Tán sỏi ra ngoài cơ thể và những điều bạn cần biết

Tham vấn chuyên môn: -
Tán sỏi ra ngoài cơ thể và những điều bạn cần biết
Tán sỏi ra ngoài cơ thể là một liệu pháp điều trị rất tốt khi sỏi không quá 20mm và chức năng thận còn tốt. Phương pháp này có nhiều ưu điểm, tuy nhiên, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ những thông tin dưới đây...

Bác sĩ Dương Văn Trung, Phó trưởng Khoa ngoại Bệnh viện Bưu điện, cho biết, sỏi tiết niệu chiếm khoảng 30-40% các bệnh đường tiết niệu. Hình thái bệnh sỏi đường tiết niệu cũng rất phức tạp nên một phương pháp điều trị không thể giải quyết được tất cả các loại sỏi.

Trong đó, sự ra đời của tán sỏi ngoài cơ thể vào những năm 80 của thế kỷ trước là một cuộc cách mạng trong điều trị bệnh sỏi tiết niệu. Căn cứ vào vị trí (sỏi ở thận hay niệu quản, bàng quang, niệu đạo), kích thước và mức độ ảnh hưởng của sỏi đến thận, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Tán sỏi ngoài cơ thể có ưu thế hơn trong điều trị sỏi thận khi chức năng thận còn tốt và kích thước sỏi khoảng 20 mm trở xuống. Ưu điểm của phương pháp này là giảm thời gian và chi phí điều trị. Tuy nhiên, nó không thể thay thế hoàn toàn các phương pháp. Trong những trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể phối hợp với nội soi lấy sỏi, thậm chí đôi khi phải mổ mở.

Bác sĩ Dương Văn Trung cũng cho biết, có nhiều cách điều trị sỏi tiết niệu mà không cần mổ mở như tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser, mổ nội soi, lấy sỏi qua da hay tán sỏi ngoài cơ thể... Tuy nhiên, tán sỏi ngoài cơ thể vẫn là lựa chọn hàng đầu nếu bệnh nhân đến viện khi sỏi còn nhỏ; sỏi chưa gây hậu quả xấu đến thận, nghĩa là chức năng bài tiết của thận còn tốt, đường tiết niệu không bị hẹp, bảo đảm đường ra của sỏi an toàn, thông suốt. Nếu bệnh nhân đến viện khi sỏi đã to, chức năng thận đã yếu thì không được chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể; mà có thể áp dụng một số phương pháp ít xâm nhập khác như mổ nội soi, lấy sỏi qua da... Mổ mở là lựa chọn cuối cùng.

Trong y học, bất kỳ phương pháp can thiệp nào cũng có biến chứng, tán sỏi ngoài cơ thể cũng vậy, tuy tỷ lệ rất thấp. Biến chứng thường gặp sau tán sỏi là viêm nhiễm đường tiết niệu (nếu trước khi tán bệnh nhân có tiềm ẩn nhiễm khuẩn đường tiết niệu), chảy máu, ảnh hưởng đến cơ quan kế cận... Riêng sỏi tái phát thì phương pháp điều trị nào cũng có, bởi nguyên nhân sinh sỏi là bệnh lý về chuyển hóa. Phương pháp can thiệp nào gây sang chấn lớn cho đường tiết niệu thì tỷ lệ tái phát sẽ cao hơn. Tán sỏi ngoài cơ thể và nội soi ít gây sang chấn hơn mổ mở nên cũng ít gây tái phát hơn, với điều kiện người bệnh phải uống nhiều nước (trên 2 lít/ngày).

Theo bác sĩ Trung, chi phí cho một ca tán sỏi ngoài cơ thể hiện nay không quá cao so với thu nhập của người dân, nhất là khi so sánh với các cách điều trị khác. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ triển khai được ở những nơi có cơ sở vật chất tốt, đồng bộ.

Xem thêm: Đánh bật sỏi thận nhờ bài thuốc đơn giản từ rau mùi tàu

Theo Sức khỏe và Đời sống

Minh Ngọc

Tác giả: LMN