Những lưu ý về chăm sóc da cho bệnh nhân ung thư vú trong và sau khi điều trị

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Những lưu ý về chăm sóc da cho bệnh nhân ung thư vú trong và sau khi điều trị
Bệnh nhân ung thư vú trong quá trình điều trị hóa trị, xạ trị rất dễ bị tổn thương đến các bộ phận trên cơ thể, ngoài vấn đề rụng tóc thì việc chăm sóc da cũng được rất nhiều bệnh nhân quan tâm.

Hóa trị liệu là phương pháp điều trị ung thư tiên tiến nhất hiện nay. Ngoài những mặt tích cực mà nó đem lại trong quá trình tiêu diệt tế bào ung thư thì những tác dụng phụ của hóa trị liệu cũng gây không ít những mặc cảm và đau đớn cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nữ mắc ung thư vú. 

Một trong những tác dụng phụ thường thấy của hóa trị liệu lên cơ thể người bệnh là đối với da và tóc. Bài viết này muốn mang đến cho bệnh nhân cách chăm sóc da tốt nhất và đúng cách trong và sau quá trình điều trị để người bệnh tự tin hơn, khỏe mạnh hơn, nhanh chóng phục hồi. 

1. Chăm sóc da giai đoạn xạ trị

Để chăm sóc da một cách tốt nhất trong quá trình điều trị, người bệnh ung thư vú nên tuân thủ một số quy tắc sau:

- Bạn nên mặc quần áo thoải mái, tốt nhất là bằng vải cotton

- Giữ ấm cơ thể trong khi tắm thay vì tắm nước nóng

- Tránh việc để nước xả trực tiếp xuống bầu ngực khi tắm

- Hạn chế sử dụng các loại sữa tắm có tính tẩy rửa và kích ứng cao. Bệnh nhân nên chọn các loại vệ sinh cơ thể chứa thành phần tự nhiên, dịu nhẹ với làn da.

Để tránh da kích ứng và mẩn đỏ, bạn phải tránh việc da chạm da. Điều này thường xảy ra khi:

- Cánh tay ép sát vào nách và mặt ngoài của bầu ngực. Dọc theo nếp gấp dưới bầu ngực, ngực bạn có thể xệ xuống chạm vào da bụng. 2 bầu ngực chạm vào nhau tại khe ngực.

Để tránh việc da chạm da này, bạn cần:

- Để cánh tay cách xa cơ thể mọi lúc có thể

- Lựa chọn loại áo ngực chắc chắn, không nên mặc áo có gọng nhưng vẫn nâng đỡ và giữ 2 bầu ngực của bạn tách ra.

- Trong trường hợp ngực bạn có kích cỡ lớn, hãy nhét một miếng vải mỏng, mịn, sạch ở khe ngực và ngay nếp gấp dưới bầu ngực khi không mặc áo nịt ngực. 

- Thường xuyên bôi bột mịn lên khắp bầu ngực và các khe, nếp gấp để hút ẩm, giảm ma sát và khử mùi. Bạn có thể sử dụng phấn em bé làm từ bột bắp (không sử dụng bột talc) hoặc bột bắp được rây kỹ. 

- Hãy dùng cọ trang điểm sạch sẽ hoặc dùng đầu của một chiếc vớ mỏng hoặc vớ bằng ni lông dài đến đầu gối để bôi phấn. Nhớ là phải bôi thật nhẹ nhàng. 

- Nếu bác sĩ khuyên bạn nên dùng kem hoặc thuốc mỡ thì hãy bôi nó trước rồi mới bôi phấn lên. Dù có điều trị bằng xạ trị hay không thì nếp gấp dưới bầu ngực rất thường bị nhiễm nấm – đặc biệt là trong mùa nóng và ở những phụ nữ ngực to. 

