Phải làm gì khi trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi?

Phải làm gì khi trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi?
Trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi có thể được điều trị bằng một số biện pháp tại nhà như tắm nước ấm, nhỏ nước muối,...

Thông thường, trẻ bị nghẹt mũi xảy ra khi chất nhầy dư thừa tích tụ trong đường thở và đường mũi. Nguyên nhân là do cơ thể nhiễm mầm bệnh từ vi khuẩn, virus hoặc do ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi. Đôi khi vì không tìm ra được nguyên nhân nên gặp khó khăn trong việc điều trị.

Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi? Nên làm gì khi trẻ gặp tình trạng này?

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi?

Ngay cả khi không nhiễm mầm bệnh, trẻ vẫn có thể bị nghẹt mũi. Điều này xảy ra do nhiều yếu tố, chẳng hạn:

- Đối với trẻ sơ sinh, do cấu tạo đường thở của trẻ vẫn còn nhỏ nên chúng ta nghe hơi thở của trẻ rất giống như đang bị ngạt. Hơn nữa, khi thời tiết hơi hanh khô thì trẻ sơ sinh sẽ bị ảnh hưởng rất nhanh, kết hợp với đường thở hẹp nên dẫn tơi việc nghẹt mũi.

- Chất gây kích ứng trong không khí: Những yếu tố như khói thuốc lá, khói nấu ăn, nước hoa nồng nặc, máy khuếch tán hương liệu trong phòng hoặc khói từ các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, sơn hoặc vecni,... có thể gây kích ứng đường mũi của bé, khiến trẻ bị nghẹt mũi tạm thời mà không có dịch mũi.

- Không khí khô: Độ ẩm thấp có thể làm khô và kích ứng đường mũi, dẫn tới nghẹt mũi mà không có dịch nhầy. Không khí khô có thể là là kết quả của việc sử dụng hệ thống sưởi ấm trong nhà hoặc đơn giản là sống ở nơi có khí hậu lạnh và khô.

Tuy nhiên, việc không thấy trẻ chảy nước mũi khi nghẹt mũi cũng không có nghĩa là trẻ không có dịch trong mũi. Nếu con bạn dành quá nhiều thời gian để nằm ngửa thì chất nhầy có thể dễ dàng tích tụ ở phía sau mũi hoặc cổ họng, do đó chúng ta không nhận ra trẻ có chất nhầy ở mũi.

Phải làm gì khi trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi? - Ảnh 2.

Một số yếu tố môi trường có thể khiến trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Nên làm gì khi trẻ chảy nước mũi màu xanh?

Chữa sổ mũi bằng tỏi và sự thật đáng sợ!

2. Dấu hiệu cho thấy trẻ bị nghẹt mũi

Vì trẻ nhỏ chưa biết nói hay diễn tả những gì mà trẻ đang gặp phải nên đôi khi cha mẹ không biết trẻ có bị nghẹt mũi hay cảm thấy khó thở hay không. Dựa vào một số dấu hiệu sau đây có thể giúp cha mẹ nhận biết trẻ đang bị nghẹt mũi hay không:

- Sụt sịt

- Hơi thở bất thường

- Ngáy khi ngủ

- Cảm giác khó khăn khi cho ăn

- Ho nhẹ

3. Nên làm gì khi trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi

Trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi có thể do nhiều nguyên nhân. Trước khi tìm các biện pháp điều trị, cha mẹ nên quan sát thêm các triệu chứng khác của trẻ để xem liệu con trẻ có đang bị bệnh gì đó hay không.

Xem rằng liệu con có bị sốt không? Trẻ có bơ phờ hay mệt mỏi không? Có đi tiểu thường xuyên không hay đang có dấu hiệu mất nước? Trẻ có bú bình thường không hay cáu gắt và bỏ bú? Sự tắc nghẽn có cản trở giấc ngủ của trẻ không?

Nếu bạn thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám để tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Phải làm gì khi trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi? - Ảnh 3.

Vệ sinh mũi cho trẻ sẽ giúp đường thở của trẻ thông thoáng hơn (Ảnh: Internet)

Mặt khác, nếu trẻ có sức khoẻ bình thường, ăn, ngủ và đi tiểu bình thường thì bạn có thể sử dụng một số biện pháp tại nhà để giảm triệu chứng nghẹt mũi cho trẻ:

- Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý: Như đã đề cập, việc trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi có thể do dịch mũi tích tụ ở phía sau mũi hoặc cổ họng. Vì vậy, việc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý sẽ giúp làm loãng dịch nhầy bên trong mũi cũng như làm sạch các dị nhân khác như bụi bẩn. Điều này sẽ giúp trẻ thông thoáng đường thở và giảm nghẹt mũi.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm có thể ngăn ngừa không khí khô gây kích ứng đường mũi của bé, giảm tình trạng nghẹt mũi do thời tiết hanh khô.

- Massage mặt: Dùng ngón tay cái xoa nhẹ sống mũi, trán, thái dương và xương gò má. Điều này có thể giúp thoát nước mũi bên trong và làm thoáng đường thở của trẻ.

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng: Cha mẹ nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên và mở cửa sổ để giúp không khí trong lành. Điều này có thể làm giảm khả năng tiếp xúc của bé với các chất kích thích và giảm tình trạng nghẹt mũi.

- Tắm với nước ấm và tinh dầu: Hơi ấm từ nước sẽ giúp mạch máu mũi giãn nở, từ đó có thể giúp máu lưu thông dễ dàng hơn, giảm tình trạng tắc nghẽn và sưng viêm bên trong mũi. Đặc biệt, thêm 1 đến 2 giọt tinh dầu sẽ làm tăng hiệu quả cũng như giữ ấm cho cơ thể của trẻ. Cha mẹ có thể lựa chọn tinh dầu tràm, dầu oải hương, dầu hoa cúc,... 

Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh hoặc dưới 1 tuổi, khi sử dụng tinh dầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

4. Một số câu hỏi thường gặp

- Trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi có cần hút mũi không?

Thông thường, việc hút mũi cho trẻ nên thực hiện khi trẻ có quá nhiều dịch mũi và làm trẻ bị tắc nghẽn. Nhưng nếu lạm dụng việc hút mũi có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Do vậy, nếu trẻ không có quá nhiều dịch mũi thì cha mẹ có thể lựa chọn các biện pháp khắc phục khác.

- Trẻ bị nghẹt mũi khi nào là do nhiễm vi khuẩn hoặc virus?

Các triệu chứng khi trẻ bị viêm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn hoặc virus (chẳng hạn do cúm hoặc cảm lạnh) như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, ho, sốt, quấy khóc, thở khò khè, đau nhức,...

Nhìn chung, nghẹt mũi ở trẻ là tình trạng phổ biến và không đáng lo ngại, nhưng triệu chứng này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ bị nghẹt mũi kéo dài thì cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám, tìm rõ nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Nguồn tham khảoWhat to Do When Baby Sounds Congested but Has No Mucus


Tác giả: Vân Anh