Những sai lầm thường gặp trong phòng và điều trị sốt xuất huyết

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Những sai lầm thường gặp trong phòng và điều trị sốt xuất huyết
Trong phòng và điều trị sốt xuất huyết, rất nhiều sai lầm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí làm nguy hiểm tới tính mạng của bản thân và những người xung quanh

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Biến chứng của bệnh có thể dẫn đến tình trạng sốc, giảm tiểu cầu trong máu, suy đa tạng, tràn dịch màng phổi,... và có thể gây tử vong. Dưới đây là một số sai lầm nên tránh trong phòng và điều trị sốt xuất huyết để bảo vệ sức khỏe và tránh làm bệnh lây lan

Những sai lầm thường gặp trong phòng và điều trị sốt xuất huyết:

1. Mỗi người chỉ bị sốt xuất huyết một lần

Đây là một sai lầm trong phòng và điều trị sốt xuất huyết thường gặp, gây chủ quan cho nhiều người.

Thực tế, có bốn type virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết là D1, D2, D3, D4. Khi người bệnh nhiễm vi rút lần đầu, bệnh thường nhẹ và sau khi được chữa khỏi sẽ có miễn dịch với típ đó. Tuy nhiên, khi tái nhiễm các típ virus khác thì bệnh nhân hoàn toàn có thể mắc bệnh thêm lần nữa. Như vậy, chúng ta có thể mắc sốt xuất huyết tới 4 lần trong đời.

2. Hết sốt là hết bệnh

Thông thường, bệnh sốt xuất huyết diễn ra theo ba giai đoạn chính: gian đoạn sốt (2-7 ngày), giai đoạn lui sốt (3-6 ngày) và giai đoạn hồi phục. Tuy nhiên, các biến chứng nguy hiểm của bệnh thường không xảy ra vào giai đoạn sốt. Như vậy, quan niệm "hết sốt là hết bệnh" là hoàn toàn sai lầm trong phòng và điều trị sốt xuất huyết.

Những sai lầm thường gặp trong phòng và điều trị sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết (Ảnh: Internet)

Thực tế, giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết là thời kỳ lui sốt, tính từ ngày thứ 4 của bệnh trở đi. Đây là thời gian có thể xảy ra rất nhiều biến chứng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Các biến chứng thấm thành mạch hoặc cô đặc máu thường không thể hiện rõ ràng mà chỉ được phát hiện khi theo dõi kết quả xét nghiệm máu. Vi vậy, sau thời gian sốt, bệnh nhân vẫn cần thực hiện kiểm tra và xét nghiệm máu hàng ngày để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Đối với biến chứng giảm tiểu cầu, bệnh nhân thường có biểu hiện chảy máu cam, chảy máu chân răng và lợi, xuất huyết và bầm tím dưới da,...

3. Sốt xuất huyết lây trực tiếp từ người sang người

Đây là quan niệm sai lầm trong phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết. Thực tế, sốt xuất huyết chỉ lây từ người sang người thông qua một loài động vật trung gian là muỗi Aedes (muỗi vằn) mang virus gây bệnh.

Như vậy, việc giao tiếp thông thường, chăm sóc bệnh nhân hoặc tiếp xúc với các chất dịch mũi, họng,... của bệnh nhân hoàn toàn không làm lây bệnh sốt xuất huyết. Để phòng bệnh sốt xuất huyết, nên thực hiện các biện pháp để phòng muỗi đốt, thay vì hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

4. Sử dụng Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt

Các triệu chứng sốt xuất huyết thường rất dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm hoặc các bệnh thông thường, dẫn tới nhiều sai lầm trong điều trị. Đặc biệt, để hạ thân nhiệt nhanh, nhiều người thường sử dụng các thành phần hạ sốt như Aspirin và Ibuprofen. Tuy nhiên, đây là hai thành phần cần tuyệt đối tránh trong điều trị sốt xuất huyết.

Hai thành phần hạ sốt này có thể gây ra một số tác dụng phụ cho bệnh nhân sốt xuất huyết như ngăn cản sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu, viêm loét và xuất huyết dạ dày,... khiến bệnh tình càng trầm trọng hơn.

Để đảm bảo an toàn trong phòng và điều trị sốt xuất huyết, khi có dấu hiệu hoặc đã được chuẩn đoán bệnh, chỉ nên sử dụng paracetamol để hạ sốt. Việc sử dụng loại thuốc này cũng cần lưu ý đúng liều lượng phù hợp với lứa tuổi và cân nặng của bệnh nhân.

5. Muỗi vằn chỉ xuất hiện ở nơi có ao tù, nước đọng.

Trong phòng và điều trị sốt xuất huyết, nên tránh sai lầm này để bảo vệ sức khỏe. Thực tế, muỗi vằn có thể sinh sôi ngay trong nhà tại lọ hoa, hòn non bộ, mảnh vỡ chai lọ, phế liệu, xô chậu chứa nước.

Ngoài ra, muỗi vằn rất ưa thích sống gần người và cũng thường trú ngụ tại các vật dụng xung quanh ngôi nhà như dây phơi quần áo, xó nhà, các góc khuất, chăn gối,...

6. Phun thuốc một lần, diệt muỗi vĩnh viễn

Thực tế, việc phun thuốc dưới dạng phun sương chỉ có khả năng diệt được đàn muỗi gây bệnh tại thời điểm đó. Chỉ một thời gian ngắn (thường là vài giờ) sau, khi thuốc đã khuếch tán trong không khí, đàn muỗi hoàn toàn có thể quay trở lại và tiếp tục tấn công, gây bệnh cho người.

Như vậy, việc phun thuốc diệt muỗi phải tiến hành trên diện rộng và không thể cách nhau trong thời gian quá dài, đặc biệt là trong thời gian cao điểm của dịch.

Trên đây là một số sai lầm thường gặp trong phòng và điều trị sốt xuất huyết. Cần tránh các sai lầm này để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.


Tác giả: Thảo Ngân