- Khi thấy những dấu hiệu như nổi mẩn đỏ, có lớp màu trắng trên da thì cần phải chữa khỏi trước khi xạ trị. Một số loại kem chống nấm (loại bôi ở chân) có hiệu quả khá tốt.

2. Giảm kích ứng da trong và sau khi xạ trị 

Hãy chuẩn bị thật kỹ trước khi phản ứng phụ sau hóa trị liệu. Bệnh nhân ung thư vú cần làm ẩm da mỗi ngày bằng thuốc mỡ, chăm sóc da vào ban đêm, có thể mặc một chiếc áo thun cũ để thuốc mỡ không dính lên giường. 

Hãy quan sát phản ứng của da trong một số trường hợp sau:

- Nếu da bị ửng hồng, ngứa, rát trong quá trình chăm sóc da giai đoạn xạ trị thì hãy bôi nha đam hoặc thử bôi kem chứa 1% hydrocortisone (bán ở mọi nhà thuốc và không cần toa bác sĩ). Bôi kem thật mỏng 3 lần/ngày. 

- Nếu da chuyển sang mẩn đỏ, ngứa, đau và có dấu hiệu như bị bỏng, kem có nồng độ thấp sẽ không còn tác dụng, bạn phải nói cho bác sĩ biết để được kê thuốc có nồng độ steroid mạnh hơn, ví dụ như loại 2,5%. 

- Một số người thấy hết đau khi dùng máy sấy thổi vào vùng da đó ở chế độ "lạnh" hoặc "gió" (không được dùng nhiệt). 

Một lời khuyên nữa cho bệnh nhân ung thư vú đó là không nên mặc áo nịt ngực nếu không cần thiết, bạn hãy để ngực được thoải mái và thông thoáng nhất có thể.

- Nếu da bị khô và bong tróc, hãy tăng cường dưỡng ẩm và rửa vùng da nhẹ nhàng với nước.

- Nếu da bị phồng rộp, bong tróc- hãy hạn chế chạm vào nó. Những bóng nước phồng rộp sẽ giúp làn da bên dưới sạch hơn và chuẩn bị lên da mới. Tuyệt đối không làm bóng nước bị vỡ, chảy nước vàng. 

- Luôn giữ vùng da bị tổn thương thật khô ráo, vệ sinh bằng nước ấm

- Luôn hút ẩm chỗ đó và dính miếng gạc Xeroform vào (loại có dầu bôi trơn) hoặc loại gạc có tính chất như một "lớp da thứ hai" của một số công ty sản xuất. 

- Để giảm bớt sự đau đớn từ các bóng nước và vết rộp này, hãy uống các loại thuốc giảm đau không cần toa bác sĩ hoặc có thể nhờ bác sĩ kê toa loại đặc biệt nếu bạn quá đau. 

3. Phải làm gì nếu vùng da được xạ trị tiếp xúc ánh nắng mặt trời? 

 Tránh xa ánh nắng trong quá trình điều trị vì điều này rất có hại cho vùng da bị tổn thương. Một số lưu ý cho bệnh nhân ung thư vú trong và sau quá trình hóa trị liệu như sau:

- Mặc đồ tắm có cổ cao. Mặc trang phục chống nắng khi bạn không ở trong nước. 

- Mặc áo cotton thật rộng để không chạm vào vùng da ngực. 

- Tránh mọi hoạt động có dính đến chất clo. Clo khiến da trở nên khô và kích ứng nặng hơn. Nếu bạn bơi ở hồ bơi thì phải bôi dầu nhờn (tương tự như Vaseline) vào vùng được điều trị để clo không dính vào da. 

Da của bệnh nhân sẽ trở nên nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hơn rất nhiều. Tuy vậy bạn vẫn có thể tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên nhưng không nên đứng dưới trời nắng quá lâu, sử dụng kem chống nắng dịu nhẹ có chỉ số SPF 30 trở lên, thoa kem đều đặn 30 phút 1 lần, đặc biệt là ở dưới nước. 


Tác giả: MN