Thử máu thường xuyên giúp tầm soát ung thư buồng trứng sớm

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Thử máu thường xuyên giúp tầm soát ung thư buồng trứng sớm
Theo nghiên cứu, chỉ bằng xét nghiệm máu có thể tầm soát ung thư buồng trứng, phát hiện tới 86% trường hợp so với các cách thông thường khác.

1. Xét nghiệm máu đóng vai trò quan trọng trong tầm soát ung thư buồng trứng 

Xét nghiệm máu tìm ung thư là phương pháp nhằm tìm xem người xét nghiệm có dấu ấn sinh học hoặc dấu ấn ung thư trong máu hay không. Người ta dùng nó như phương tiện phát hiện, sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến, bao tử, tụy tạng, máu… và một số ung thư khác như gan, phổi, tế bào hắc tố (nốt ruồi đen), buồng trứng… Xét nghiệm này có khả năng phát hiện ung thư từ giai đoạn rất sớm, do đó nó đóng vai trò vô cùng quan trọng với tầm soát ung thư buồng trứng.

Đây là phát hiện của một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học London sau khi theo dõi tình trạng sức khỏe của hơn 46.000 phụ nữ trong vòng 14 năm. Họ nhận thấy khối u buồng trứng sản sinh ra một chất có tên là CA125 và có thể theo dõi lượng CA125 trong máu thông qua việc tiến hành thử máu hàng năm hay còn gọi là xét nghiệm máu trong tầm soát ung thư buồng trứng.

Khi phát hiện chất này bắt đầu tăng, người nghi mắc bệnh sẽ được gửi đi làm các xét nghiệm sâu hơn, bao gồm siêu âm. Kết quả là tới 86% các trường hợp nghi ngờ sau đó được xác nhận là mắc bệnh ung thư buồng trứng.

Giáo sư Usha Menon thuộc nhóm nghiên cứu cho biết, việc phát hiện sớm khối u sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị.

Theo thống kê tại Anh, mỗi năm có khoảng 7.100 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng và 4.200 người chết vì căn bệnh này.

2. Xét nghiệm máu không thể tầm soát ung thư buồng trứng chính xác 100%

Tuy nhiên, xét nghiệm máu không thể hiện 100% bản chất ung thư, vì có thể cho kết quả dương tính giả do máu có những chất tương đồng với khối u. Để xác định có khối u ung thư hay không, thường phải làm lại xét nghiệm sau một thời gian 3-6 tháng… Nếu đúng là có khối u ung thư thì các chỉ số này càng tăng theo tỷ lệ kích thước khối u. Khi các chỉ số nhích lên sẽ kết hợp với các chẩn đoán hình ảnh khác để xác định "đối tượng". Ví dụ chụp CT toàn thân, chụp hình cộng hưởng khuếch tán toàn thân phát hiện ung thư giai đoạn rất sớm. Nếu là dương tính giả, chỉ số sẽ vọt lên rồi sụt xuống.

Đáng lo nhất là hiện tượng âm tính giả, tức là có ung thư nhưng không phát hiện được, ví dụ ung thư gan không tiết AFP vào máu. Đây là vấn đề nan giải, vì đôi khi bệnh nhân tưởng mình không bệnh, nhưng thật ra bệnh vẫn âm thầm phát triển.

Dấu ấn ung thư còn được sử dụng để theo dõi điều trị. Trước khi điều trị sẽ làm xét nghiệm, ví dụ trước mổ chỉ số là 100 đơn vị, thì sau khi mổ sẽ còn một-hai đơn vị. Nhưng sau mổ một thời gian, xét nghiệm lại, thấy chỉ số tăng cao là báo hiệu có di căn. Xét nghiệm dấu ấn ung thư có giá 50.000-100.000 đồng/chỉ số ung thư.


Tác giả: Phương Thuận