Những xét nghiệm theo dõi sau kết thúc điều trị ung thư xương

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Những xét nghiệm theo dõi sau kết thúc điều trị ung thư xương
Sau khi điều trị ung thư xương kết thúc, bệnh nhân cần được thường xuyên kiểm tra và làm các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết để đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi sự tình trạng bệnh.

1. Vì sao cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra sau điều trị ung thư xương?

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư xương khác nhau được ứng dụng để điều trị cho bệnh nhân trên lâm sàng, và những phương pháp điều trị ngày càng hiện đại và đem lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, kể cả khi đã thực hiện thành công các phương pháp điều trị và đẩy lùi bệnh, bệnh nhân ung thư xương vẫn phải được kiểm tra định kỳ một cách nghiêm túc.

Trong đó, ngoài kiểm tra các triệu chứng biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân như đau, mệt mỏi, sút cân, chèn ép thần kinh,...các xét nghiệm, cận lâm sàng luôn là nội dung kiểm tra không thể thiếu để theo dõi đối với bệnh nhân sau khi điều trị ung thư xương.

Những xét nghiệm, cận lâm sàng sau điều trị ung thư xương có thể giúp bác sĩ đánh giá được mức độ đáp ứng của cơ thể bệnh nhân đối với các phương pháp điều trị. Đồng thời phát hiện sớm việc ung thư xương tái phát sau điều trị khi bệnh nhân chưa có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng. Nhờ vậy, bác sĩ có thể đưa ra quyết định chính xác và kịp thời hơn để điều trị cho bệnh nhân.

2. Một số xét nghiệm, cận lâm sàng thường sử dụng để theo dõi bệnh nhân sau điều trị ung thư xương

Sau đây là một số xét nghiệm, cận lâm sàng thường được dùng để theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị.

X-Quang

Chụp X-Quang là một trong các cận lâm sàng thường quy để đánh giá bệnh nhân ung thư xương sau điều trị. Kết quả chụp X-Quang có thể cho thấy được có sự trở lại của những khối u do ung thư xương hay không, tình trạng của xương (màng xương, độ đặc của xương,..) và tình trạng ung thư lan đến các cơ quan khác (thường gặp là phổi).

Tuy nhiên khi khối u có kích thước nhỏ, thường khó có thể đánh giá qua phim X- Quang và cần phải làm các kiểm tra sâu hơn.

CT- Scaner và MRI

Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scaner) và chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ cho thấy rõ ràng hơn hình ảnh của các khối u và các tổn thương mà bệnh nhân đã gặp phải, đánh giá tình trạng các tổn thương này xem xét sự tiến triển của chúng.

Đặc biệt khi kết quả chụp X-Quang hay các xét nghiệm máu có nghi ngờ về sự trở lại của những tế bào ung thư xương nhưng không thể chắc chắn, CT-Scaner và MRI sẽ có tác dụng rất quan trọng trong phát hiện khối u.

Các xét nghiệm máu

Ngoài các kiểm tra hình ảnh bằng X-Quang, CT Scaner hay MRI thì bệnh nhân ung thư xương đã điều trị cần được làm một số xét nghiệm máu để theo dõi sau điều trị. Trong đó, bệnh nhân thường được kiểm tra nồng độ ion Calci trong máu và phosphatase kiềm (ASP) trong máu để chẩn đoán sớm tình trạng ung thư quay trở lại.

Khi kết quả cho thấy nồng độ ion Calci và nồng độ ASP tăng cao trong máu, bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh nhân đã tái phát ung thư xương và có thể chỉ định các kiểm tra chuyển sâu hơn để đánh giá chính xác tình trạng bệnh.

Ngoài những xét nghiệm, cận lâm sàng thường làm như trên tùy thuộc vào tình hình cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện thêm một số các kiểm tra khác để đánh giá cụ thể nhất về tình trạng bệnh.

Qua đó, có thể thấy việc thực hiện các xét nghiệm và cận lâm sàng là có vai trò cần thiết và vô cùng quan trọng để có thể đánh giá và theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị.


Tác giả: QN