Thức ăn thừa ngày Tết bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu?

Thức ăn thừa ngày Tết bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu?
Ngày Tết lượng thức ăn dư thừa nhiều nên việc bảo quản trong tủ lạnh khó khăn hơn cũng như tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu bảo quản không đúng cách.

Việc bảo quản đồ ăn thừa trong tủ lạnh sẽ giúp bạn không bỏ phí thực phẩm, đặc biệt trong dịp lễ Tết - khi lượng thức ăn dư thừa rất nhiều. Tuy nhiên, việc ăn thức ăn thừa để quá lâu trong tủ lạnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, chẳng hạn như ngộ độc. Vậy thức ăn thừa ngày Tết bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu?

1. Bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh được bao lâu?

Theo Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS), thức ăn thừa có thể được bảo quản tối đa 4 ngày trong tủ lạnh và tối đa 4 tháng trong tủ đông. Tuy nhiên, thời gian bảo quản trong bao lâu còn tùy thuộc vào một số yếu tố như cách chế biến, cách bảo quản và loại thực phẩm.

- Hoa quả và rau

Trái cây tươi được rửa sạch và cắt nhỏ thường sẽ giữ được khoảng 3–5 ngày trước khi bắt đầu mất đi độ tươi. 

Khi nấu chín, rau thừa bảo quản trong hộp kín thường có thể bảo quản được từ 3–7 ngày trong tủ lạnh. Các loại rau đóng hộp nấu chín như đậu hoặc các loại đậu khác thường để được 7–10 ngày nếu bảo quản thích hợp.

Các loại trái cây và rau quả có hàm lượng nước cao hơn như cà chua, dưa chuột và dâu tây sẽ mất đi độ tươi nhanh hơn so với những loại có hàm lượng nước thấp hơn như cải xoăn, khoai tây và chuối.

Thức ăn thừa ngày Tết bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu? - Ảnh 1.

Trái cây tươi có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 3-5 ngày trước khi mất đi độ tươi (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Bảo quản đồ ăn ngày Tết trong hộp nhựa nên lưu ý 7 điều này để an toàn cho sức khoẻ

9 sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ đông làm tăng nguy cơ ngộ độc

- Bánh mỳ

Bánh mì tự làm có thể để được khoảng 3 ngày ở nhiệt độ phòng, trong khi bánh mì mua ở cửa hàng sẽ có thể ăn được trong khoảng 5–7 ngày. Bảo quản bánh mì trong tủ lạnh sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng của bánh thêm khoảng 3–5 ngày, tuy nhiên bánh sẽ bị giảm chất lượng nếu để lâu hơn.

- Thịt và gia cầm

Thịt và gia cầm xay đã được nấu ở nhiệt độ an toàn có thể để trong tủ lạnh khoảng 1–2 ngày miễn là thịt được bảo quản ở nhiệt độ bằng hoặc dưới 5°C.

Các loại thịt và gia cầm khác, chẳng hạn như bít tết, phi lê, sườn và thịt quay, có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 3–4 ngày. Sau khi rã đông các loại thịt và gia cầm, bạn nên nấu trong vòng 2 ngày.

Thịt nguội đã mở nắp nên được tiêu thụ trong vòng 3-5 ngày kể từ ngày mở nắp. Tương tự như vậy, các món salad nguội, chẳng hạn như salad trứng, cá ngừ hoặc gà, nên được tiêu thụ trong vòng 3–5 ngày.

- Động vật có vỏ, trứng, súp và món hầm

Trứng là một loại thực phẩm có nguy cơ cao hơn vì chúng có thể truyền vi khuẩn Salmonella. Nên tiêu thụ trứng luộc chín đã bóc vỏ trong vòng 7 ngày kể từ ngày nấu chín và để trong tủ lạnh.

Động vật có vỏ và cá rất nhạy cảm vì chúng có thể chứa nhiều mầm bệnh hoặc chất độc như histamine có thể khiến bạn bị bệnh. Vì vậy, bạn nên bảo quản hải sản trong tủ và ăn lại trong vòng 3 ngày.

Súp và món hầm, có hoặc không có thịt hoặc cá, thường bảo quản được từ 3–4 ngày trong tủ lạnh.

Thức ăn thừa ngày Tết bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu? - Ảnh 2.

