Những điều cần biết về tầm soát ung thư amidan

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết về tầm soát ung thư amidan
Tầm soát ung thư amidan là quá trình kiểm tra khoang miệng và amidan bằng nhìn trực quan và sờ nắn trực tiếp. Tầm soát ung thư amidan có thể trấn an bệnh nhân khi tình trạng amidan tốt, hoặc kích hoạt điều trị sớm nếu có vấn đề.

1. Những bước tầm soát ung thư amidan cần biết

- Bước 1: Khám sức khỏe lâm sàng

Đầu tiên bác sĩ sẽ khám sức khỏe tổng quan để đánh giá tình trạng hiện tại của bạn. Bạn sẽ cần phải mô tả cho bác sỹ biết về những triệu chứng mà bạn trải qua và cảm nhận được.

- Bước 2: Quan sát trực quan amidan

Bác sĩ có thể quan sát trực tiếp hoặc nội soi amidan để tìm những dấu hiệu bất thường xuất hiện trên niêm mạc amidan.

Lưu ý khi tầm soát ung thư amidan trực quan: Các dấu hiệu sớm của ung thư amidan vốn không rõ ràng và khá khó nhận biết. Nếu chỉ nhìn hời hợt về hầu họng thì nhiều bệnh ung thư sớm có thể không được chú ý. Cần kiểm tra các trụ amidan trước và sau xem có bất kỳ bất thường nào không, như xuất hiện khối ngoại bào lạ, amidan không đối xứng , amidan loét hoặc đỏ.

Sau quá trình quan sát amidan, bác sĩ sẽ ghi chú chi tiết những bất thường như mức độ tổn thương của amidan, bị trí vết loét, tình trạng chảy máu,...

- Bước 3: Sinh thiết tế bào

Nếu sau quá trình kiểm tra ở bước 2 mà không có gì bất thường, thì bác sĩ sẽ bỏ qua bước 3. Tuy nhiên, nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có khả năng bị ung thư amidan thì bệnh nhân sẽ cần làm sinh thiết tế bào.

Bác sĩ sẽ lấy ra một mảnh mô nhỏ ở amidan, gọi là mẫu. Mẫu sinh thiết sẽ được quan sát dưới kính hiển vi và làm một số xét nghiệm. Các xét nghiệm sẽ cho biết các tế bào bất thường ở amidan là lành tính hay ác tính. Trong trường hợp khác, bác sĩ có thể chụp CT, PET hoặc MRI để xác định vị trí và kích thước khối u.

2. Tầm soát ung thư amidan có lợi ích gì?

- Tầm soát ung thư amidan không chỉ giúp bệnh nhân phát hiện sớm nguy cơ mắc ung thư amidan, mà còn xác định được nguy cơ mắc rất nhiều căn bệnh khác như ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư lưỡi, bệnh về đường hô hấp, bệnh răng miệng,... Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp cho việc chữa trị đơn giản và hiệu quả hơn.

- Từ việc tầm soát ung thư amidan có thể xác định được mức độ và giai đoạn của bệnh, bác sĩ cũng hiểu rõ hơn tình trạng và lịch sử y tế của mỗi người. Nhờ vậy bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả và phù hợp với từng bệnh nhân.

- Qua việc tầm soát ung thư amidan, bệnh nhân cũng sẽ được bác sĩ hướng dẫn phòng chống bệnh tật hiệu quả hơn, kiểm soát sức khỏe tốt hơn.

3. Những hạn chế của tầm soát ung thư amidan

- Không có bằng chứng nào cho thấy việc tầm soát ung thư amidan có thể làm giảm số ca tử vong do ung thư amidan. Tuy nhiên, việc tầm soát có thể giúp phát hiện ung thư sớm, khi khả năng chữa khỏi vẫn còn cao.

- Tầm soát ung thư amidan có thể bỏ sót bệnh do vùng amidan có chứa nhiều hốc sâu, khó quan sát. Mặt khác, khi ở giai đoạn đầu, ung thư amidan thường không có thương tổn rõ ràng. Do vậy những tổn thương tiền ung thư rất có thể không bị phát hiện. 

- Tầm soát ung thư amidan có thể dẫn đến nhiều xét nghiệm bổ sung. Nhiều người có vết loét trong miệng, đa số là tổn thương lành tính. Một cuộc kiểm tra thông thường không thể xác định vết loét nào là lành tính, vết loét nào là ung thư.

Cách duy nhất để xác định chắc chắn liệu bạn có bị ung thư amidan hay không là lấy ra một số tế bào bất thường và thực hiện sinh thiết chúng. Đôi khi các bác sĩ cũng kiểm tra xem mẫu sinh thiết có chứa virus HPV hay không. Thông tin này sẽ giúp bác sĩ dự đoán tiến trình ung thư có thể xảy ra.


Tác giả: Minh Vy