Phân loại nấm da dựa vào chủng nấm gây bệnh

Phân loại nấm da dựa vào chủng nấm gây bệnh
Nấm là một loại thực vật hạ đẳng, không có diệp lục tố nên không tổng hợp được chất hữu cơ, phải sống nhờ vào chất hữu cơ của sinh vật khác bằng cách hoại sinh hoặc bằng cách sống ký sinh vào vật chủ.

Nấm da ở người có rất nhiều loại. Bệnh có nhiều thể khác nhau, với đối tượng mắc và diễn biến bệnh đa dạng. Các chuyên gia dựa vào chủng nấm gây bệnh trên da để phân biệt. Theo đó, nấm da được phân làm ba loại. Cụ thể như sau:

1. Phân loại bệnh da do nấm sợi

- Loại nấm: Dermatophytosis là loại nấm sợi thường gặp. Chủng nấm phát triển thuận lợi nhất là ở các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum là ba loài nấm sợi thường gây bệnh gặp ở người: geophilic organisms là chủng nấm sợi có thể lây nhiễm từ đất, zoophilic là chủng nấm lây từ động vật và chủng nấm anthropophilic được lây  từ người bệnh.

- Vùng da dễ mắc bệnh: lòng bàn chân, kẽ ngón chân, ngón tay. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nấm sợi xảy ra ở toàn thân. Loại nấm này không thể gây bệnh ở niêm mạc.

- Biểu hiện bệnh: vùng da đỏ và bong vảy liên tục. Vảy có thể bong theo từng đám nhỏ hoặc lan tràn toàn bộ khu vực bị bệnh. ban đầu, vảy này chỉ ở 1 vùng, dần dần lan sang các vùng còn lại và gây ngứa. Khi diễn biến bệnh nặng hơn, vùng da nấm bị nứt trên và có nhiều bợt trắng đi kèm với việc chảy nước. Vùng da nhiễm nấm bị đau và ngứa nhiều.

Cách phân loại bệnh nấm da - Ảnh 1.

Nấm sợi có thể xảy ra ở khắp toàn thân - Ảnh Internet

- Ở thể nặng nhất: nấm da dạng sợi có hình thái tổ đỉa.

Tổ đỉa là các đám mụn nước nằm sâu dưới da, khó vỡ. Các mụn nước này sau khi vỡ đi, để lại bề mặt lỗ chỗ, đau và ngứa rất nhiều. Tổ đỉa gây tổn thương cho da rất sâu và rộng: ban đầu chỉ là những chấm đỏ, có vảy nhỏ, sau dần lan ra thành mảng hình tròn hoặc bầu dục, trên bờ có nhiều mụn nước và vảy da, bề mặt đỏ, hơi gồ cao ở những mép bờ, liên kết với nhau thành mảng lớn hình cung, phần giữa nhạt màu hơn.

Tổn thương có thể lan rộng toàn thân trong một số trường hợp do sử dụng các thuốc corticoid tại chỗ hoặc toàn thân hay trên những bệnh nhân mắc hội chứng  suy giảm miễn dịch. 

-Biến chứng chủ yếu của nấm da dạng sợi: khi người bệnh gãi nhiều và vệ sinh không tốt. sẽ gây ra bội nhiễm và chàm hoá da.

2. Phân loại bệnh da do nấm Candida

- Loại nấm: C. albicans , hay còn gọi là nấm Candida. Đây là loài nấm men có hình bầu dục, kích thước 2-6 × 3-9 µm. Khi soi tươi phát hiện nấm men nảy chồi và giả sợi. Trên thực tế, loại nấm này có thể tạo ra tế bào nấm nảy chồi, giả sợi hoặc sợi thực sự. 

- Đối tượng dễ mắc bệnh: Nấm Candida có thể gây bệnh ở tất cả các giới, bệnh xảy ra ở các lứa tuổi khác nhau.

 Những người có yếu tố nguy cơ cao như: người bị  tăng tiết mồ hôi,người sử dụng corticoid và kháng sinh phổ rộng, người mắc chứng khô miệng, người có vết thương băng bịt, bệnh nhân đái tháo đường, người bị suy giảm miễn dịch (bao gồm nhiễm HIV/AIDS)... thường có nguy cơ cao nhiễm loại nấm này.

Phân loại nấm da dựa vào chủng nấm gây bệnh - Ảnh 2.

Nấm Candida có thể gây bệnh ở các lứa tuổi khác nhau và ở cả hai giới - Ảnh Internet

- Biểu hiện bệnh: bệnh thường xảy ra ở những khu vực kín và có nếp gấp. Cụ thể: nếp lằn dưới vú, mông, nách, khoeo, kẽ ngón chân, ngón tay, quanh móng và móng. Khi bệnh nhân ngâm nước nhiều, hay tăng cân nhanh, thời tiết trở lên nóng ẩm,… là các yếu tố thuận lợi để tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

Loại nấm này có thể gây bệnh ở niêm mạc.

3. Phân loại bệnh do nấm thuộc nhóm Malassezia (Lang ben)

- Loại nấm: Nấm thuộc nhóm Malassezia.

Nấm loại này được phân thành 12 chủng khác nhau, trong đó có 8 chủng hay gây bệnh cho người. Khi soi trực tiếp sẽ thấy hình ảnh sợi nấm ngắn xen kẽ với bào tử nấm.

Cách phân loại bệnh nấm da - Ảnh 3.

Vùng da nhờn, đổ mồ hôi khiến bệnh lang ben phát triển- Ảnh Internet

- Biểu hiện bệnh: Các tổn thương liên kết với nhau thành mảng lớn hình nhiều cung, biểu hiện thường thấy là dát hình tròn hay hình bầu dục trên có vảy da mỏng. Màu của bệnh lang ben thường thấy nhất là màu nâu hay nâu vàng; thỉnh thoảng có màu hồng. Màu hồng này xuất hiện do hiện tượng viêm nhẹ. Khi thời tiết nóng bức, cơ thể cảm thấy bí bách và đổ mồ hôi nhiều, bệnh nhân sẽ cảm thấy ngứa và rát nhẹ.

- Đối tượng dễ mắc bệnh: Bệnh hay gặp ở tuổi thanh thiếu niên và người sử dụng corticosteroid,  do nhóm này có mồ hôi quá nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển. Đối tượng tiếp theo dễ mắc phải là người dinh dưỡng kém, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai.

- Vị trí thường gặp: lưng, mông, mặt ở tuổi dậy thì, vùng ngực và vùng liên bả vai, vùng da dầu do những khu vực này tiết nhiều  mồ hôi và bã nhờn. Ngoài ra, tổn thương có thể gặp, da đầu, khoeo, dưới vú và bẹn.

Loại nấm này không thể gây bệnh ở niêm mạc.

Tác giả: Ngọc Điệp