện phẫu thuật, vừa trải qua một cơn đau tim… người bệnh đái tháo đường vẫn cần tiêm insulin đầy đủ.

5. Bạn có thể điều trị tại nhà nếu có sự đồng ý của bác sỹ

Nếu nghi ngờ mình đang mắc biến chứng nhiễm toan ceton đái tháo đường, bạn có thể mua que thử nước tiểu tại nhà để kiểm tra hàm lượng ceton trong cơ thể.

Tùy vào tình trạng bệnh, bạn có thể được điều trị bằng insulin và uống nhiều nước hơn. Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường cũng nên chú ý kiểm tra đường huyết thường xuyên.

6. Tránh chế độ ăn ketogenic

Nhiều người theo chế độ ăn ketogenic để giảm cân, tuy nhiên chế độ ăn này không phù hợp với người bệnh đái tháo đường type 2. Chế độ ăn ketogenic rất giàu chất béo, ít carbohydrate và có thể khiến gan sản sinh nhiều ceton hơn. Cơ thể sẽ đốt cháy ceton và chất béo dự trữ trong cơ thể để giảm cân, và điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm toan ceton.

7. Bạn sẽ không thể hồi phục nhanh

Tốc độ phục hồi của mỗi người là khác nhau, tuy nhiên tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà người bệnh cần từ 1 - 3 ngày để hồi phục.

Ngoài việc theo dõi lượng đường huyết thường xuyên, tiêm insulin đúng giờ và đúng liều là biện pháp chính để ngăn ngừa nhiễm toan ceton.


Tác giả: Minh Ngọc