Trứng luộc chín đã bóc vỏ có thể bảo quản tối đa 7 ngày trong tủ lạnh nhưng nên ăn trong vòng 3 ngày đầu (Ảnh: Internet)

2. Cách nhận biết thức ăn đã bị hỏng

Mặc dù bảo quản trong tủ lạnh nhưng thức ăn vẫn có thể bị hỏng và nhiễm khuẩn. Một số dấu hiệu cho thấy thức ăn thừa của bạn có thể đã bị hỏng và cần vứt bỏ ngay:

- Vẻ bề ngoài

Một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy thức ăn thừa của bạn đã bị hỏng đó là có sự thay đổi màu sắc hoặc có thể nhìn thấy nấm mốc. Nếu bạn cũng nhận thấy sự khác biệt về kết cấu, chẳng hạn như thực phẩm trông khô, nhăn nheo hoặc có lớp chất nhờn trên bề mặt, bạn nên vứt bỏ thực phẩm đó ngay.

- Mùi

Thêm một dấu hiệu khác để nhận biết thức ăn thừa của bạn có bị hỏng hay không đó là mùi của thức ăn. Nếu thức ăn thừa có mùi hôi hoặc mùi ôi thiu, tốt nhất bạn nên vứt ngay. Một số thức ăn thừa có thể có mùi nồng nặc, vì vậy nếu bạn không chắc chắn và cảm thấy hơi có mùi một chút, tốt nhất bạn nên chọn cách an toàn và vứt chúng đi để không có nguy cơ mắc bất kỳ bệnh tật tiềm ẩn nào. Bạn cũng có thể tìm kiếm các dấu hiệu hư hỏng khác để giúp đưa ra quyết định.

- Nếm

Bất kỳ sự thay đổi hương vị hoặc vị chua rõ ràng đều cho thấy thực phẩm không còn ăn được nữa. Do đó, nếu thử nếm thức ăn và cảm thấy hương vị khác biệt so với ban đầu, bạn không nên tiếc mà tiếp tục ăn chúng.

Thức ăn thừa ngày Tết bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu? - Ảnh 3.

Nếu nhận thấy thức ăn thừa có vị chua thì nên vứt bỏ ngay (Ảnh: Internet)

3. Cách bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh

Bảo quản thức ăn thừa đúng cách sẽ đảm bảo thức ăn được bảo quản lâu nhất có thể cũng như phòng tránh tình trạng nhiễm khuẩn chéo giữa các loại thực phẩm. Dưới đây là cách bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh:

- Làm lạnh hoặc đông lạnh thức ăn thừa trong vòng 2 giờ

Vi khuẩn phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 4°C đến 60°C. Phạm vi nhiệt độ này được gọi là "vùng nguy hiểm". Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bạn nên cất chúng vào trong tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi nấu (hoặc trong vòng 2 giờ sau khi lấy chúng ra khỏi thiết bị hâm nóng).

Mặc dù việc bảo quản lạnh làm chậm sự phát triển của hầu hết vi khuẩn nhưng điều quan trọng cần lưu ý là một số vi khuẩn như Listeria monocytogenes vẫn có thể phát triển ở nhiệt độ lạnh.

- Bảo quản thức ăn thừa trong túi kín hoặc hộp đựng nông và kín khí

Việc đậy kín, bọc hoặc niêm phong thực phẩm sẽ giúp thực phẩm luôn ẩm và ngăn ngừa những mùi không mong muốn từ các loại thực phẩm khác. 

Tuy nhiên, khi lựa chọn hộp bảo quản thực phẩm bạn nên lưu ý: Nếu chọn hộp nhựa, bạn nên lựa chọn những hộp nhựa có in số 2, số 4 và số 5 ở phía dưới - đây được coi là loại nhựa an toàn cho việc bảo quản thực phẩm. Ưu tiên bảo quản thức ăn trong hộp thuỷ tinh để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.

- Ghi tem nhãn nên hộp thực phẩm

Ghi tem nhãn lên hộp thực phẩm sẽ giúp bạn biết thời gian bắt đầu bảo quản để có có kế hoạch nên ăn món nào trước và thời gian cần vứt bỏ. Bạn cũng nên ghi chú thêm những món nào không để được lâu ngày và ưu tiên ăn những thực phẩm đó trước.

