Sỏi thận hình thành như thế nào?

Tham vấn chuyên môn: -
Sỏi thận hình thành như thế nào?
Sỏi thận là căn bệnh phổ biến ở hệ cơ quan thận - tiết niệu. Vậy sỏi thận là bệnh gì, sỏi thận hình thành như thế nào, diễn biến của sỏi thận khi chúng không được đào thải ra bên ngoài cơ thể...?

Sỏi thận là bệnh lý thường gặp ở người. Sỏi có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiểu như niệu quản, bàng quang, niệu đạo nam giới và đặc biệt thường xuyên nằm ở thận.

1. Sỏi thận hình thành như thế nào?

Sỏi thận hay sạn thận, sỏi đường tiết niệu được hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi thận. Đây là bệnh đường tiết niệu thường gặp nhất.

Trong trường hợp sỏi bé, có thể tự đẩy ra ngoài đường tiểu, tuy nhiên nếu viên sỏi đã phát triển to với kích cỡ lớn có thể gây tổn thương thận, cọ xát vào đường tiểu gây ra các hiện tượng đau lưng, tiểu buốt, tiểu ra máu.

Sự hình thành sỏi thận dựa trên nồng độ cao các tinh thể. Ví dụ như tinh thể canxi oxalate được lọc qua thận rồi vào nước tiểu. Tại đây, chúng nhanh chóng gắn kết lại với nhau và hình thành tinh thể. Có hai loại tinh thể cơ bản:

- Loại đồng nhất là loại tinh thể bao gồm các phân tử bao quanh một nhân cùng cấu trúc.

- Loại không đồng nhất là loại tinh thể bao gồm các phân tử bao quanh một nhân với cấu trúc khác, chẳng hạn như là mảnh vỡ của tế bào.

Thời gian đầu, viên sỏi trong thận có thể được đào thải bằng đường tiểu và hầu hết các bệnh nhân đều không cảm nhận được sự hiện diện của sỏi thận vì kích cỡ sỏi lúc này còn nhỏ. Khi viên sỏi đạt kích cỡ 4-5mm sẽ rất khó vượt qua được các đoạn hẹp giải phẫu của ống niệu quản.

Sỏi "cố thủ" trong thận có thể gây tắc nghẽn niệu quản, các cạnh sắc bén trên bề mặt sỏi gây tổn thương những nơi mà chúng đi qua. Đặc biệt là tại đoạn hẹp của niệu quản khi bắt chéo với động mạch chậu trước khi dẫn vào bàng quang, sỏi kẹt sẽ gây ra cơn đau dữ dội cho đến khi sỏi rơi vào trong bàng quang và được đào thải ra ngoài khi đi tiểu.

2. Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận

- Thói quen sinh hoạt và cách ăn uống là những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh sỏi thận. Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu vẫn là xuất phát từ sự lắng đọng hay cung cấp nước không đủ, đặc biệt là đối với những người làm việc nặng nhọc.

- Chế độ ăn uống: nhiều calci, nhiều acid uric...

- Thói quen uống nước lúc nhiều lúc ít.

- Nhịn tiểu, nín tiểu có thể khiến các chất cặn kết lại lâu ngày hình thành nên sỏi thận

- Những người bị u xơ tiền liệt tuyến, u xơ trong bàng quang làm cho nước tiểu bị đọng lại ở khe lẽ.

- Cường tuyến cận giáp: sỏi calci.

- Loạn dưỡng cystin, oxalic...

- Bị chấn thương nặng và không đi lại được phải nằm một chỗ cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi thận.

- Nhiễm trùng bộ phận sinh dục, do không vệ sinh thường xuyên nên vi trùng có cơ hội xâm nhập gây tình trạng viêm đường tiết niệu. Về lâu sẽ tạo ra mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, hình thành nên sỏi thận.

Ngoài ra bệnh sỏi thận cũng có thể xuất phát từ thói quen ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm nhiều canxi sẽ thúc đẩy hình thành sỏi thận. Nên hạn chế uống cà phê hoặc các chất kích thích vì đây cũng là nguyên nhân hình thành sỏi.

Thông thường, khi sỏi to người bệnh mới cảm nhận được các triệu chứng. Lúc này những cơn đau lưng, đau háng hay dưới xương sườn, từ mặt bụng ra lưng, từ bụng đến háng là những cơn đau thường gặp ở người mắc sỏi thận.

Khi bị sỏi thận, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau khi đi tiểu. Về màu sắc nước tiểu có thể có mùi hôi, màu đục hoặc lẫn máu.

Đối với một số người, sỏi thận sẽ làm cho đường tiết niệu bị kích thích dẫn đến co thắt, bóp chặt hòn sỏi làm cho đường tiết niệu bị tắc nghẽn. Nếu sỏi không được đào thải ra bên ngoài cơ thể, nhiều khả năng sẽ bị thận ứ nước, viêm đường tiết niệu...

Trên đây là một số thông tin giải đáp thắc mắc sỏi thận hình thành như thế nào, hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thể hình dung rõ hơn về sự hình thành của căn bệnh này để chủ động có những phương pháp phòng tránh và nhận biết một cách tốt nhất.


Tác giả: TMH