Theo dõi và quản lý cuộc sống sau điều trị ung thư máu

Theo dõi và quản lý cuộc sống sau điều trị ung thư máu
Thông thường, bệnh nhân sẽ phải theo dõi trong một khoảng thời gian dài sau điều trị ung thư máu. Việc theo dõi sẽ bao gồm quản lý sức khoẻ, tâm lý và các tác dụng phụ của điều trị.

Theo dõi và quản lý cuộc sống là vấn đề được quan tâm hàng đầu sau điều trị ung thư máu. Quá trình theo dõi có thể được tiến hành trong một khoảng thời gian dài sau điều trị.

Vậy bệnh nhân ung thư máu sẽ được theo dõi những gì sau khi kết thúc việc điều trị? Việc theo dõi này có ý nghĩa như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau.

1. Theo dõi tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu

Tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu là điều không thể tránh khỏi. Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện sau vài năm kể từ khi kết thúc việc điều trị. Chúng được gọi là tác dụng phụ muộn hoặc "hiệu ứng muộn". Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên trong một thời gian dài sau điều trị. Việc theo dõi này sẽ giúp các bác sĩ can thiệp kịp thời và hạn chế các "hiệu ứng muộn".  

Hóa trị và xạ trị có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như hội chứng myelodysplastic (bệnh tủy xương) và các bệnh ung thư thứ phát. Ngoài ra, chúng còn là tác nhân gây ra các vấn đề về tim mạch, đường ruột, da và một số cơ quan khác. Xạ trị ở trẻ em cũng được khuyến cáo là làm tăng khả năng phát triển ung thư phổi và ung thư vú.

Do đó, để giảm thiểu sự ảnh hưởng của các "hiệu ứng muộn" bệnh nhân cần lưu ý:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím.

- Không sử dụng thuốc lá.

- Tự theo dõi các biểu hiện bất thường trên cơ thể.

- Kiểm tra và khám sức khoẻ định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa.

2. Lưu ý về vấn đề tâm lý cho bệnh nhân

Sau điều trị ung thư máu, bệnh nhân thường lo sợ bệnh sẽ tái phát hoặc di căn đến một bộ phận khác. Đây là một nỗi sợ bình thường và thường diễn ra trong khoảng vài năm đầu sau điều trị. Những nỗi sợ vô thức này có thể khiến bệnh nhân quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ của mình. Cụ thể, nó thúc đẩy bệnh nhân phải tái khám thường xuyên và tự chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Việc tái khám định kỳ cũng sẽ giúp phát hiện những triệu chứng đầu tiên của ung thư máu tái phát.

Tuy nhiên, về lâu dài thì những nỗi sợ tái phát này cũng không thật sự tốt cho bệnh nhân. Đặc biệt là khi bệnh nhân quá lo lắng dẫn đến việc sức khoẻ bị ảnh hưởng. Việc lo lắng quá độ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, việc ăn uống và cả tâm lý.

Trong trường hợp này, người thân có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện tâm lý cho bệnh nhân. Bệnh nhân có thể trò chuyện về những vấn đề mà mình lo lắng cho những người thân thiết. Ngoài ra, các hoạt động vui chơi, giải trí hoặc thể thao cũng được khuyến khích cho bệnh nhân. Việc cởi bỏ tâm lý giúp bệnh nhân có khả năng phục hồi tốt hơn sau điều trị ung thư máu và các bệnh ung thư nói chung. 

3. Chế độ ăn uống và luyện tập

Một chế độ chăm sóc sức khoẻ hợp lý có thể cải thiện chất lượng cuộc sống sau điều trị ung thư máu. Để chăm sóc tốt cho sức khoẻ của mình, bệnh nhân nên áp dụng những mẹo nhỏ sau:

- Tập luyện thể dục, thể thao: Tập luyện thể dục không chỉ giúp tăng tốc độ hồi phục mà còn giúp cải thiện tâm lý. Ngoài ra, việc luyện tập đúng cách còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư máu tái phát. Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn nhưng môn thể thao vừa sức. Các môn tập luyện được khuyến khích cho bệnh nhân sau điều trị ung thư máu như đi bộ. yoga…

- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và phù hợp: Sau điều trị, bệnh nhân ung thư máu cần được bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Một chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp nâng cao sức đề kháng và tránh tình trạng béo phì.

- Nghỉ ngơi đúng cách: Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục sau điều trị ung thư máu. Đồng thời, việc nghỉ ngơi đúng cách sẽ giúp bệnh nhân hạn chế được tác động của các tác dụng phụ.

Tác dụng phụ, tâm lý và sức khoẻ là những điều cần được theo dõi sau điều trị ung thư máu. Do đó, bệnh nhân đừng quên thăm khám định kỳ để được theo dõi chặt chẽ những vấn đề này nhé.


Tác giả: Thùy Dung