- Nên bảo quản thức ăn thừa ở ngăn trên cùng của tủ lạnh

Những thực phẩm thừa không nên để tiếp xúc với mầm bệnh có thể nhỏ giọt từ thịt sống hoặc các thực phẩm khác. Vì vậy, nên để thức ăn thừa ở ngăn trên cùng của tủ lạnh (tủ mát chứ không phải tủ đá).

- Giữ tủ lạnh của bạn ở mức dưới 4 độ C

Đây là nhiệt độ có thể ngăn chặn sự phát triển của hầu hết các loại vi khuẩn.

- Vứt bỏ thức ăn thừa đã được hâm nóng lại một lần

Khi hâm nóng lại thức ăn trong tủ lạnh thì một số loại vi khuẩn có thể đã phát triển trong thức ăn. Do vậy, nếu ăn không hết thì bạn nên vứt bỏ luôn.

- Làm tan thức ăn thừa đông lạnh trong tủ lạnh để chúng được an toàn

Nếu thức ăn thừa của bạn được bảo quản ở dạng cấp đông, bạn nên rã đông thực phẩm ở trong tủ, tránh bỏ ra bên ngoài vì có thể khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn và gây hại.

Thức ăn thừa ngày Tết bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu? - Ảnh 4.

Bảo quản thức ăn thừa trong hộp kín khi cho vào tủ lạnh (Ảnh: Internet)

4. Cách hâm nóng thức ăn thừa trong tủ lạnh

Nếu hâm nóng lại thức ăn trong tủ lạnh không đúng cách, bạn cũng có thể bị ngộ độc hoặc gặp các vấn đề về tiêu hoá như đi ngoài, đau bụng,... Vì vậy, khi hâm nóng lại thức ăn trong tủ lạnh, bạn nên lưu ý một số điều sau:

- Hâm thức ăn thừa đã bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ ít nhất là 74°C để tiêu diệt các loại vi khuẩn nguy hiểm. Nước thịt và nước sốt nên được hâm nóng lại cho đến khi sôi.

- Hâm nóng thức ăn thừa trên bếp hoặc trong lò nướng hoặc lò vi sóng. Không nên sử dụng nồi nấu chậm hoặc bộ phận giữ nóng để hâm nóng thức ăn thừa. Chúng có thể giữ nhiệt độ của thực phẩm trong phạm vi vùng nguy hiểm, khiến việc ăn uống không an toàn.

5. Nguy cơ ăn phải thực phẩm hư hỏng

Ăn thực phẩm không được nấu chín hoặc bảo quản không đúng cách có thể gây ngộ độc thực phẩm. Thức ăn thừa đặc biệt có nguy cơ cao nhiễm các mầm bệnh từ vi khuẩn vì bào tử của chúng bay tự do trong không khí và bám vào thức ăn. Điều này tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, có thể tạo ra độc tố nấm mốc có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc kết hợp các triệu chứng này.

Một số loại vi khuẩn được tìm thấy trong các loại thực phẩm thông thường và gây ngộ độc thực phẩm, bao gồm:

- Listeria monocytogenes: thịt nguội, trứng nấu chưa chín, trái cây và rau quả chưa rửa kỹ, hải sản hun khói.

- Ciguatoxin: cá nhiệt đới và cận nhiệt đới, như cá mú và cá hồng.

- Bacillus cereus: gạo, đậu, khoai tây, mì ống, thịt, rau và cá.

- Tụ cầu vàng: thịt nguội, salad nguội, nhân bánh ngọt, bánh pudding, bánh mì sandwich.

- Salmonella: trứng, trái cây, rau, bơ hạt, thịt và gia cầm.

- Escherichia coli: thịt chưa nấu chín, trái cây và rau quả chưa được rửa kỹ (đặc biệt là các loại rau lá xanh), sữa chưa tiệt trùng.

Phụ nữ có thai, trẻ em, người già, người bị suy yếu hệ miễn dịch nên thận trọng hơn khi ăn thức ăn thừa. Vì đây là những nhóm người dễ bị tổn thương và gặp các biến chứng nghiêm trọng hơn nếu như bị ngộ độc do các loại vi khuẩn trên.

Nguồn tham khảo:

1. How Long Do Leftovers Keep?

2. How Long Are Leftovers Good For?


Tác giả: Vân Anh